📞

Hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số trong bối cảnh Covid-19

Nguyễn Hồng 18:09 | 18/10/2021
Trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu, phụ nữ cần được hỗ trợ nâng cao năng lực, tạo cơ hội để tham gia thực chất và đóng góp hiệu quả trong sự chuyển biến mang tính cách mạng này.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ tặng hoa chị em nhân ngày 20/10. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Sáng ngày 18/10, tại Nhà khách Chính phủ (Hà Nội) diễn ra tọa đàm “Hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số trong bối cảnh Covid-19 vì phát triển bền vững”.

Chương trình do Bộ Ngoại giao phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Ngoại giao và ông Michael Siegner, Trưởng đại diện tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm.

Tham dự còn có các Đại sứ và đại diện các cơ quan Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế tại Hà Nội, đại diện các bộ, ban, ngành, Sở Ngoại vụ, Sở Thông tin và Truyền thông 63 tỉnh thành trong cả nước, các đoàn thể, doanh nghiệp...

Đồng hành cùng phụ nữ

Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 cho thấy, chuyển đổi số không chỉ là giải pháp thúc đẩy phát triển mà còn là yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia cũng như từng cá nhân. Thực tế cho thấy còn tồn tại khoảng cách giới khá lớn trong chuyển đổi số.

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu, phụ nữ cần được hỗ trợ nâng cao năng lực, tạo cơ hội để tham gia thực chất và đóng góp hiệu quả trong sự chuyển mang tính cách mạng này.

Chính vì vậy, bà Hà Thị Nga nhấn mạnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xác định hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số là một nhiệm vụ vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Theo bà Nga, trong thời gian qua, Hội đã triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế như tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến trong các hoạt động truyền thông, đào tạo cho hội viên, phụ nữ; tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh; hỗ trợ kết nối phụ nữ với các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm…

Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh quan trọng khi Việt Nam bắt đầu triển hai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tiếp tục thực hiện Chương trình Chuyển đối số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Cũng theo bà Nga, đây là thời điểm quan trọng khi tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ cả nước đang trong tâm thế bước vào một nhiệm kỳ mới. Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế và chuyển đổi số sẽ là một trong những chủ trương quan trọng để Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nghiên cứu thông qua. Từ đó, việc triển khai ở các cấp Hội sẽ tạo ra bước đột phá, đóng góp vào sự phát triển của phụ nữ và mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cam kết cùng cả hệ thống chính trị nỗ lực hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Bà Hà Thị Nga mong muốn mở rộng và nâng tầm hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp tập đoàn, đối tác trong nước và quốc tế nhằm tiến tới xây dựng khung hợp tác chiến lược vì phát triển xanh và bền vững, vì sự phát triển của phụ nữ.

Đi tìm giải pháp hỗ trợ

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho nhân loại, trao cho phụ nữ nhiều quyền năng to lớn, giúp phụ nữ giải phóng được nhiều tiềm năng tuyệt vời để vượt qua những rào cản và thách thức hiện tại, tạo ra những thay đổi cần thiết cho tương lai.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chia sẻ quan điểm về các giải pháp hỗ trợ để hỗ trợ phụ nữ tham gia và tận dụng tốt nhất từ quá trình chuyển đổi số. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Qua đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta càng thấy, sức ép với phụ nữ ngày càng lớn thì sức bật và sức chịu đựng cùng khả năng vượt lên khó khăn của phụ nữ càng mạnh. Cách mạng 4.0 là một lợi thế để phụ nữ vươn lên.

Cùng với tiến trình hội nhập quốc tế, chuyển đổi số giúp phụ nữ mở rộng hơn cơ hội tiếp cận nguồn thông tin, tri thức của nhân loại, giúp nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp, trau dồi kiến thức rèn luyện để phát triển bản thân, tăng cơ hội tham gia vào các vị trí lãnh đạo quản lý trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là đối với phụ nữ.

Minh chứng rõ nét nhất cho những khó khăn mà phụ nữ đối mặt hiện nay, theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, đó là tất cả các nhà lãnh đạo công nghệ hàng đầu của thế giới và Việt Nam đều là nam giới, không có phụ nữ. Những thay đổi trong cách thức làm việc truyền thống, sự gia tăng áp lực về dịch chuyển lao động, nguy cơ thất nghiệp, bất bình đẳng xã hội, gia tăng khoảng cách giới... cũng trở thành những thách thức không nhỏ đối với phụ nữ, nhất là khi họ đang không được trang bị những tri thức mới, kỹ năng mới, phương thức làm việc mới phù hợp.

Dẫn lời phát biểu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, có tổng 50% dân số toàn cầu không được tiếp cận Internet, trong đó phần lớn là phụ nữ - đó là những bất lợi vô cùng lớn đối với phụ nữ, Thứ trưởng chia sẻ những quan điểm riêng trong việc tìm ra các giải pháp để hỗ trợ phụ nữ tham gia và tận dụng tốt nhất từ quá trình chuyển đổi số.

