📞

Học trực tuyến: Học sinh cần có năng lực số, giáo viên phải thiết lập lại chương trình giảng dạy

Thanh Hùng 16:42 | 13/10/2021
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, muốn học trực tuyến tốt, học sinh cần có năng lực số bao gồm phải biết về an toàn số. Còn giáo viên, không phải chỉ có giao tiếp trên nền tảng công nghệ mà còn phải thiết lập, xây dựng lại chương trình học tập cho học sinh.
PGS. TS. Chu Cẩm Thơ nhận định, học sinh cần có năng lực số, bao gồm phải biết về an toàn số khi học trực tuyến.

Vấn đề sức khỏe học sinh khi ngồi trước màn hình máy tính học trực tuyến quá dài đang khiến nhiều phụ huynh trăn trở. Thời lượng học theo bà thế nào là phù hợp?

Giả sử có một hệ thống trường học công nghệ đầy đủ thì tất cả các kỹ năng học tập bậc thấp như tìm kiếm kiến thức, nhận biết thì học sinh sẽ tự học được với máy. Còn khi học với giáo viên sẽ là thời gian để phát triển các kỹ năng học tập bậc cao như phản biện, thảo luận, hợp tác, thực hành,...

Như vậy mọi việc sẽ rất chủ động và khi đó, thời gian học tập trên lớp sẽ là thời gian giao tiếp, tương tác trực tiếp với giáo viên. Khi đó chắc chẳng ai phàn nàn sao phải ngồi lâu với máy tính thế.

Nhưng, thực tế hiện nay, chưa có hệ thống trường học công nghệ như vậy. Do đó sẽ dẫn đến có nhiều thứ diễn ra không khoa học, không hiệu quả. Hiện nay, tất cả việc giảng dạy đều được bê nguyên lên trên lớp học trực tuyến như trực tiếp. Rõ ràng “không gian ảo” không hề phù hợp với việc dạy học các kỹ năng ở mức độ nhận biết,... Mọi người phàn nàn học sinh không đáp ứng được - nhưng tôi cho đó là việc đương nhiên. Bởi trên nền tảng “meeting” để gặp nhau thảo luận là chính mà cứ nghe giảng một chiều thì làm sao học sinh chịu được.

Khi làm việc với không gian lớp học ảo, giáo viên cần cố gắng tăng tương tác để phát triển các kỹ năng, tư duy bậc cao như thảo luận, tham gia đánh giá phản hồi về kiến thức,... Cần giảm bớt các hoạt động đòi hỏi học sinh phải có tư duy lâu, dẫn đến hạn chế không gian giao tiếp.

Nếu “bê nguyên” thời gian học trực tiếp lên trực tuyến thì dẫn đến việc học sinh phải làm việc khoảng 6 tiếng mỗi ngày trên máy tính và về lâu dài rất ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm sự chú ý của các em trong học tập.

Ở cấp tiểu học, mỗi một ngày học chỉ nên kéo dài 2 tiếng, khoảng 30 phút cần được nghỉ 1 lần và cần thay đổi các hoạt động tương tác liên tục sau mỗi 10 phút. Đối với cấp THCS và THPT, có thể duy trì 40-45 phút/tiết nhưng không nên quá 4 tiết trong 1 buổi và không nên học 2 buổi/ngày, thay vào đó có thể giao bài để các em tự học, hoạt động nhóm với nhau.

Chưa có hệ thống công nghệ đúng nghĩa để dạy học trực tuyến

Bà vừa nhắc đến yếu tố công nghệ. Theo bà, việc xây dựng hệ thống công nghệ cần đáp ứng những tiêu chí nào để dạy học online một cách hiệu quả?

Hiện nay có nhiều phần mềm, ứng dụng được sử dụng cho việc học trực tuyến, tuy nhiên, đang mới dừng lại đúng tính chất là “meeting” để ứng dụng cho lớp học ảo, và những công cụ còn rời rạc để hỗ trợ những hoạt động khác nhau của quá trình dạy học, chứ chưa đúng nghĩa là hệ thống công nghệ để dạy học trực tuyến.

Hệ thống dạy học trực tuyến đầy đủ phải phải đảm bảo một số điều kiện về chức năng giáo dục bên trong, ngoài điều kiện bên ngoài về cơ sở vật chất như đường truyền, máy tính,…

Thứ nhất, cần phải có một hệ thống quản trị và phải tương thích, thống nhất với hệ thống quản trị trường học (tức có thể thực hiện tất cả các tính năng quản trị của trường học).

Thứ hai, hệ thống cần phải có dữ liệu để dạy và học. Dữ liệu khác với dữ liệu truyền thống như sách giáo khoa,... ở chỗ là phải thể hiện được ưu thế của công nghệ gồm các yêu cầu: chương trình hóa, phân hóa và tương tác hóa. Khi có hệ thống dữ liệu này thì máy tính và phần mềm sẽ như là một trợ lý của giáo viên và thậm chí như một “thầy giáo ảo” để thực hiện được việc học sinh tự học, học chủ động với những kiến thức cơ bản.

Thứ ba, hệ thống này cần phải có chức năng đánh giá, tức là phải lưu vết được quá trình học tập của học sinh trên hệ thống cũng như kết nối với các đánh giá chuẩn.

