Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học theo thông tư mới ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang vấp phải sự phản biện mạnh mẽ từ dư luận xã hội. Có thể kể ra đây một số trăn trở lớn của những người trực tiếp trong cuộc, đó là giáo viên và phụ huynh.
Thứ nhất, tình huống cho phép học sinh sử dụng điện thoại cá nhân trong lớp hoàn toàn khác với giờ tin học. Vào giờ tin học, hệ thống máy tính đã được cài đặt đồng bộ dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của giáo viên tin học. Trong khi đó, điện thoại của từng học sinh thì lại có những tính năng công nghệ khác nhau. Nhiều học sinh sẽ qua mặt giáo viên, cố ý sử dụng điện thoại thông minh với các mục đích khác ngoài việc phục vụ học tập. Một lớp học ba bốn chục học sinh, một mình giáo viên chắc chắn không thể nào theo dõi hành vi sử dụng điện thoại của từng em. Đối với giáo viên, độ khó trong công tác quản lý, kiểm soát lớp học có thể tăng thêm.
Liệu thầy cô có đủ sức theo dõi tất cả học sinh trong lớp để kịp thời ngăn chặn các em chơi game, xem phim, lướt mạng? (Nguồn: VietnamNet) |
Đành rằng theo quy định mới ban hành, học sinh chỉ có thể sử dụng điện thoại khi có sự cho phép của giáo viên, nhưng trên thực tế, do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, do cách hiểu của từng Sở GD&ĐT ở từng địa phương, việc triển khai thực hiện tại các trường học, hẳn sẽ có những độ vênh nhất định.
Nếu nhà trường tỏ ra có tinh thần khai phóng, trao hoàn toàn quyền quyết định cho giáo viên, đừng nghĩ rằng đây là một tín hiệu tích cực; vì giả như tình hình bình thường thì không sao, song một khi nảy sinh tình huống phức tạp, bản thân giáo viên sẽ là người đầu tiên hoàn toàn chịu trách nhiệm, áp lực từ phía nhà trường cũng như phụ huynh rất lớn. Gánh nặng lại chồng thêm gánh nặng!
Đây không phải là tâm lý “quản không được thì cấm” mà rõ ràng, có quá ít hành lang pháp lý với những quy định cụ thể để bảo vệ giáo viên trước những tình huống thực tiễn trong không gian sư phạm.
Hẳn chúng ta ai cũng từng ít nhất một lần nghe đến câu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Nay học trò lại có thêm điện thoại thông minh trong lớp thì tha hồ mà thể hiện những hành vi phá bĩnh. Học sinh có thể ghi âm, quay hình với những nội dung không lành mạnh (chụp ảnh dìm hàng, quay cảnh hớ hênh…) hoặc cắt ghép ảnh, video thành những nội dung mang tính chất hư cấu nhằm câu view. Có thể các em chỉ nghĩ làm cho vui, giải trí, nhưng những hậu quả thì thật khôn lường!
Thứ hai, cứ ngỡ phụ huynh sẽ ủng hộ thông tư mới, nhưng kỳ thực, dễ dàng nhận thấy phần đông phụ huynh còn có nhiều ý kiến băn khoăn, lo âu. Công nghệ hiện đại mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nhưng đồng thời cũng kéo theo đó là mặt tiêu cực với nhiều hệ lụy. Phụ huynh lo lắng mặt trái của công nghệ sẽ không được kiểm soát tốt nếu con em mình sử dụng điện thoại trong lớp học. Câu hỏi đặt ra là liệu thầy cô có đủ sức theo dõi tất cả học sinh trong lớp để kịp thời ngăn chặn các em có hành động chơi game, xem phim, lướt mạng vô bổ hay lên xem bài giải, đáp án?
Việc ghi chép truyền thống giúp con trẻ nhớ bài bằng phương pháp một lần ghi là một lần nhớ. Nếu lạm dụng điện thoại, phụ huynh lo lắng con trẻ sẽ có khuynh hướng ỷ lại vào công nghệ, sinh ra thói quen chây lười. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng lo ngại vấn đề tâm lý đua đòi của con trẻ lại phát sinh thêm một tình huống mới. Bạn bè dùng điện thoại cao cấp đời mới, khiến trẻ cảm giác thua thiệt; hoặc những bạn dùng điện thoại đời cũ bị các bạn trong lớp tỏ ý chê bai, thậm chí có hành động trẻ con là kêu gọi tẩy chay.
Rõ ràng, việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp sẽ phát sinh hàng loạt các vấn đề, các tình huống có liên quan mà đôi khi ngay cả nhà trường, giáo viên và phụ huynh cũng sẽ lúng túng khi xử lý. Bởi vậy, đòi hỏi cần có những quy định, chế tài, hành lang pháp lý phù hợp thay vì chỉ đơn giản là một câu ngắn gọn trong điều lệ thông tư.