Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ phát biểu tại cuộc họp. |
Cuộc họp có sự tham dự của 54 nước thành viên LHQ. Ông Robin Geiss, Giám đốc Viện nghiên cứu Giải trừ quân bị của LHQ (UNIDIR) và bà Maria Pia Devoto, Đại diện Diễn đàn về Kiểm soát vũ khí, đã báo cáo tại cuộc họp.
Các ý kiến phát biểu nhấn mạnh vũ khí bất hợp pháp kéo dài, làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột vũ trang, gây ra số lượng lớn thương vong của thường dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, tác động tới an ninh, ổn định, phát triển kinh tế-xã hội ở các khu vực xung đột và hậu xung đột. HĐBA đã thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết với các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề này, trong đó có các nghị quyết 2117 (2013) và 2220 (2015).
Nhiều ý kiến nhấn mạnh cần giải quyết vấn đề này ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, thực hiện một cách hài hòa các công cụ hiện có, trong đó có Chương trình hành động 2001 của Đại hội đồng LHQ (PoA) về súng nhỏ, vũ khí nhẹ, Công cụ Truy vết quốc tế (ITI) và các sáng kiến khu vực như Sáng kiến Ngưng tiếng súng tại châu Phi, Lộ trình Kiểm soát, quản lý vũ khí, đạn dược tại Tây Balkans và Lộ trình Hành động ưu tiên của các nước Caribbean về chống phổ biến vũ khí và đạn dược theo hướng bền vững trước năm 2030.
Nhiều ý kiến kêu gọi HĐBA cần tiếp tục chủ động lồng ghép việc giải quyết vấn đề này vào các hoạt động về ngăn ngừa xung đột, gìn giữ hòa bình, cấm vận vũ khí bất hợp pháp vào các khu vực xung đột, tái thiết hậu xung đột, chống khủng bố và chống tội phạm xuyên quốc gia; đồng thời, các phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ cần tiếp tục hỗ trợ nước tiếp nhận trong việc thu hồi vũ khí, giải giáp, giải ngũ, tái hòa nhập các chiến binh, cải cách lĩnh vực an ninh và tái thiết hậu xung đột.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, chia sẻ nhiều ý kiến trên và nhấn mạnh việc cần tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, trong đó có luật nhân đạo và các điều ước quốc tế, các nghị quyết liên quan của HĐBA; cần chú ý tới các đặc thù khu vực, nước cụ thể và hỗ trợ việc xây dựng năng lực xử lý các vấn đề an ninh, trật tự hậu xung đột; cần có cách tiếp cận tổng thể, hiệu quả.
Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh, các quốc gia có trách nhiệm hàng đầu về bảo đảm quản lý, kiểm soát vũ khí, chống tội phạm và vũ khí bất hợp pháp; cần bảo đảm quyền chính đáng của các nước về mua sắm, sản xuất, chuyển giao và sở hữu vũ khí vì mục đích quốc phòng, an ninh.