📞

Học giả Anh: G7 là cơ hội để các nước thể hiện sự thống nhất giữa vòng vây thách thức

Thế Lâm 07:15 | 11/06/2021
GS. Natasha Lindstaedt tại Đại học Essex của Anh bày tỏ kỳ vọng, Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay là cơ hội ngoại giao để nhóm 7 nước có nền kinh tế công nghiệp hàng đầu thể hiện sự thống nhất giữa muôn trùng thách thức.
Bảy quốc gia, chiếm gần 40% GDP toàn cầu, chắc chắn đã đoàn kết hơn so với 2 năm trước đây. (Nguồn: news.cgtn.com)

Cơ hội thể hiện sự thống nhất

Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nền kinh tế công nghiệp hàng đầu (G7) sẽ được tổ chức tại thành phố Cornwall, Anh từ ngày 11-13/6. Đây là cuộc họp cấp cao đầu tiên của các nước G7 kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Trong bài phân tích đăng tải trên trang The Conversation của Australia, Giáo sư Natasha Lindstaedt, làm việc tại Đại học Essex (Anh) nhận định, trong bối cảnh đại dịch và nhiều thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và xu hướng độc tài, hội nghị năm nay là cơ hội ngoại giao để G7 thể hiện sự thống nhất. Bảy quốc gia, chiếm gần 40% GDP toàn cầu, chắc chắn đã đoàn kết hơn so với 2 năm trước đây.

Cuộc nhóm họp trực tiếp gần đây nhất của G7 ở thành phố Biarritz (Pháp) vào năm 2019 đã bị “phủ bóng” bởi những câu hỏi về sự thống nhất trong vấn đề môi trường và chính trị, trong bối cảnh Anh rời bỏ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ rút hỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

Hội nghị thượng đỉnh năm 2019 cho thấy một sự chia rẽ lớn khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, lần đầu tiên trong lịch sử 44 năm của G7, không đưa ra tuyên bố chung với lý do “cuộc khủng hoảng dân chủ sâu sắc”.

Tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump đã châm ngòi cho nhiều tranh cãi trong quá trình quản trị, kiểm soát và lãnh đạo của G7. Ông Trump thậm chí còn buông những lời xúc phạm về vấn đề thương mại đối với Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Những xung đột nảy sinh gay gắt từ khi ông chủ Nhà Trắng đột ngột rời khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2017, bất chấp những nỗ lực thuyết phục của các nước thành viên.

Việc cựu Tổng thống Mỹ thúc đẩy khôi phục vị trí cho Nga với tư cách thành viên G8 như giai đoạn trước khi nước này sáp nhập Crimea năm 2014 cũng là một điểm gây tranh cãi, bên cạnh nhiều mâu thuẫn khác.

Hai năm sau, nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của tân Tổng thống Joe Biden đã có những dấu hiệu tích cực hơn trong việc hướng đến chủ nghĩa đa phương và thể hiện tinh thần sẵn sàng hợp tác với các đối tác G7 về các vấn đề thương mại, biến đổi khí hậu, đối phó với Nga và Trung Quốc cũng như sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài.

Hội nghị G7 lần này có mang lại nhiều kỳ vọng tốt đẹp hơn.

Các nước G7 sẽ cần phải hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề chủ nghĩa dân tộc vaccine, tạo cơ hội cho việc kiểm soát đại dịch. Dù thế giới đã đạt được những bước tiến lớn trong tiêm chủng song vaccine vẫn chưa được phân phối đồng đều.

Sự chú ý hiện đổ dồn vào Ấn Độ, quốc gia đang đối mặt với một đợt bùng phát dịch Covid-19. Ấn Độ từng là khách mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 trong năm 2019 và lẽ ra là cả 2020, cùng với Australia, Nam Phi và Hàn Quốc.

Năm nay, Brazil chắc chắn sẽ vắng mặt. Quốc gia này cũng đang phải đối phó với một đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng với số ca tử vong hiện chiếm tới 12,3% số liệu toàn cầu.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã vấp phải nhiều chỉ trích vì hành động hạ thấp mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng.

Sự vắng mặt của ông Bolsonaro có thể không ảnh hưởng gì nhiều tới hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay do xu hướng theo đuổi các chương trình nghị sự siêu dân tộc chủ nghĩa của ông, song thực tế này sẽ làm suy yếu vai trò đại diện của các quốc gia quan trọng ở phía Nam thế giới trong cơ cấu hội nghị.

Chương trình nghị sự trọng tâm

Các vấn đề kinh tế vẫn luôn được đặt lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự của G7. Trong nỗ lực giải quyết tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng, G7 đã đạt được thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%.

Tuy nhiên, bước tiến lịch sử này bị chỉ trích là “quá thấp” để có thể tạo ra sự khác biệt và cũng được xem là không thể ngăn chặn hoạt động của các “thiên đường thuế”.

Ngoài phản ứng có phần “thờ ơ” đối với cam kết thuế doanh nghiệp tối thiểu, hội nghị thượng đỉnh lần này còn phải đối mặt với phản ứng dữ dội do thiếu tập trung vào vấn đề an ninh môi trường và tài chính khí hậu nhằm giúp các nước đang phát triển thúc đẩy cam kết về năng lượng xanh.

Các Bộ trưởng của G7 đã nhất trí về những bước tiến mới để giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong một cuộc họp hồi tháng 5.

Tại đó, các thành viên của G7 đã tuyên bố sẽ ngừng tài trợ quốc tế cho những dự án khai thác than, yêu cầu các tập đoàn công bố kế hoạch tác động đến khí hậu của doanh nghiệp và đầu tư nhiều hơn cho năng lượng sạch.

Tuy nhiên, các nhà vận động chống biến đổi khí hậu đã “vạch trần” những tuyên bố này của G7 bằng cách chỉ ra rằng, các quốc gia giàu có đã chi hơn 30 tỷ USD để hỗ trợ khai thác dầu thô, than và khí đốt từ tháng 1/2020 đến tháng 3/2021, nhiều hơn số tiền đầu tư vào các dạng năng lượng sạch.

Đáng chú ý, những vấn đề mà các nhà lãnh đạo G7 phải đối mặt thậm chí còn phức tạp và cấp bách hơn những thách thức trong năm 2019.

Giải quyết những vấn đề này đòi hỏi hành động ngoại giao, sự phối hợp và tuân thủ toàn diện hơn. Đó là tất cả những gì mà diễn đàn G7 đã từng nỗ lực để đạt được.

Bất chấp những lời kêu gọi đoàn kết, G7 vẫn đang bị cản trở bởi sự chia rẽ về ý thức hệ, tạo rào cản không nhỏ tới các hoạt động tập thể. Đồng thời, nhóm này hiện vẫn thiếu một sự lãnh đạo thống nhất, có khả năng chuyển đổi nội dung các bản thông cáo thành hành động có ý nghĩa thực sự.

(theo The Conversation)