Rất nhiều những điểm bất cập đang biểu hiện ra trong việc dạy học trực tuyến hiện nay mà mọi người đều dễ dàng quan sát được bản chất đều do không có một hệ thống như vậy.

Các ứng dụng, phần mềm hiện nay hầu hết mới chỉ ở dạng giải pháp rời rạc như hỗ trợ meeting (như Zoom, Teams, Google Meet,...) để có thể giao lưu giữa người dạy và người học; chứ không có chức năng tổng thể quản lý hệ thống và cũng không có chức năng dữ liệu và đánh giá, tương tác.

Hoặc hệ thống quản lý học tập LMS như Teams, Google Classroom, Canvas,... lại chỉ có chức năng quản trị như các hệ quản trị thông thường, chứ cũng không quản trị theo chức năng quản trị của giáo dục và kết nối được với dữ liệu giáo dục đã được số hóa. Tức giáo dục là một hệ thống gồm các hoạt động và các chủ thể riêng biệt và đòi hỏi khi nói đến công nghệ giáo dục thì phải là công cụ chỉ để giải quyết bài toán giáo dục. Chứ không phải công nghệ yêu cầu giáo dục chạy theo nó.

Các giáo viên hiện nay dùng Zoom, Zalo,... hầu như để “nhìn thấy mặt học sinh” chứ không thể chiếu slide hay sách điện tử, không giao bài tập và theo dõi được quá trình học tập của học sinh, cũng như học sinh không tự học, không được đánh giá tự động.

Những bất cập của dạy và học online ở Việt Nam được nhiều người nhận thấy. Tuy nhiên, mọi thứ dường như không có nhiều thay đổi?

Những bất cập của việc học trực tuyến đến từ một số yếu tố. Thứ nhất là yếu tố ngoại cảnh là hạ tầng, cơ sở vật chất (đường truyền, máy tính,...) thiếu thốn. Thứ hai là như phân tích ở trên, thiếu một hệ thống để dạy học trực tuyến đầy đủ, trong đó hỗ trợ bài toán quản trị, dạy học ứng dụng công nghệ và có thể đánh giá trong quá trình dạy học. Thứ ba là kỹ năng dạy của giáo viên và kỹ năng học của học sinh và cả kỹ năng đồng hành của phụ huynh,...

Như vậy, nếu muốn thay đổi, cần phải tác động vào 3 vấn đề này.

Đầu tiên phải đảm bảo điều kiện tối thiểu cho quá trình dạy học với công nghệ được diễn ra như đường truyền, máy tính, thiết bị,...

Đồng thời, phải đầu tư hệ thống học tập trực tuyến theo đúng nghĩa trường học công nghệ. Việc này không phải chỉ là việc riêng của từng trường mà phải đồng bộ cả hệ thống. Bởi nếu các trường làm lẻ tẻ, không có sự thông suốt với nhau thì việc đánh giá sẽ không thể chuẩn hóa.

Cùng với đó, phải có chiến lược để nâng kỹ năng cho cả người dạy, người học và cả các chủ thể liên quan. Muốn học trực tuyến tốt, thì học sinh cần có năng lực số bao gồm phải biết về an toàn số. Còn giáo viên, không phải chỉ có giao tiếp trên nền tảng công nghệ mà còn phải thiết lập, xây dựng lại chương trình học tập cho học sinh. Không thể bê nguyên chương trình học trực tiếp trên trường cho học sinh học trực tuyến. Bởi như vậy rất ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, không còn thời gian tự học với những gì đã được chương trình hóa, số hóa.

Giáo viên thêm 3 vai trò

Cụ thể hơn, vai trò của người thầy cần thay đổi ra sao?

Bản chất của việc dạy học trực tuyến là giáo viên sẽ có thêm một "người bạn", có thêm một công cụ đắc lực. Khi có một trường học công nghệ với hệ quản trị, hệ thống dữ liệu và đánh giá, tương tác tốt thì giáo viên như có thêm người trợ lý.

Tuy nhiên, giáo viên phải có thêm kỹ năng "chọn bạn", tức là chọn công cụ để phục vụ cho việc dạy học của mình.

Người thầy cũng thêm vai trò như là một huấn luyện viên khi dẫn dắt, hướng dẫn kỹ năng công nghệ cho học sinh. Trong môi trường công nghệ, người thầy phải thêm vai trò huấn luyện. Nhưng để làm được điều này, giáo viên cũng phải có hiểu biết về sử dụng công nghệ (giao tiếp, biểu đạt thông tin, thiết kế bài học,...). Nếu không, thì vừa làm mệt vừa phản ứng ngược.

Bên cạnh đó, các giáo viên cũng cần có thêm tư duy công dân số và an toàn số. Đã xác định dạy học trên trường học công nghệ, không gian thế giới phẳng, thì cần hòa nhập cộng đồng và học cách chịu nhiều sự giám sát hơn so với lớp học an toàn trên trường học trực tiếp.

Đây là 3 vai trò mà người giáo viên sẽ phải có thêm so với vai trò người giáo viên khi dạy học trực tiếp thông thường.

Xin cảm ơn bà!

(theo Vietnamnet)