Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp vào tháng 12/1920 tại Tours, Nguyễn Ái Quốc đã tham dự với tư cách là đại biểu chính thức và duy nhất của các nước thuộc địa Đông Dương. (Nguồn: TTXVN.) |
Trong phát biểu với báo chí Pháp-Việt nhân một chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Pháp, Tổng thống Pháp Macron ngay từ những lời đầu tiên đã nhắc về quãng thời gian ở Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh “người cha của dân tộc Việt Nam, trên con đường mà người dân Việt Nam đã đi theo, tìm thấy trong thời tuổi trẻ của mình nguồn cảm hứng từ cuộc đấu tranh vì tự do và độc lập”.
Quả thực, nước Pháp và Chủ tịch Hồ Chí Minh có những mối nhân duyên và liên kết hết sức đặc biệt. Bác đã 4 lần đến Pháp, đó là vào năm tháng 6/7/1911 khi con tàu Amiral Latouche-Tréville có anh phụ bếp Văn Ba cập cảng Marseille, là giai đoạn 1917-1923 với những dấu ấn sâu đậm và quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, là vào tháng 11/1927 khi Bác đến Pháp để ngay sau đó rời đi Bỉ tham dự cuộc họp của Liên đoàn chống chiến tranh đế quốc vào tháng 12/1927 và cuối cùng là vào tháng 5/1946 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là Chủ tịch nướcViệt Nam dân chủ cộng hòa thăm Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp để đàm phán tại Hội nghị Fontainebleau.
Như chính Bác Hồ vào năm 1923 đã từng trả lời nhà báo Nga về mục đích ra đi của mình “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ tiếng Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái… Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn sau những từ này”. Pháp từ ban đầu là nguồn cơn cho cuộc hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của Bác.
Pháp cũng là nơi mà trong 6 năm cuộc đời (1917-1923), Bác đã tôi rèn trong các hoạt động của phong trào các dân tộc bị áp bức, phong trào công nhân. Và cũng chính tại Pháp vào năm 1920, Bác đã gặp được “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin” - con đường giải phóng dân tộc đã làm cho Bác “cảm động, phấn khởi, sáng tỏ và tin tưởng biết bao”.
Quãng đời hoạt động cách mạng của Bác tại Pháp qua những câu chuyện, những dấu ấn còn lại cho đến hôm nay và qua các tác phẩm Bác viết khi ở Pháp đã để lại nhiều bài học quý báu về tinh thần và đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh.
Quá trình vừa hoạt động cách mạng vừa lao động kiếm sống của Bác trong thời gian ở Pháp đã cho thấy một tinh thần vượt khó và lối sống giản dị rất đáng ngưỡng mộ.
Không thể nói đến thời gian Bác ở Pháp mà quên đề cấp đến căn hộ mà Bác đã ở từ tháng 7/1921 đến tháng 6/1923 do đồng chí Paul Vaillant Couturier của Đảng Cộng sản Pháp đã giúp Bác tìm tại số 9 ngõ Compoint tại quận 17. Đã có phóng viên nhiếp ảnh được bác kể chuyện về thời gian sống ở căn phòng này “gian phòng trọ trên gác 9 ngõ Compoint hẹp, đủ đặt được một cái gường, chậu rửa mặt để ở gầm giường, một cái vali ở chỗ trống có lúc làm bàn viết và những vật dụng thường ngày. Trời rét, gửi hai hòn gạch ở lò than nhà chủ bên dưới, đêm nằm ủ cho ấm. Nhà láng giềng, số 7 là hiệu ảnh Lainé, tôi nhận ảnh về chấm sửa, xong nhận tiền công”. Đời sống kham khổ, Bác bị bệnh lao phổi, đã phải vào nhà thương.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp Trịnh Ngọc Thái cũng đã nhớ lại cảm xúc khi lần đầu tiên đi cùng đồng chí Xuân Thủy đến thăm căn phòng này vào tháng 9/1968 “Khi nhìn thấy căn phòng và những vật dụng sinh hoạt của Bác quá đơn sơ nghèo nàn, tất cả anh chị em trong đoàn đều vô cùng xúc động; bước vào phòng, thấy đó là một gian buồng hẹp khoảng 9m², nhìn về phía tay trái có một lavabo treo trên tường cùng một vòi nước nhỏ, ngay cạnh đó là một tủ quần áo làm bằng gỗ tạp. Sát tường bên trái là chiếc giường sắt đơn, đầu giường có một cái tủ con để sách vở và vài đồ lặt vặt. Phía trên có một ngọn đèn nhỏ vừa đủ để thắp sáng gian buồng”.
