Pháp là nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ tháng 6/2020 và tất cả các cuộc họp tiếp tục được tổ chức trực tuyến. |
Các vấn đề khu vực được HĐBA thảo luận bao gồm:
Châu Phi: Tình hình hoạt động lực lượng G5-Sahel (nhóm 5 nước triển khai các hoạt động chống khủng bố, các nhóm vũ trang phi nhà nước tại khu vực Sahel), Libya (về cơ chế hỗ trợ thực hiện trừng phạt vũ khí); Sudan (về hoạt động của Uỷ ban Trừng phạt và cơ chế Toà Hình sự quốc tế liên quan Sudan); Burundi; UNOCA, Mali (bao gồm họp các nước góp quân tại Phái bộ MINUSMA, họp về tình hình chung và thương lượng gia hạn Phái bộ MINUSMA); CH Trung Phi, Nam Sudan, CHDC Congo (bao gồm gia hạn cơ chế trừng phạt đối với CHDC Congo, và họp về tình hình Phái bộ MONUSCO), Somalia (chuẩn bị gia hạn Phái bộ UNSOM).
Trung Đông: Syria (gồm các cuộc họp định kỳ về vũ khí hoá học, tiến trình chính trị, tình hình nhân đạo); Yemen; Phái bộ giãn cách lực lượng tại cao nguyên Golan (Syria) (UNDOF) (bao gồm họp các nước góp quân tại Phái bộ UNDOF, trao đổi tình hình chung, và gia hạn UNDOF); Iraq (về vấn đề chống ISIS); tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine; Iran (hoạt động của Uỷ ban trừng phạt).
Mỹ Latinh: Haiti.
Châu Á: Afghanistan.
Các vấn đề chủ đề được HĐBA thảo luận bao gồm:
Hoạt động gìn giữ hoà bình LHQ và tác động của đại dịch Covid-19; Vấn đề người tị nạn; Cơ chế giải quyết các vấn đề tồn đọng liên quan các toà án quốc tế (IRMCT) và Trẻ em và xung đột vũ trang.
Trong tháng 6, HĐBA sẽ xem xét thông qua 6 Nghị quyết định kỳ về gia hạn phái bộ UNDOF, UNSOM, MINUSMA, IRMCT, cơ chế thực hiện lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya, cơ chế trừng phạt CHDC Congo.
Việt Nam sẽ chủ trì việc thương lượng thông qua Nghị quyết về gia hạn cơ chế IRMCT. Ngoài ra, Đức cho biết sẽ giới thiệu dự thảo Nghị quyết về súng nhỏ, vũ khí nhẹ; Pháp và CH Dominica dự kiến đưa ra dự thảo Nghị quyết về Thanh niên, hoà bình, an ninh.
Về thủ tục làm việc, Pháp đề nghị tiếp tục duy trì thủ tục như tháng 5/2020, đồng thời đề nghị xem xét khả năng có bỏ phiếu thủ tục kể cả khi họp trực tuyến. Các nước đều cơ bản bày tỏ ủng hộ hoàn thiện các thủ tục áp dụng cho việc họp trực tuyến, trong đó có việc bỏ phiếu thủ tục; Nga, Trung Quốc cho rằng nên trao đổi sớm, bảo đảm đồng thuận và có đủ cơ sở pháp lý cho vấn đề này. Về việc Pháp dự kiến sử dụng tiếng Pháp khi điều hành các phiên họp công khai, Nga và Trung Quốc bày tỏ thận trọng, cho rằng việc vận hành HĐBA nên bảo đảm có đủ 6 ngôn ngữ chính thức; Pháp cho biết sẽ vẫn triển khai theo dự kiến, sẽ sử dụng kết hợp cả tiếng Anh và tiếng Pháp.
* Ngày 31/5, theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Algeria, trong tháng 6, Algeria sẽ làm Chủ tịch của Hội đồng Bảo an và Hòa bình (PSC) của Liên minh châu Phi ở Addis Ababa, cơ quan cao nhất của tổ chức liên Phi chịu trách nhiệm về hòa bình và an ninh trên lục địa Châu Phi.
“Trung thành với truyền thống liên Phi, Algeria sẽ nỗ lực thúc đẩy chương trình nghị sự về hòa bình và an ninh tại AU, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19. Algeria phải phối hợp với các thành viên của PSC, đưa ra biện pháp thích hợp để tăng cường hoạt động của AU và khả năng phục hồi lục địa trong bối cảnh hiện nay”, thông cáo báo chí nêu rõ.
Thông báo chỉ ra, ngoài xem xét và theo dõi các điểm nóng trên khắp lục địa, dưới sự điều hành của Algeria, Hội đồng Hòa bình và An ninh sẽ nỗ lực để đưa ra các hoạt động phù hợp với với lộ trình của AU để làm im vũ khí ở AU, chủ đề của Liên minh AU cho năm nay.
Cũng theo tuyên bố này, tháng 2/2019 Algeria đã được bầu với số phiếu áp đảo với nhiệm kỳ ba năm của PSC, và Algeria đã đảm nhận vai trò Chủ tịch PSC một lần vào tháng 11/2019.