Với ngân sách 2,9 triệu USD, dự án này có mục tiêu hỗ trợ giảm thiểu các mối đe dọa đến đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản ven bờ cũng như tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của vùng ven biển tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Đại biểu tham dự Lễ khởi động dự án tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. (Nguồn: Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam) |
Dự án được thực hiện phối hợp với các đối tác là các cơ quan trung ương của Việt Nam, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, ban quản lý các khu bảo tồn biển, các đối tác phát triển và cộng đồng ngư dân.
Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc USAID Việt Nam Aler Grubbs cho biết: “Việc khởi động dự án ngày hôm nay góp phần thúc đẩy ưu tiên chung của chúng tôi với Việt Nam nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại khu vực ĐBSCL, nơi đóng vai trò rất quan trọng nhưng ngày càng dễ bị tổn thương, đồng thời đóng góp vào quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ”.
ĐBSLC và các hệ sinh thái ven bờ là nơi tập trung của 70% rừng ngập mặn và 90% diện tích thảm cỏ biển tại Việt Nam.
Được bồi đắp bởi trầm tích và chất dinh dưỡng từ sông Cửu Long, khu vực này trở thành môi trường thuận lợi để phát triển nguồn lợi thủy sản phong phú nhất tại Việt Nam đồng thời bảo vệ cộng đồng ven biển trước triều cường do bão và tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, những khu vực sinh cảnh này và nhiều loài thuỷ sản có giá trị thương mại quan trọng (như cá vược và cá hồng) phải đối mặt với nhiều mối đe dọa gây tác động lâu dài đến sinh kế và cuộc sống nơi đây.
Thông qua dự án mới này, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học khu vực ven biển, tăng cường công tác quản lý bền vững nguồn lợi biển nhằm giảm thiểu tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, đồng thời nâng cao khả năng chống chịu cho các cộng đồng địa phương ven biển trước tác động của biến đổi khí hậu.
Sự kiện thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong việc mở rộng hỗ trợ tại ĐBSCL và trên khắp Việt Nam, phù hợp với các ưu tiên chung của hai nước trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện.