Sáng 14/12, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bàn về công tác nghiên cứu chiến lược trong tình hình mới” nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao và hướng tới Hội nghị Ngoại giao 32. Hội thảo có sự tham dự của các vị lãnh đạo, đại biểu, nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu chiến lược hàng đầu của các bộ, ngành trong cả nước.
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học “Bàn về công tác nghiên cứu chiến lược trong tình hình mới”. (Ảnh: Quang Hòa) |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, công tác nghiên cứu, dự báo tham mưu chiến lược nói chung và trong lĩnh vực đối ngoại nói riêng luôn là một trong những trọng tâm ưu tiên của công tác đối ngoại, ngoại giao, luôn được Lãnh đạo Bộ Ngoại giao quan tâm, chỉ đạo sát sao, đặt nền tảng vững chắc từ nhiều năm trước. Trong đó, công tác nghiên cứu đóng vai trò là tiền đề, cơ sở cho dự báo, tham mưu và kiến nghị chính sách đối ngoại, xử lý động thái.
Trên nền tảng đó, trong những năm qua, công tác nghiên cứu của Bộ Ngoại giao đã có nhiều bước tiến, góp phần đắc lực vào nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của Bộ Ngoại giao, tạo cơ sở cho các thành công lớn của công tác đối ngoại thời gian qua. Học viện Ngoại giao với nòng cốt là Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao đã bước đầu hình thành vườn ươm ý tưởng, sáng kiến lớn cho Bộ, phấn đấu không chỉ đóng góp cho Bộ Ngoại giao mà còn vươn tầm lên đóng góp cho Đảng, Nhà nước.
TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao khẳng định, công tác nghiên cứu chiến lược cần mang tính đa chiều, liên ngành, để kịp thời phát hiện, cảnh báo từ sớm, từ xa những rủi ro đe dọa ổn định xã hội và an ninh đất nước. (Ảnh: Quang Hòa) |
Điều hành Hội thảo, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao nêu rõ, trước tình hình thế giới thay đổi, diễn biến phức tạp, khó lường, công tác nghiên cứu chiến lược cần mang tính đa chiều, liên ngành, để kịp thời phát hiện, cảnh báo từ sớm, từ xa những rủi ro đe dọa ổn định xã hội và an ninh đất nước và chú trọng dự báo tất cả các kịch bản để có phương án ứng phó kịp thời, tạo thế chủ động chiến lược trong hoạch định và triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Để làm được điều đó, trong thời gian tới, Học viện Ngoại giao rất cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ và sự phối hợp, hợp tác, giúp đỡ hiệu quả của các đối tác.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã trình bày nhiều tham luận sâu sắc, toàn diện, nhiều ý tưởng mới, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai công tác ở các cơ quan để tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng nghiên cứu chiến lược của Bộ Ngoại giao trong thời gian tới.
Thông qua các bài tham luận, các nhà khoa học đã chỉ ra, bên cạnh các mặt thuận lợi như sự quan tâm, tạo điều kiện của Lãnh đạo các cấp, công tác nghiên cứu chiến lược thời gian qua và sắp tới tiếp tục phải đối mặt với một số thách thức như tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, lực lượng nghiên cứu mỏng, nguồn lực hạn chế, việc chia sẻ thông tin, phối hợp giữa các kênh, các cơ quan trong và ngoài nước chưa thực sự thông suốt, nhịp nhàng. Những hạn chế này cần phải được nhìn nhận, phân tích một cách tổng thể và có giải pháp kịp thời để nâng cao hiệu quả nghiên cứu chiến lược trong tình hình mới.
Hội thảo có sự tham dự của các vị lãnh đạo, đại biểu, nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu chiến lược hàng đầu của các bộ, ngành trong cả nước. (Ảnh: Quang Hòa) |
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã sôi nổi trao đổi từ phát hiện vấn đề nghiên cứu, khai thác các nguồn thông tin, phương pháp xử lý thông tin đến cách thức phối hợp, tạo đồng thuận trong việc tham mưu, kiến nghị chính sách. Ngoài ra, các ý kiến nêu vấn đề về chế độ, chính sách đối với nguồn lực và đội ngũ cán bộ nghiên cứu chiến lược cũng được đề cập thực chất, góp phần tìm giải pháp lâu dài để nâng cao chất lượng đội ngũ nghiên cứu. Hội thảo mở ra những cơ hội mới về việc tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin giữa các đơn vị nghiên cứu trong Bộ Ngoại giao và giữa các cơ quan nghiên cứu về đối ngoại trong nước và quốc tế.
Kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đánh giá cao Học viện Ngoại giao đã tổ chức một diễn đàn cởi mở, thực chất với nhiều tham luận nghiêm túc, chất lượng bàn về công tác nghiên cứu chiến lược trong thời kỳ mới, mở ra nhiều sáng kiến, giải pháp hay có thể triển khai trong thời gian tới.
Đây cũng là hoạt động quan trọng để triển khai Nghị quyết số 01 ngày 15/3/2023 của Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao về tăng cường công tác nghiên cứu tham mưu đối ngoại, đồng thời huy động ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành về nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu chiến lược, đưa kết quả nghiên cứu thành các định hướng, kiến nghị chính sách phục vụ các mục tiêu an ninh, phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.