Công bố "Gói hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với Covid-19", ngày 28/4. (Ảnh: Vân Chi) |
Ngày 28/4, tại Hà Nội, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố “Gói hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với Covid-19" nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội nâng cao năng lực và hoàn thiện mô hình kinh doanh để đối phó với những bất trắc sau đại dịch.
Là hỗ trợ hàng đầu cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với Covid-19 (ISEE-Covid), Gói hỗ trợ Doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với Covid-19 dự kiến sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội: Xác định những thách thức chính tạo ra bởi Covid-19; Thiết kế và chuyển đổi mô hình kinh doanh hoặc phát triển các sản phẩm/ dịch vụ mới để thích ứng với tình hình Covid-19; và hỗ trợ Vốn hạt giống cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội để xây dựng và thử nghiệm các mô hình kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ mới.
Trong năm 2022, chương trình sẽ hỗ trợ 30 doanh nghiệp tạo tác động xã hội thuộc lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ và các nhóm yếu thế làm chủ. Mỗi doanh nghiệp sẽ được huấn luyện chuyên biệt trong 6 tháng và vốn hạt giống 100.000.000 đồng để xây dựng và thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, gói hỗ trợ này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tháo gỡ những nút thắt, khó khăn trên thông qua những hành động cụ thể.
"Chúng tôi sẽ cử các chuyên gia, các tổ chức trung gian đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết những vấn đề cụ thể trong quản lý, kinh doanh, phát triển sản phẩm của doanh nghiệp tạo tác động xã hội trong vòng 6 tháng.
Đặc biệt, gói hỗ trợ còn cung cấp “vốn mồi” 100 triệu đồng cho mỗi doanh nghiệp để xây dựng và thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới. Đây là nguồn lực rất quý giá cho doanh nghiệp nhằm phần nào khắc phục được khó khăn trong tiếp cận các nguồn tài chính của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội”, ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen cho biết, các nghiên cứu đánh giá cơ bản cho thấy, gần 47% doanh nghiệp tạo tác động xã hội được phỏng vấn bị giảm doanh thu do tác động của Covid-19. Doanh nghiệp có tỷ lệ giảm doanh thu cao nhất thuộc về nhóm sử dụng lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và hợp tác xã.
“Chúng tôi hy vọng rằng gói hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với Covid-19 sẽ kịp thời cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật và nguồn tài chính cần thiết để các doanh nghiệp tạo tác động xã hội hiện thực hóa các ý tưởng đổi mới nhằm giải quyết các thách thức trong kinh doanh và mang lại lợi ích cho các nhóm dễ bị tổn thương”, bà Wiesen chia sẻ.
Doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) là “các doanh nghiệp với hoạt động kinh doanh và cam kết tạo tác động tích cực cho xã hội và môi trường là hai yếu tố trọng tâm trong chiến lược hoạt động của họ. Cân bằng các mục tiêu xã hội / môi trường với mô hình thương mại cho phép họ giải quyết các thách thức xã hội và môi trường một cách bền vững".
Việt Nam có một hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội đang phát triển nhanh chóng và sôi động. Việc làm, phúc lợi và bảo vệ môi trường là ba lĩnh vực trọng tâm hàng đầu của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Họ là những người đi đầu trong việc thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập. Cân bằng lợi nhuận với các tác động xã hội để tạo nên một mô hình kinh doanh bền vững.
Số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam đang giảm nhưng tác động tiêu cực của Covid-19 đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp do các nhóm dễ bị tổn thương dẫn đầu, vẫn còn kéo dài và gây thiệt hại nghiêm trọng.
Nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vào tháng 8/2021 cho thấy doanh thu của các doanh nghiệp hộ gia đình và doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ giảm mạnh, buộc họ phải cắt giảm hoạt động và sa thải công nhân.
Doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn và vận tải hành khách là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tác động này càng trầm trọng hơn đối với các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ.
| Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết container hạt điều tại Italy Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên qua kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, tích cực hỗ trợ các ... |
| ADB hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam do phụ nữ làm chủ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa ký kết một khoản vay trị giá 25 triệu USD với Ngân hàng Thương mại cổ phần ... |