Thứ nhất, cần đánh giá cơ hội, thách thức, những vấn đề lớn mà quá trình chuyển đổi số đã và sẽ tác động đến phụ nữ và trẻ em gái, đâu sẽ là những cơ hội để phụ nữ phát huy những thế mạnh của mình, đâu là những vấn đề mà chuyển đổi số có thể tác động riêng đối với phụ nữ, đặc biệt là đối với phụ nữ ở địa phương, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Thứ hai, đề xuất các giải pháp tạo các môi trường thuận lợi để phụ nữ phát huy năng lực sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong khởi nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm và kinh doanh thích ứng với những yêu cầu của nền kinh tế số, khuyến nghị những chính sách nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng hội nhập và chuyển đổi số cho phụ nữ, bảo đảm khả năng tham gia tiếp cận của phụ nữ vào quá trình chuyển đổi số để không chị em nào bị bỏ lại phía sau.

Thứ ba, tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam với các nước, cũng như hợp tác công tư để huy động mọi nguồn lực hỗ trợ phụ nữ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số.

Để phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định và huy động nguồn lực bên ngoài để phát triển, trước yêu cầu và khát vọng phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, ngành Ngoại giao đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn sắp tới là huy động tổng lực toàn Ngành để phục vụ cho mục tiêu phát triển.

Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các địa phương nhằm đóng góp vào nỗ lực chung về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ hỗ trợ phụ nữ trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện của đất nước.

Một lần nữa dẫn lời Tổng thư ký Liên hợp quốc: "Không nên để cho quá trình khoảng cách số trở thành bộ mặt mới của sự bất bình đẳng, trong đó có sự bất bình đẳng về giới", Thứ trưởng Ngoại giao cho rằng, "chuyển đổi số là một trong những phương thức hữu hiệu để chúng ta có thể đầu tư cho tương lai bền vững bao trùm, thịnh vượng cho toàn nhân loại. Đầu tư cho nữ giới lĩnh vực chuyển đổi số là phương thức nhanh nhất để tiến tới tương lai đó".

Các đại biểu tham dự toạ đàm trực tiếp tại đầu cầu Nhà khách Chính phủ (Hà Nội) chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Lê Văn Thanh, đại diện Ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT đã chia sẻ về nâng cao quyền năng của phụ nữ thông qua chuyển đổi số từ góc nhìn của Liên minh châu Âu và doanh nghiệp. Các diễn giả đều khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong chuyển đổi số.

Theo ông Trương Gia Bình, rất nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Unilever, PNJ và FPT đều lựa chọn người đứng đầu văn phòng chuyển đổi số là nữ giới, bởi hơn ai hết phụ nữ là những người rất giỏi trong việc áp dụng và thực hiện việc thay đổi.

Trong khi đó, trích dẫn lời cựu Tổng thống Chile và hiện là Cao ủy Liên hợp quốc về Quyền con người Michelle Bachelet, ông Michael Siegner, Trưởng Đại diện Quỹ Hanns Seidel tại Việt Nam nhấn mạnh tiến bộ cho phụ nữ là tiến bộ cho tất cả, và đầu tư vào phụ nữ không chỉ là vấn đề về quyền mà còn mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực.

Trưởng đại diện Quỹ Hanns Seidel khẳng định chuyển đổi số và vượt qua đại dịch Covid-19 sẽ không thể thành công nếu để phụ nữ ở bên lề.

Tại phiên thảo luận của Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi và chia sẻ về các sáng kiến, kinh nghiệm, đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, chuyển đổi số cho phụ nữ, đặc biệt trong bối cảnh bình thường mới - chung sống chủ động, an toàn với Covid-19.

Chia sẻ kinh nghiệm của dự án GREAT, Phó cố vấn trưởng Dự án, bà Vũ Thị Quỳnh Anh cho rằng, cần thu hút những doanh nghiệp mạnh, quan tâm đầu tư hỗ trợ các khu vực vùng sâu vùng xa để phụ nữ dân tộc thiểu số được chuyển đổi số, tiếp cận công nghệ trong kinh doanh.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Nam Phạm Thị Ngọc Quyên cho rằng cần có một nền tảng thương mại điện tử dành riêng cho các sản phẩm của phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ quảng bá sản phẩm của mình.

Đại sứ Australia, Đại sứ Na Uy và Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam cũng đóng góp ý kiến, đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số, trong đó có việc hoàn thiện thể chế chính sách, thúc đẩy ứng dựng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.

Trao đổi sau sự kiện, các đại biểu cả trong nước và quốc tế đều đánh giá cao ý nghĩa của Tọa đàm.

Có thể nói, Tọa đàm đã mở ra nhiều định hướng và cơ hội hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số trong bối cảnh Covid-19 và kết nối các bên liên quan trong các nỗ lực hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.