Hiện nay, ngôi nhà cũ đã không còn mà chỉ còn lại tấm biển tiếng Pháp để ghi dấu lại cho các thế hệ sau biết “Tại đây, từ năm 1921 đến 1923, Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh đã sống và chiến đấu cho độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác”. Những kỷ vật đặc trưng của căn phòng Bác ở đã được chuyển vào từ năm 1986 và đang được lưu giữ tại Không gian Hồ Chí Minh ở bảo tàng Lịch sử sống thành phố Montreuil, ngoại ô thủ đô Paris.
Đồng chí Gilbert Schoon, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử sống Montreuil đã từng nói về Không gian Hồ Chí Minh “Đó là phần dành riêng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người xem có thể thấy những phần chính trong quãng thời gian Người ở Pháp, những đồ vật trong phòng như đồ trang trí, quần áo, cánh cửa bằng gỗ và tấm biển số 9 ngõ Compoint, bệ cửa sổ, tay cầu thang, bồn nước rửa tay dưới chân cầu thang... và những vật dụng gắn bó với công việc của Người như tài liệu làm việc, bàn làm việc, bút viết, sách vở… Những đồ vật đó được trưng bày theo đúng hiện trạng xưa kia để khách tham quan có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc như thế nào khi ở Pháp”.
Ngoài ra, một số tư liệu cho biết thời gian ở Pháp bác đã kiếm sống bằng nghề làm vườn (khi tàu l’Admiral Latouche Tréville cập cảng Marseille rồi Le Havre vào năm 1911) ở thị trấn Saint Adresse gần cảng Le Havre, sau đó là nghề sửa ảnh, viết báo tại Paris...
Có thể thấy cuộc sống của Bác ở Pháp không tiện nghi, ngược lại rất đơn sơ, giản dị, thiếu thốn nhưng Bác vẫn vượt lên được khó khăn của hoàn cảnh, giữ vững tinh thần, bản lĩnh, vượt khó, không bỏ cuộc để theo đuổi mục tiêu đã đặt ra của bản thân mình. Câu chuyện về viên gạch hồng Bác sưởi ấm đã trở thành đề tài cho nhiều áng văn thơ và đã được kể qua nhiều thế hệ để con cháu có thể hiểu thêm về các đức tính của Bác. Học Bác đôi khi là học từ những điều giản dị nhưng cao quý đó là học nghị lực, tinh thần khắc phục khó khăn, vượt lên hoàn cảnh để “sống, học tập và chiến đấu”.
Ngày 19/5/2022, đoàn đại biểu Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tới đặt hoa tại ngôi nhà số 9 ngõ Compoint ở quận 17, thủ đô Paris, nơi có gắn tấm biển đồng di tích nhắc nhớ dấu ấn lịch sử. |
Các hoạt động cách mạng sôi nổi, tích cực của Bác trong giai đoạn ở Pháp thể hiện nhiệt huyết, bản lĩnh và tinh thần cách mạng “triệt để” cùng với tinh thần dấn thân và làm đến cùng rất đáng ngưỡng mộ.
Giai đoạn 1917-1923 đánh dấu một thời kỳ hoạt động cách mạng sục sôi của người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế vì quyền lợi của các dân tộc thuộc địa. Chính từ những hoạt động không ngừng nghỉ và “dũng cảm” trên nhiều mặt trận từ việc tham dự các Hội nghị lớn, viết các bài báo, tác phẩm lên án tội ác của chế độ thực dân, nói lên tiếng nói của nhân dân thuộc địa cho đến việc tham gia tích cực vào các hoạt động của Quốc tế cộng sản, cùng “đấu tranh” với những người đồng chí cộng sản quốc tế trong thời kỳ này đã làm nên tên tuổi của một nhà hoạt động cách mạng tài ba và bản lĩnh Nguyễn Ái Quốc.
Bắt đầu bằng việc gặp gỡ lãnh đạo của Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp để cùng thảo luận phương hướng hoạt động của Hội, Nguyễn Tất Thành đã rất nhanh chóng trở thành người có uy tín. Nguyễn Tất Thành giành nhiều thời gian đi sâu sát những khu vực có đông Việt kiều, vận động cổ vũ tinh thần yêu nước, tố cáo tội ác của bọn thực dân đế quốc, dần dần được mọi người yêu quý tin tưởng.
