📞

Học giả Ấn Độ đề xuất nhiều giải pháp cấp bách ở Biển Đông

16:33 | 22/04/2020
TGVN. Trong bài viết gần đây trên Modern Diplomacy, Tiến sĩ Pankaj Jha, Giảng viên Trường nghiên cứu quốc tế Jindal (Ấn Độ) đã phân tích thực trạng tại Biển Đông trong thời gian qua, ý đồ của Trung Quốc và các giải pháp các nước cần triển khai để giải quyết vấn đề.  
Tiến sĩ Pankaj Jha.

Những diễn biến trên Biển Đông cuối tháng 3 và đầu tháng 4 một lần nữa thu hút dư luận. Các quốc gia và vùng lãnh thổ xung quanh Biển Đông đã bị đe dọa bởi các lực lượng hải cảnh và dân binh của Trung Quốc. Đầu tháng 4, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg90617TS và bỏ 8 thủy thủ trên tàu vật lộn cho sự sống của mình.

Những vụ chìm tàu liên tiếp do lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã đe dọa sinh kế của cộng đồng ngư dân vốn phát triển nhanh chóng tại ngư trường lớn thứ ba thế giới này…

Một số nhân tố gia tăng sự tự tin của Hải quân Trung Quốc bao gồm việc đưa vào hoạt động 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông, tiến hành các hoạt động gần hơn tại eo biển Đài Loan và Philippines; trong khi tiếp tục đe dọa Indonesia và Nhật Bản tại biển Hoa Đông.

Dường như Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động bên ngoài phạm vi đường 9 đoạn và hiện không có tranh chấp như Bãi Tư Chính và quần đảo Natuna, và sẽ tiếp tục đưa tàu đến khu vực Biển Hoa Đông.

Trong thời điểm bùng phát đại dịch toàn cầu Covid-19 hiện nay, điều này rõ ràng nhằm đánh lạc hướng dư luận quốc tế, cũng như tránh các cáo buộc về trách nhiệm toàn cầu của Trung Quốc đối với việc gây ra đại dịch… Vấn đề Biển Đông và các vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên đã giúp Trung Quốc chuyển hướng sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Tại Biển Đông, Trung Quốc hoàn toàn phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) vào tháng 7/2016, phán quyết có lợi cho Philippines và bác bỏ mọi yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế của các đảo do Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông. Trung Quốc đã triển khai các loại vũ khí mới bao gồm tên lửa đất đối không và radar ở một số đảo.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tiếp tục ủng hộ nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm chống lại đại dịch; ngừng tranh thủ sự mất tập trung hoặc sự tổn thất của các quốc gia khác để tăng cường các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp trên Biển Đông”.

Tiến sĩ Pankaj Jha cho rằng, cộng đồng quốc tế cần lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ cách hành xử của một thành viên Hội đồng Bảo an như Trung Quốc. Về phía các nước trong khu vực, một tuyên bố thống nhất phản đối những nỗ lực của Trung Quốc làm suy yếu trật tự trong khu vực ở Biển Đông là điều phải làm.

Nhóm “Bộ tứ” (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) cần tiến hành các hoạt động tuần tra chung đều đặn hơn, và nếu cần thiết, sự đối đầu với Trung Quốc sẽ là một bài học lớn tại các vùng biển này.

Sự thể hiện sức mạnh cùng với các tương tác thường xuyên ở cấp độ ASEAN, cũng như hoạch định chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN và đối tác (ADMM+) vào cuối năm nay phải đề cập vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền của Indonesia ở vùng biển Natuna gần Biển Đông. (Nguồn: Jakarta Post)

Việt Nam, với tư cách Chủ tịch ASEAN cần thực hiện 5 bước sau để giải quyết vấn đề. Thứ nhất, hình thành nên một ủy ban có quyền lực lớn để xúc tiến và xây dựng sự đồng thuận của ASEAN về dự thảo COC trên các cơ sở ưu tiên. Các cựu Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ có thể là thành viên của ủy ban này nhằm tăng cường đồng thuận và niềm tin chính trị giữa các bên liên quan;

Thứ hai, Việt Nam cần tạo ra các sáng kiến hợp tác 3 bên với các nước đối thoại và các bên liên quan để tiến hành khảo sát về thủy văn và lập bản đồ đáy biển. Các nước đối tác của ASEAN (trừ Trung Quốc) bị ảnh hưởng gián tiếp bởi các chiến thuật của Trung Quốc;

Thứ ba, cần phải xây dựng một Quy trình hoạt động tiêu chuẩn xung quanh các nước ASEAN và đưa ra một tuyên bố chung về việc duy trì hiện trạng hiện nay;

Thứ tư, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác cần được xây dựng liên quan đến vấn đề Biển Đông. Thỏa thuận này có thể được đặt tên là Khu vực Hòa bình, Tự do và Di chuyển vô hại và phải được ký kết với tất cả các đối tác đối thoại trên cơ sở đảm bảo quyền tự do hàng hải;

Cuối cùng, Việt Nam phải kêu gọi cộng đồng quốc tế ưu tiên giải quyết tranh chấp Biển Đông, điều rất quan trọng đối với an ninh hàng hải và thúc đẩy thương mại trong khu vực. Một giải pháp lâu dài là cần thiết và cấp bách.

(theo Modern Diplomacy)