Nina sinh năm 1982, tại thành phố Osaka. Sau khi du học Mỹ và Hà Lan, Nina xin vào tổ chức JICA làm việc, đây chính là cơ duyên đưa cô đến với người dân vạn đò TP. Huế.
“Cùng bọn trẻ học tiếng việt”
Vừa đến Huế nhận việc, Nina đã đạp xe đến cư dân vạn đò ở phường Phú Bình, Kim Long, Phú Hiệp, Phú Hậu. Những đứa trẻ đang nhặt rác bên sông đã làm cô cảm thương. Biết chúng “khát chữ”, Nina đã đến lớp học tình thương của khu tái định cư thuộc phường Phú Hiệp nhận dạy chữ, dù tiếng Việt còn bập bẹ. Học trò của cô là con em các gia đình nghèo… nhưng “thèm” đến lớp học. Ngày đứng lớp, Nina viết chữ lên bảng nhưng lại phát âm sai, khiến học trò cười, chê cô giáo kém tiếng Việt. Sau đó Nina xen kể chuyện, tập vẽ vào mỗi buổi dạy. Buổi nào Nina nghỉ dạy là bọn trẻ lại kéo đến tận nơi Nina ở để tìm. “Em sợ chị Nina ốm không đến dạy em vẽ, kể chuyện cổ tích của Nhật Bản cho em nghe” - bé Sang, 10 tuổi nói. Tuy lớp học có nhiều lúc bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò, nhưng khi cô giáo phát âm không chuẩn, học trò dạy cho cô phát âm lại, và khi trò viết chữ sai cô cầm tay trò nắn nót từng chữ.
“Mong các chị, các em có công ăn việc làm”
Tốt nghiệp đại học loại ưu ở Mỹ, với chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Nina muốn đem kiến thức đến giúp người nghèo. Khi bước chân xuống những chiếc nhà tạm bợ của người dân vạn đò, Nina thấy được cuộc sống cư dân nơi đây còn thiếu thốn đủ bề, có rất nhiều trẻ em không biết chữ. Cô tự hỏi: tại sao lao động ở đây dư thừa mà lại nghèo? Hay chưa có ai chăm lo công ăn việc làm? Từ đó, Nina tích cực tìm hiểu về cuộc sống của người dân vạn đò, kêu gọi các cơ quan liên quan, ủng hộ các lớp học tình thương bằng cách mua sách vở, bút mực cho các em.
Trong những buổi về thăm gia đình các em, Nina phát hiện bọn trẻ còn có các anh, chị rất khéo tay. Và ý tưởng bừng lên để cải thiện cuộc sống: Nina bỏ tiền túi ra mua hạt cườm, sợi dây kim tuyến, gỗ mỹ nghệ… mày mò làm hàng lưu niệm, móc chìa khóa để dạy cho bọn trẻ. “Mình mới hướng dẫn cho bọn trẻ có một ngày mà các em đã làm ra được những món đồ lưu niệm xinh xắn rồi”, Nina tâm sự.
Sau một tuần bọn trẻ làm hàng lưu niệm, Nina đến lấy hàng và mang đi bán ở các nhà hàng, khách sạn. “Mình vừa chào hàng trực tiếp vừa chào hàng trên mạng. Tuy có những sản phẩm chưa bắt mắt lắm, nhưng mình phải cố bán, vì đó là công sức của các em”, Nina vừa bán hàng, vừa nói. Mỗi lần bán hết hàng, Nina đạp xe một mạch đến giao tiền cho bọn trẻ. Phần thưởng bọn trẻ khao Nina sau những lần bán hàng là bánh bột lọc do chính tay các em làm.
Khi biết một số chị em ở xóm vạn đò phường Phú Bình có con học giỏi mà không kham nổi, Nina đã đề xuất lên tổ chức JICA cho chị em vay vốn không hoàn lãi. Nina cho biết: “Khi vốn giáo dục có hiệu quả, mình dự kiến đề xuất lên JICA cho chị em ở phường Phú Bình, Phú Hiệp, Phú Hậu vay vốn nuôi cá bè. Nếu được, mô hình sẽ được chị em ở phường Phú Bình nuôi thí điểm”.
Đến tháng 7/2008, Nina sẽ hết thời gian tình nguyện ở Việt Nam. Thời gian không còn nhiều để đưa lại một sự đổi thay lớn của hàng nghìn cư dân vạn đò ở TP. Huế. Nhưng Nina có một ước mơ giản dị: “Khi rời Việt Nam, mình mong chị em vạn đò có công ăn việc làm”.
Lê Văn Định