Trong một báo cáo của mật thám Pháp đã khẳng định “Nguyễn Ái Quốc nổi lên là người lãnh đạo có uy tín đối với người Việt tại Pháp, trong khi vai trò của Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường lu mờ dần”. Người cũng đã gia nhập Đảng Xã hội Pháp vào đầu năm 1919 “vì đây là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp Tự do - Bình đẳng - Bác ái... là vì các ông bà ấy đã tỏ ý đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức.”
Tháng 6/1919, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Tất Thành - lấy tên là Nguyễn Ái Quốc đã gửi “Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam” tới Hội nghị Versaille của các nước đế quốc thắng trận trong chiến tranh thế giới thứ 1, tới các đoàn đại biểu của các nước Đồng minh và tới tất cả các nghị sỹ của Quốc hội Pháp. Bản yêu sách này không những đã đề cập đến quyền tự do, dân chủ, quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam mà còn vạch trần những tội ác của thực dân Pháp ở thuộc địa. Ngoài việc hai tờ báo Nhân đạo và Dân chúng đã đăng văn bản này, Nguyễn Ái Quốc còn cho in hàng nghìn bản dưới dạng truyền đơn để phân phát trong các cuộc họp, các cuộc mít tinh của các tổ chức dân chủ ở Pháp.
Và bản yêu sách này đã thu hút được ít nhiều sự chú ý của phong trào đấu tranh vì dân chủ, tiến bộ của Pháp và quốc tế tới tình hình Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra tầm quan trọng và ảnh hưởng của việc tố cáo chủ nghĩa thực dân thông qua báo chí và Người đã không ngừng học tập và cho ra đời rất nhiều các tác phẩm tạo được tiếng vang như “Vấn đề bản xứ”, “Đông Dương và Triều Tiên”...
Có tài liệu viết về “dự cảm” của viên mật thám Pháp Paul Arnoux chuyên theo dõi người Việt Nam tại Paris khi chứng kiến Nguyễn Ái Quốc đang phát truyền đơn bản Yêu sách “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của người Pháp ở Đông Dương”.
Cho tới khi Cách mạng tháng Mười với sự ra đời của Quốc tế cộng sản thổi làn sóng cách mạng mới tới Pháp, Nguyễn Ái Quốc lại tiếp tục hòa mình vào không khí đấu tranh cách mạng sôi động cùng những nhà hoạt động nổi tiếng ở Paris. Tác giả Trần Dân Tiên đã cho biết “Thường thường, Nguyễn Ái Quốc chỉ làm việc nửa ngày, làm buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều thì đi đến thư viện hoặc đến dự những buổi nói chuyện chính trị. Tối đến, ông đi dự mít tinh ở Paris. Có rất nhiều cuộc mít tinh… Hầu hết trong những buổi mít tinh này, ông đều phát biểu ý kiến. Vì ông là người ngoại quốc độc nhất trong những nơi này và vì ông có vẻ dễ yêu mến cho nên thính giả thích nghe ông. Ông Nguyễn khéo lái những vấn đề thảo luận sang vấn đề thuộc địa, đặc biệt là vấn đề Việt Nam”.
Báo cáo tổng hợp của mật thám Pháp Paul Arnoux cũng cho biết “Nguyễn Ái Quốc hẳn đã tổ chức ở Paris một loạt cuộc họp và dự tính tìm thêm bằng chứng để biện hộ cho nền độc lập của dân An Nam. Anh ta vận động để được sự bảo trợ của Hội nhân quyền đối với các cuộc họp này, và cũng đã tranh thủ được sự ủng hộ của nhiều diễn giả của Hội, trong đó có Albert Chalaye và Marius Moutet, nghị sỹ Đảng Xã hội vùng Rhône. Anh cũng vận động ông Aulars chủ trì cho một trong những cuộc họp mà anh có ý định tổ chức”. Từ sau khi “mừng đến phát khóc” đọc được Luận cương của Lenin, Nguyễn Ái Quốc đã hoàn toàn vững tin và quyết tâm đi theo con đường cách mạng triệt để của chủ nghĩa Marx-Lenin, xin gia nhập Ủy ban quốc tế III do một số đồng chí trong Đảng Xã hội Pháp lập ra, nhằm tuyên truyền vận động gia nhập Quốc tế III.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp vào tháng 12/1920 tại Tours, Nguyễn Ái Quốc đã tham dự với tư cách là đại biểu chính thức và duy nhất của các nước thuộc địa Đông Dương, phát biểu tố cáo sự tàn bạo mà thực dân Pháp đã gây ra ở Đông Dương, kêu gọi “Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức…, phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa… Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả hữu lẫn tả, chúng tôi kêu gọi: các đồng chí, hãy cứu chúng tôi”.
