📞

Hoạt động năm 2022 của Nhóm Những người uy tín Việt Nam-Hàn Quốc

Bảo Chi 20:14 | 30/12/2022
Hoạt động của Nhóm Những người uy tín Việt-Hàn là một trong những nội dung của Đề án kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc trong năm 2022.
Các đại biểu và thành viên của Nhóm những người uy tín (EPG) Việt Nam-Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm tại lễ ra mắt, ngày 25/3. (Ảnh: Duy Quang)

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc (22/12/1992-22/12/2022), Bộ Ngoại giao hai nước ủng hộ việc thúc đẩy thành lập Nhóm Những người uy tín Việt Nam-Hàn Quốc.

Học viện Ngoại giao hai nước (phía Việt Nam là Học viện Ngoại giao - DAV, phía Hàn Quốc là Học viện Ngoại giao Hàn Quốc - KNDA) phối hợp tổ chức các hoạt động của Nhóm.

Hoạt động của Nhóm EPG Việt-Hàn là một trong những nội dung của Đề án kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc trong năm 2022.

Mục tiêu của Nhóm là xây dựng Báo cáo “Nhìn lại 30 năm quan hệ Việt-Hàn và phương hướng phát triển trong thời gian tới” trình Chính phủ hai nước trong đó đưa ra các khuyến nghị chính sách làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc trong giai đoạn mới.

Nhóm EPG Việt-Hàn có 11 thành viên là các nguyên Đại sứ, học giả hàng đầu của mỗi nước (phía Việt Nam 6 người, phía Hàn Quốc 5 người). Mỗi bên chia làm 3 nhóm nhỏ theo các lĩnh vực tương ứng là chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.

Danh sách Nhóm EPG phía Việt Nam

- Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc (Trưởng Nhóm).

- GS. TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội.

- PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam.

- TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Viện nghiên cứu Đầu tư quốc tế, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Đại sứ Phạm Tiến Vân, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc.

- PGS. TS. Phạm Quý Long, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS).

Danh sách Nhóm EPG phía Hàn Quốc

- Đại sứ Lee Hyuk, nguyên Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam (Trưởng Nhóm).

- GS. Lee Han Woo, Viện Nghiên cứu Đông Á, Trường Đại học So Gang, Hàn Quốc.

- GS. Park Bun Soon, Trường Đại học Korea (chi nhánh Se Jong).

- GS. Chae Su Hong, Trưởng Khoa Nhân loại học, Trường Đại học Seoul.

- GS. Bae Yang Soo, Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Trường Đại học Ngoại ngữ Busan.

Trong năm 2022, Nhóm EPG Việt Nam-Hàn Quốc tổ chức 4 Cuộc họp chính thức để thảo luận về các nội dung sẽ đưa vào Báo cáo của mỗi bên.

- Lễ ra mắt và Cuộc họp thứ nhất: 25/3/2022 (trực tiếp kết hợp trực tuyến).

- Cuộc họp thứ hai: 15/6/2022 (Trực tiếp tại Seoul, Hàn Quốc).

- Cuộc họp thứ ba: 30/9/2022 (Trực tiếp tại Hà Nội).

- Cuộc họp thứ tư: Cuối tháng 11 (Trực tuyến).

- Công bố Báo cáo: Tháng 12/2022.

Các khuyến nghị chính sách chủ yếu trong báo cáo của hai bên

Báo cáo phía Việt Nam

Hợp tác chính trị-an ninh: Tăng cường trao đổi đoàn; củng cố các cơ chế hợp tác song phương hiện có; tăng cường trao đổi, chia sẻ nhận định đánh giá của mỗi bên về môi trường an ninh khu vực; gia tăng hợp tác an ninh-quốc phòng; phối hợp hiệu quả hơn trong các cơ chế đa phương khu vực và quốc tế; tăng cường hợp tác ASEAN-Hàn Quốc; ủng hộ lẫn nhau đảm nhiệm các trọng trách đa phương; thúc đẩy hợp tác tại tiểu vùng sông Mê Công; phối hợp cùng thúc đẩy hòa bình, ổn định ở bán đảo Triều Tiên và Biển Đông; hợp tác cùng giải quyết các vấn đề an ninh cấp bách như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh...; làm cầu nối thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Hợp tác kinh tế, khoa học-công nghệ: Về thương mại, đẩy mạnh hợp tác về chuỗi cung ứng; nỗ lực đạt các mục tiêu kim ngạch thương mại song phương năm 2023 và 2030; khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại của Việt Nam; hợp tác cùng phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải, đảm bảo tiêu chuẩn ESG để sớm đạt mục tiêu trung hòa carbon. Về đầu tư, tiếp tục thúc đẩy các hoạt động đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam thông qua hỗ trợ của cả hai Chính phủ; điều chỉnh việc tài trợ và sử dụng nguồn vốn ODA hợp lý hơn. Về khoa học-công nghệ, hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường chuyển giao công nghệ cho Việt Nam; đẩy mạnh xây dựng đội ngũ chuyên gia, học giả chuyên nghiên cứu về Hàn Quốc ở Việt Nam.

Hợp tác văn hóa-xã hội: Thúc đẩy khôi phục các hoạt động giao lưu nhân dân, du lịch trở lại mức trước đại dịch; khắc phục thực trạng mất cân bằng trong trao đổi văn hóa giữa hai nước; Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp văn hóa và ứng phó khắc phục già hóa dân số cho Việt Nam; quan tâm nhiều hơn đến các gia đình đa văn hóa Việt-Hàn tại Hàn Quốc; tăng cường ngoại giao công chúng, ngoại giao nhân dân.

Báo cáo phía Hàn Quốc

Hợp tác chính trị-an ninh: Củng cố tin cậy chính trị thông qua xây dựng hệ thống hợp tác toàn diện, đa tầng, thông qua các cơ chế: Điện đàm cấp nguyên thủ; mở rộng các kênh giao lưu hợp tác giữa Quốc hội, chính quyền địa phương hai nước; cùng đóng vai trò “cầu nối” giúp tăng cường quan hệ giữa các nước tầm trung trong khu vực, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế của nhau…; tăng cường giao lưu hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng; tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, trong đó có ASEAN và Liên hợp quốc cũng như các vấn đề an ninh khu vực như Triều Tiên, Biển Đông, Mê Công; Hàn Quốc ủng hộ Việt Nam tham gia MIKTA.

Hợp tác kinh tế, khoa học - công nghệ: Thúc đẩy cải thiện thể chế: Nâng cao hiệu quả tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt-Hàn (VKFTA), Việt Nam tăng cường tính minh bạch liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ; tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu thông qua thiết lập các kênh hợp tác song phương và đa phương về chuỗi cung ứng; thúc đẩy hợp tác nhằm giải quyết các thách thức chung trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, kinh tế số, năng lượng…

Hợp tác văn hóa-xã hội: Thiết lập nền tảng giao lưu văn hóa trực tuyến và trực tiếp giữa nhân dân hai nước; thành lập Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc, Quỹ Hợp tác Văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc, các nhóm/tổ chức hữu nghị Hàn – Việt; thúc đẩy các chương trình trao đổi dài hạn giữa nghiên cứu viên hai nước; thể chế hóa việc công nhận bằng cấp chung giữa hai nước, tạo điều kiện di chuyển lao động và xin việc cho người dân Việt Nam và Hàn Quốc.

Độc giả có thể truy cập nội dung Bản tóm tắt Báo cáo của Nhóm EPG Việt Nam-Hàn Quốc tại đây