Từng là một ẩn số giữa lòng Thủ đô cho đến năm 2002- 2003, cuộc khai quật khảo cổ học lớn được tiến hành tại 18 Hoàng Diệu đã làm xuất lộ một quần thể di tích vô cùng quý giá, minh chứng cho sự hiện hữu và trường tồn của Thăng Long - Hà Nội qua hàng ngàn năm lịch sử.
Đặc biệt, sau nhiều năm lặng lẽ, từ tháng 10/2004, lần đầu tiên Hoàng thành Thăng Long mở cửa đón khách tham quan đã trở thành một sự kiện văn hóa đặc biệt, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Hoàng thành Thăng Long. |
Bước tiến lớn về bảo tồn
Phải khẳng định đã có rất nhiều bước tiến trong công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long để nâng cao vị thế của di sản đặc biệt này giữa trung tâm Hà Nội. Cách đây hơn 10 năm, với sự ủng hộ của các chuyên gia Pháp, Nhật Bản và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, tổ chuyên gia dưới sự chủ trì của Giáo sư Phan Huy Lê đã tập trung làm việc, xây dựng hồ sơ để UNESCO vinh danh, ghi nhận một di sản thế giới giữa lòng Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Tại kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới tại Thủ đô Brasilia (Brazil) vào ngày 31/7/ 2010, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được ghi nhận là di sản văn hóa thế giới.
Và thực tế, 10 năm qua, công tác tuyên truyền, quảng bá di sản được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như trưng bày, triển lãm, website, mạng xã hội, quảng bá trực tuyến cùng các hoạt động hướng tới khách tham quan, nâng cao chất lượng dịch vụ được Trung tâm chú trọng triển khai. Hoàng thành Thăng Long trở thành một điểm đến của khách du lịch trong nước và quốc tế, là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn của Thủ đô như Hội sách, Liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa...
Hiện tại, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã hoàn thành phê duyệt hai Đồ án quy hoạch: Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành cổ (tỷ lệ 1/500, ngày 21/8/2015) và Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000, ngày 3/7/2015) làm cơ sở để triển khai thực hiện các dự án thành phần theo quy định; triển khai các bước nghiên cứu lập Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Bà Phạm Thị Thanh Hường , Trưởng ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho rằng: “Hoàng thành Thăng Long là điểm sáng nổi bật nhất trong số di sản thế giới đã được UNESCO công nhận tại Việt Nam. Di sản này được bảo tồn và phát huy giá trị đúng hướng, ưu tiên mục tiêu bảo vệ, bảo tồn hơn mục tiêu khai thác, trong khi các di sản khác lại chú trọng đến việc phát triển du lịch khiến tính bền vững của di sản bị đe dọa”.
Không chỉ vậy, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã thực hiện tốt các khuyến nghị của UNESCO về việc tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, toàn diện trong lĩnh vực khảo cổ học, thực hiện kế hoạch quản lý di sản một cách bài bản, đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản cho thế hệ trẻ và quản lý chặt chẽ các hoạt động phát triển du lịch.
Câu chuyện phát triển
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh, những kết quả nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong chặng đường 10 năm qua là những tiền đề vững chắc đi tới chặng đường tiếp theo: Bảo tồn lâu dài khu di sản với định hướng trở thành một công viên văn hóa - lịch sử, một điểm tham quan hấp dẫn hàng đầu của Thủ đô và cả nước.
Có lẽ, thật hiếm di sản nào trên thế giới có sự tiếp nối lịch sử xuyên suốt 13 thế kỷ (từ thế kỷ VII đến XX) như di sản đặc biệt này của Hà Nội. Cách đây năm năm, trong một hội thảo chia sẻ bảo tồn công trình cổ từ Nhật Bản, GS. TS Inoue Kazuto (Đại học Minh Trị, Tokyo, Nhật Bản) cho rằng: “Qua những di tích kiến trúc, chúng ta hiểu biết được rằng lúc đó trình độ văn hóa của dân tộc Việt Nam rất cao”. Còn cố PGS.TS Nishimura Masanari (Đại học Kansai, Osaka, Nhật Bản) – một người Nhật rất yêu di sản Việt Nam cũng từng nói: “Chắc chắn đây là trường hợp tồn tại lâu dài nhất trong khu vực châu Á và có lẽ chỉ La Mã (Italy) mới so sánh được”.
Thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng thương hiệu điểm đến Di sản Hoàng thành Thăng Long giữa lòng Hà Nội ngàn năm văn hiến với các sản phẩm du lịch hấp dẫn như Du lịch tâm linh, thăm quan Hoàng thành về đêm, gắn kết tour Hoàng thành Thăng Long với khu vực hồ Hoàn Kiếm, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Việc phát huy giá trị di sản ở Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long còn thể hiện ở ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng các sản phẩm, dịch vụ tiện ích như: Wifi miễn phí, thuyết minh tự động trên điện thoại thông minh, màn hình tương tác diễn giải lịch sử... nhằm đem đến cho du khách trải nghiệm thú vị, có tính tương tác cao.
| Ngày Di sản văn hóa Việt Nam: Vinh danh sắc màu thổ cẩm TGVN. Không chỉ là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, ngày nay, thổ cẩm đã khơi nguồn cảm hứng sáng ... |
| Sống động không gian Triển lãm Du lịch qua các miền di sản văn hóa Việt Nam 2020 TGVN. Từ ngày 19-23/11, Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du ... |
| Du lịch Việt Nam năm thứ 2 liên tiếp đứng đầu châu Á về di sản, ẩm thực và văn hóa TGVN. Theo kết quả bình chọn Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 27 khu vực châu Á năm 2020, Việt Nam đứng đầu ... |