Cũng tại đây, cùng với những người cách mạng Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp sau đó vào năm 1921 và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Đây được xem là bước ngoặt lớn, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức chính trị và lý tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Marx-Lenin, như Người đã từng khẳng định “Cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của ĐCS Pháp mà tôi đã tìm thấy chân lý của chủ nghĩa Marx-Lenin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sỹ xã hội chủ nghĩa”.
Có thể khẳng định, chính tinh thần nhiệt huyết, dũng cảm dấn thân, làm đến cùng mọi việcđã làm nên người chiến sỹ cách mạng kiên trung và chân chính Nguyễn Ái Quốc. Ngay từ thời gian đầu khi trình độ giác ngộ chưa cao, Người đã luôn nung nấu tinh thần quyết tâm, dấn thân vào mọi hoạt động từ đi sâu vào tìm hiểu đời sống của người dân cho đến tham gia vào các hoạt động của tổ chức chính trị, các cuộc họp bàn luận về chính trị để học hỏi và trưởng thành.
Người cũng đã luôn hăng hái, tận tâm cho mọi việc, dũng cảm bày tỏ chính kiến, tích cực đấu tranh không ngừng nghỉ để rèn luyện bản thân từng chút một. Thiết nghĩ, mọi phẩm chất cách mạng không tự thân sinh ra mà có, nếu thiếu sự rèn luyện, lăn lộn và quyết tâm đến cùng, sẽ không thể có những chiến sỹ cách mạng chân chính như Hồ Chí Minh.
Ngày 19/5/2022, Đoàn đại biểu Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đặt hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại công viên Montreau, thành phố Montreuil. |
Những hoạt động và đóng góp của chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp nhằm giải quyết vấn đề thuộc địa thể hiện một tinh thần cộng sản trong sáng đáng quý.
Trong gần 3 năm trời hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp (từ 1921-1923), trong bất cứ cuộc họp nào, tiếp xúc nào, kể cả trong các bài báo và trước tác của mình, Nguyễn Ái Quốc đều đề cập đến vấn đề thuộc địa, “gieo những hạt giống cách mạng khắp bốn phương trời”, đấu tranh không mệt mỏi cho quyền lợi của các dân tộc thuộc địa.
Nhà sử học Alain Ruscio đã từng viết về đóng góp của Hồ Chí Minh tại Đại hội Tours đối với phong trào giải phóng các nước thuộc địa “Cần phải nói rằng vấn đề thuộc địa chỉ mới được bàn tới một cách rất yếu ớt và khá hiếm hoi trong thời kỳ có cuộc tranh luận lớn năm 1919-1920. Chỉ có một ngoại lệ, nhưng nó lại có tầm cỡ, đó là một thanh niên có ánh mắt sáng ngời mà báo cáo của Đại hội đã giới thiệu là đại biểu của Đông Dương… nhiều người đã biết đến tên Anh là Nguyễn Ái Quốc nói rằng việc Đảng Xã hội gia nhập Quốc tế III có nghĩa là Đảng hứa một cách cụ thể rằng từ nay Đảng sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa”.
Nhà sử học Charles Fourniau cũng đã nhận định “Nguyễn Ái Quốc đã có đóng góp quan trọng vào việc hình thành truyền thống chống chủ nghĩa thực dân, một truyền thống làm vẻ vang cho Đảng Cộng sản Pháp… Vậy thì hẳn rằng người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam sau đó phải được coi là một trong những người thầy của Đảng Cộng sản Pháp về những vấn đề thuộc địa”.
Nhận thức được tính cần thiết thúc đẩy sự đoàn kết của các phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa, tại Paris, Nguyễn Ái Quốc đã gặp nhiều người cách mạng châu Phi và Mỹ la tinh và vào tháng 7/1921 đã cùng những nhà yêu nước của các nước này thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa để tập hợp các dân tộc bị áp bức đứng lên chống chủ nghĩa đế quốc.
