Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron hội đàm về khủng hoảng Nga-Ukraine tại Moscow, ngày 7/2. (Nguồn: Sputnik/EPA) |
Chỉ là “sẽ xem xét”
Trong cuộc hội đàm kéo dài gần 5 giờ tại Điện Kremlin, Tổng thống Pháp cảnh báo hai bên cần làm việc nhanh chóng để tránh nguy cơ leo thang khủng hoảng.
Ông Macron nhấn mạnh, căng thẳng và nguy cơ mất ổn định đang gia tăng trong khi cả Nga và Liên minh châu Âu (EU) đều không muốn xung đột hay bất ổn, nhất là khi các quốc gia vừa phải hứng chịu đại dịch Covid-19.
“Vì vậy, chúng ta cần thống nhất các biện pháp cụ thể”, ông Macron đề xuất.
Đáp lại, Tổng thống Nga không đi sâu vào chi tiết mà chỉ nói rằng có thể xem xét một số đề xuất và ý tưởng của ông Macron để tạo nền tảng cho các bước tiếp theo.
Đồng thời, ông Putin cũng chỉ trích chính sách mở cửa của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên quan đến việc xem xét cho Ukraine gia nhập và cho rằng điều này chỉ mang lại lợi ích cho Mỹ.
Đáng chú ý, nhà lãnh đạo Nga cũng đề cập việc nước này sẵn sàng xin tị nạn chính trị cho đối thủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là người tiền nhiệm Petro Poroshenko, người đã bị buộc tội phản quốc vì bị cáo buộc liên quan việc tài trợ cho phe ly khai do Moscow hậu thuẫn.
“Tôi tin rằng việc giới lãnh đạo đương nhiệm Ukraine truy tố ông Poroshenko vì tội phản quốc là vô căn cứ. Chúng tôi sẵn sàng giúp những người như ông Poroshenko tị nạn ở Nga”, ông Putin nói.
Cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby thông tin, Nga đã bổ sung lực lượng của mình dọc biên giới với Ukraine và Belarus.
Các quan chức Mỹ cho biết, Nga đã có hơn 70% quân số cần thiết để tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine.
Một số nhà phân tích còn tin rằng Điện Kremlin đang dành thời gian để tích lũy lực lượng trong các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo phương Tây.
Hạ thấp kỳ vọng từ khi chưa bắt đầu
Trước khi cuộc hội đàm diễn ra, Tổng thống Pháp đã cảnh báo không nên mong đợi "phép màu" trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga.
Ông Macron tỏ ra lạc quan về cơ hội sẽ thuyết phục ông Putin không động binh trong ngắn hạn nhưng đã hạ thấp kỳ vọng về khả năng tìm ra một thỏa hiệp của Nga đối với an ninh châu Âu.
Nhà lãnh đạo Pháp nói: “Chúng tôi có thể ngăn chặn một số điều trong ngắn hạn, nhưng tôi không nghĩ rằng sẽ có được những thành công. Tôi không tin vào phép màu… Có rất nhiều căng thẳng, lo lắng đang diễn ra”.
Trước cuộc gặp, phía Nga cũng tìm cách xoa dịu kỳ vọng. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định: “Tình hình quá phức tạp để mong đợi những đột phá mang tính quyết định trong khuôn khổ một cuộc hội đàm”.
Theo ông Peskov, trong những ngày gần đây, không tín hiệu nào từ các nhà đối thoại phương Tây nhằm đảm bảo an ninh cho Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời báo chí sau cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 7/2. |
Nỗ lực ngoại giao nhiều phía
Cuộc gặp của ông Macron với ông Putin là một phần trong một ngày ngoại giao bận rộn dưới nguy cơ của một cuộc chiến mới có thể xảy ra ở châu Âu.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, trong khi Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ở Kiev nhằm đảm bảo sự hỗ trợ của nước này với chính phủ Ukraine.
Đồng thời, Mỹ và EU cũng tổ chức các cuộc đàm phán tại Washington về vấn đề nguồn cung năng lượng trong trường hợp Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Sau cuộc họp tại Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã tuyên bố nhất trí trừng phạt Nga trong trường hợp nước này tấn công Ukraine.
Tuy nhiên, trong khi Tổng thống Mỹ kiên quyết rằng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2 từ Nga đến Đức sẽ bị chấm dứt, thì ông Scholz lại không nói cụ thể như vậy.
Ông Biden tuyên bố: “Nếu Nga tiến vào Ukraine, nghĩa là đưa xe tăng hay quân đội vượt qua biên giới Ukraine một lần nữa, thì sẽ không còn Dòng chảy phương Bắc 2 nữa”.
Về phần mình, Thủ tướng Scholz chỉ cam kết rằng Mỹ và Đức sẽ "thống nhất tuyệt đối" về các lệnh trừng phạt, và nói một cách mơ hồ về số phận của Dòng chảy phương Bắc 2.
Khi được hỏi về khả năng ông Putin ra lệnh tiến hành một cuộc xung đột, Tổng thống Biden trả lời: “Tôi biết rằng ông ấy hiện đang ở vị trí quyết định… Ông ấy có đủ năng lực để làm điều đó. Tuy nhiên, tôi không biết ông ấy sẽ làm gì”.
Nhấn mạnh rằng sẽ là một “sai lầm to lớn” nếu Tổng thống Putin lựa chọn tấn công, ông Biden cũng khuyên người dân Mỹ rời Ukraine vì không muốn họ vướng vào làn sóng giao tranh.
Trong một diễn biến liên quan, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã dẫn đầu một phái đoàn tới Washington để thảo luận về việc cung cấp năng lượng khẩn cấp cho châu Âu nếu đường ống dẫn khí đốt chạy qua Ukraine bị cắt đứt.
Nhận định rằng an ninh châu Âu đang ở thời điểm nguy hiểm nhất kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, ông Borrell nhắc đến sự tăng cường hiện diện quân sự của Nga ở khu vực biên giới với Ukraine và tin binh sĩ Nga không ở đó để uống trà.
Đại diện EU cũng chỉ ra, giá khí đốt của châu Âu đã cao hơn từ 6 đến 10 lần so với một năm trước, và khẳng định điều này làm tăng thêm tính cấp thiết cho nhu cầu đa dạng hóa các nguồn năng lượng.
Nhắc lại hậu quả của việc Nga cung cấp khí đốt vì tranh chấp với Ukraine vào năm 2009, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thể hiện quyết tâm cùng EU ngăn chặn điều đó xảy ra, giảm thiểu tác động đến nguồn cung năng lượng và giá cả nếu Moscow chọn cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu nhiều hơn mức vốn đã có.
Ông Duncan Wood, Phó Chủ tịch phụ trách chiến lược và các sáng kiến mới tại Trung tâm nghiên cứu Wilson (Mỹ) nhận định: “Nhìn vào các phát biểu của Ngoại trưởng Blinken và Đại diện Burrell có thể thấy rõ ràng họ vẫn đang tranh cãi về phản ứng của mình đối với tình huống này”.
| Cái giá Mỹ phải trả nếu xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine Trước khi bước vào một cuộc đối đầu toàn diện với Nga liên quan vấn đề Ukraine, chính quyền Tổng thống Joe Biden nên cân ... |
| Nga nắm trong tay vũ khí gì mà tự tin có thể biến tên lửa thông minh của NATO trở thành vô dụng? Phản ứng trước việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường các hệ thống tên lửa thông minh dọc biên giới ... |