Sẽ phong tỏa diện hẹp lớp học, tầng học, tòa nhà thay vì phong tỏa cả trường nếu có F0. (Ảnh: Đỗ Linh). |
Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục đào tạo, do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức ngày 8/11 theo hình thức trực tuyến, với hơn 1.000 điểm cầu trên cả nước.
Phong tỏa diện hẹp thay vì cả trường
Trao đổi tại Hội nghị, đại diện một số địa phương nêu khó khăn của cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch khi cho trẻ đi học trực tiếp trở lại.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh Châu Hoài Thu cho biết, với sĩ số học sinh quá đông, các trường học ở địa bàn TP Hạ Long, Cẩm Phả rất khó để tổ chức lớp học đảm bảo giãn cách.
Việc giáo viên, học sinh phải đeo khẩu trang trong toàn thời gian học tập tại trường (trừ lúc ăn ngủ bán trú) được Quảng Ninh chỉ đạo thực hiện nghiêm. Tuy nhiên thực tế cho thấy, với đối tượng học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày và ăn ngủ bán trú, yêu cầu này gây khó cho các bé.
Đại diện Sở GD&ĐT Bình Dương - địa phương có sĩ số học sinh/lớp nhiều, thuộc diện đứng đầu cả nước (trên 50 học sinh/lớp, trong khi quy định là 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học), cũng phản ánh bất cập khi thực hiện giãn cách ở cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Nhiều địa phương đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn rõ hơn việc đeo khẩu trang trong trường học để vừa hiệu quả, vừa khả thi, an toàn, cũng như việc xử trí khi trường học xuất hiện F0, F1, F2 như thế nào để thích ứng an toàn trong tình hình mới.
Giải đáp các vấn đề nêu trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu bức tranh rộng hơn về việc WHO chưa thể dự báo dịch Covid-19 khi nào mới kết thúc và thời gian tới có xuất hiện biến chủng mới không.
Trong tình hình đó, các nước đã thay đổi biện pháp phòng chống dịch, từ chỗ quyết tâm không có virus chuyển sang đáp ứng với thời kỳ mới. Có 105/134 quốc gia đã mở cửa trường học.
Từ thực tế diễn biến dịch và giải pháp thích ứng của quốc tế; căn cứ tình hình thực tế trong nước, đặc biệt là kết quả tiêm vaccine, địa phương cần linh hoạt trong việc quyết định cho học sinh trở lại trường, căn cứ vào cấp độ dịch của các địa bàn cấp tỉnh, huyện, thậm chí đến từng đơn vị cấp xã.
Đối với tình huống trường học xuất hiện F0, theo lãnh đạo Bộ Y tế, cần lập tức khoanh vùng, sàng lọc F0, F1 và tổ chức cách ly tại nhà hoặc tập trung với các đối tượng này.
Tuy nhiên, thay vì thực hiện phong tỏa toàn trường trong thời gian dài, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, có thể thực chỉ phong tỏa lớp học/tầng học/tòa nhà có F0. Sau 24h khử khuẩn, vệ sinh lớp học/tầng học/tòa nhà đó, nhà trường có thể tổ chức hoạt động tại khu vực này.
Tạo điều kiện để học sinh "vùng xanh" học trực tiếp
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, việc chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học, dẫn đến địa phương thực hiện phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục.
Cả nước hiện có 28 tỉnh thành phố trong cả nước đang tổ chức cho học sinh học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh; 35 tỉnh thành dạy học trực tuyến và qua truyền hình; nhiều địa phương lên kế hoạch mở cửa trường học trở lại tại các quận, huyện "vùng xanh" từ 15/11.
Với việc phát sinh các ổ dịch mới liên quan đến trường học, kế hoạch cho học sinh đi học trở lại phải có nhiều điều chỉnh.
Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên ngành giáo dục và học sinh từ 12-17 tuổi, được địa phương tăng cường triển khai nhưng đến nay, tỷ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học được tiêm đủ liều vaccine còn thấp. Trung bình toàn quốc mới đạt khoảng 62%.
Để học sinh được trở lại trường học tập an toàn theo từng cấp độ dịch, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đề nghị, địa phương thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chủ trương "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo Nghị quyết 128/NQ-CP.
Những địa bàn thuộc cấp độ dịch 1 và 2, địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, kể cả trẻ mầm non được đi học trực tiếp.
Khi học sinh quay trở lại trường học, phải làm thế nào để đảm bảo an toàn nhất cho các em.
Trẻ đến trường phải được an toàn và được hỗ trợ để thích ứng môi trường học tập mới sau nhiều tháng dài dạy học trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý học sinh.
| Chuyên gia Hoàng Nam Tiến: 'Thời đại ngày nay, chọn nhầm trường, nhầm nghề, không sao cả…' Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom nêu quan điểm, xã hội luôn cần các bạn trẻ học liên tục bởi vì công nghệ, ... |
| Hôm nay, gần 4000 học sinh Hà Nội được quay trở lại trường Từ 6h30 sáng nay hôm nay (8/11), các trường THCS, phổ thông cơ sở tại 29 xã, thị trấn tại huyện Ba Vì (Hà Nội) ... |