Khi thành lập Hội đã có 200 Hội viên và 2 tổ chức người thuộc địa xin gia nhập toàn bộ vào Hội, đó là Hội Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp và Hội đấu tranh cho quyền con người ở Madagascar. Hội đã bầu Ban Thường vụ do Nguyễn Ái Quốc đứng đầu, thông qua Điều lệ do Nguyễn Ái Quốc thảo nhằm “bênh vực cho quyền lợi của tất cả đồng bào ở các xứ thuộc địa”.
Ngày 19/1/1922, Ban Thường vụ Hội liên hiệp thuộc địa đã họp quyết định thành lập Hội Hợp tác người cùng khổ (dù sau đó đã không thể thành lập được) và ra tờ báo “Người cùng khổ”. Ngày 1/2/1922, Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí đã ra lời kêu gọi “Các bạn ở chính quốc! Các đồng chí ở thuộc địa! Vì lợi ích của công lý, sự thật và tiến bộ, cần xóa bỏ mọi khoảng cách giả tạo chia rẽ các bạn. Người cùng khổ là tờ báo đầu tiên có mục đích thực hiện nhiệm không dễ dàng đó…”.
Số đầu tiên của báo cũng có lời chào mừng “Trong lịch sử của quần chúng bản xứ các thuộc địa Pháp chưa có một tờ báo nào lập ra để kêu to sự thống khổ và sự nghèo nàn chung của họ, không phân biệt xứ sở và chủng tộc. Báo Người Cùng khổ ra đời do sự thông cảm chung của các đồng chí ở Bắc Phi, Trung Phi và tây Phi thuộc Pháp, ở Madagascar, ở Đông Dương, Haiti và Guyam”.Và như vậy, cuộc đấu tranh của Người không chỉ để phục vụ cho lợi ích của dân tộc Việt Nam mà rộng lớn hơn đó là vì nhân dân Đông Dương, nhân dân các nước thuộc địa và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới.
Những đấu tranh của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian ở Pháp đã phản ánh rất rõ nét quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh về tình đoàn kết quốc tế và tinh thần cộng sản trong sáng. Bác đã từng nói “Hiểu chủ nghĩa Marx-Lenin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là chủ nghĩa Marx-Lenin được”. Người cũng luôn chủ trương tăng cường đoàn kết quốc tế, thêm bạn bớt thù “giúp bạn là tự giúp mình” - như lời căn dặn của Bác đối với bộ đội ta trước khi sang giúp 2 nước bạn Lào, Cam-pu-chia và như khẩu hiệu nổi tiếng được Bác khẳng định tại Đại hội Đảng lần thứ III “Quan sơn muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em”. Mọi hoạt động đấu tranh của Người đều xuất phát từ cơ sở nhận thức “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”.
Trong Di chúc của mình, Người cũng vẫn thể hiện trăn trở về việc làm sao xây dựng cho được tình đoàn kết quốc tế “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em”.
Tinh thần quốc tế là một phẩm chất đạo đức bắt nguồn từ bản chất của giai cấp công nhân và chế độ Xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là hình mẫu của tinh thần quốc tế trong sáng, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trong thời kỳ mới của đất nước, học tập và làm theo Bác là một trong những yếu tốt dẫn tới thành công.
Để đất nước phát triển thì một nguồn lực quan trọng là mở rộng tình đoàn kết quốc tế, quan hệ hợp tác cùng có lợi, chủ động, tích cực hội nhập như Đảng ta đã khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
| Nhiều hoạt động ý nghĩa tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp Nhân kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết vinh danh "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn ... |
| Các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - điểm nhấn quan trọng của công tác Ngoại giao văn hóa Sự kiện “Hồ Chí Minh: Con người vì hoà bình, danh nhân văn hoá kiệt xuất” tại trụ sở UNESCO, Paris, Pháp là môt hoạt ... |
| Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của Đảng ta và nhân dân ta Nhân kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cũng là kỷ niệm 53 năm Ngày Bác Hồ đi xa, sáng ... |
| Thanh niên Ngoại giao nâng cao năng lực đối ngoại, học tập làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh Tọa đàm “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh và nâng cao năng lực đối ngoại cho Đoàn viên thanh niên ... |
| Nhiều hoạt động kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Côn Minh, Trung Quốc Từ ngày 20/4-21/5, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh, Trung Quốc đã tổ chức các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ ... |