Theo Hội Cựu chiến binh vì hòa bình tại New York, Mỹ, lòng quyết tâm đã giúp Việt Nam chiến thắng đại dịch Covid-19. (Nguồn: AFP) |
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh vì hòa bình của New York, bà Susan Schall nhấn mạnh, trong thời gian này các cựu binh lại một lần nữa được chứng kiến sức mạnh và lòng quyết tâm của người Việt Nam đã giúp đất nước Đông Nam Á nhỏ bé chiến thắng đại dịch.
Theo bà, sau khi giành chiến thắng và thống nhất đất nước vào năm 1975, sức mạnh cùng với khả năng dự báo tài tình đã giúp người Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công trên mặt trận chống đại dịch Covid-19.
Bà Schall nhận định, Việt Nam đã đánh giá được nguy cơ đại dịch bùng phát từ rất sớm, huy động được mọi nguồn lực có thể, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam để bảo vệ người dân một cách hết sức thành công và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng dịch bệnh trong nước.
Các cựu binh Mỹ cũng cho rằng, những gì Việt Nam đã làm được là rất ấn tượng. Với dân số 95 triệu người, Việt Nam chỉ có 271 ca nhiễm và không có ca tử vong, dù có biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc.
Bà Schall là nữ y tá quân y đã rải truyền đơn bằng máy bay ở vùng vịnh San Francisco để phản đối nhà cầm quyền Mỹ khi đó tiến hành chiến tranh ở Việt Nam vào năm 1968.
Cũng tại buổi họp, các cựu binh đã xem lại đoạn phim tài liệu ghi lại thời khắc lịch sử khi quân Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam vào năm 1975, hình ảnh bộ đội Việt Nam và cả cuộc hội ngộ của họ với những cựu chiến binh bên kia chiến tuyến sau khi chiến tranh kết thúc. Các cựu binh Mỹ đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ những người đã khuất của cả hai phía.
Cựu binh Doug Rawlings, một trong 5 thành viên sáng lập Hội Cựu chiến binh vì hòa bình tại New York và là Giáo sư tại Đại học Maine sau khi trở về từ cuộc chiến ở Việt Nam, đã đọc bài thơ do ông sáng tác The girl in the picture (tạm dịch: Bé gái trong bức ảnh). Bài thơ là sự day dứt, ám ảnh về những gì quân đội Mỹ đã làm đối với người dân Việt Nam, nhất là trẻ em Việt Nam, khi chứng kiến bức ảnh bé gái Việt Nam 9 tuổi bị bỏng bom Napalm do quân đội Mỹ ném xuống, được phóng viên hãng tin AP Nick Út chụp vào năm 1972.
Cựu binh Doug Hostetter chia sẻ về quãng thời gian ông ở Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, dạy trẻ em đọc và viết tiếng Anh. Ông khẳng định, bản thân cũng học được rất nhiều từ những đứa trẻ ấy.
Trong khi đó, Frank Toner, cựu binh đã có mặt tại Tây Ninh trong thời gian một năm, cho biết, ông cảm thấy mình “đã rất may mắn” bởi chưa bao giờ phải cầm súng, đồng thời chia sẻ cảm nghĩ về một quãng đời mà khi nhìn lại chỉ thấy thấm đậm nỗi buồn và ân hận không nguôi.
Về phần mình, cựu binh Nick Mottern nhấn mạnh, ông không thể quay trở lại Việt Nam, bởi ông không thể quên được những gì người Mỹ đã làm với con người và đất nước này.
Hội Cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình hằng năm đều có các hoạt động nhằm hàn gắn quá khứ chiến tranh như gặp gỡ trao đổi và trở lại thăm Việt Nam. Thường niên vào ngày 25/5, các cựu binh tại New York tổ chức gặp mặt ở công viên Battery để ôn lại những ký ức đau thương của những người đã đi qua chiến tranh và nhắc nhở những người Mỹ được may mắn sống trong hòa bình về cái giá quá đắt của chiến tranh.
Năm nay, do đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại New York, các cựu binh đã chuyển các hoạt động thành gặp mặt trực tuyến.
| Truyền thông Áo: Mô hình phòng chống Covid-19 của Việt Nam đáng để các nước học tập TGVN. Ngày 24/4, báo Standard của Áo có bài phân tích mang tựa đề "Không trường hợp tử vong do virus Corona và chỉ hai ca ... |
| Chương trình talk show của quân đội Nga gọi cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam là 'kỳ diệu' TGVN. Một chương trình talk show ăn khách của kênh truyền hình “Ngôi sao” thuộc Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga vừa có buổi ... |
| Truyền thông Nga: Mô hình chống Covid-19 của Việt Nam là 'có một không hai' TGVN. Trang mạng Kommersant.ru của Nga ngày 23/4 đã đăng bài đánh giá cao hiệu quả mô hình chống dịch viêm đường hô hấp cấp ... |