Nhiều tranh cãi xung quanh sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1. (Nguồn: Dân trí) |
Đã từng đề cập đến những "hạt sạn"
Trên Diễn đàn VOV tối 12/10, GS. Mai Ngọc Chừ cho biết, không riêng gì sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1 mà cả những cuốn sách khác, Hội đồng thẩm định đã làm việc rất nghiêm túc, cẩn trọng.
Tất cả những vấn đề được cho là “sạn”, Hội đồng thẩm định đã từng đề cập đến, không phải hội đồng “không biết gì” như một số người nói. Trên tinh thần tất cả những gì sai, buộc nhóm tác giả phải sửa nên bản thảo lúc sửa so với ban đầu tốt hơn rất nhiều.
"Đến thời điểm này chúng tôi vẫn khẳng định, tất cả những bộ SGK tiếng Việt lớp 1, chúng tôi đã thẩm định không có gì sai. Tất cả những gì sai, đã được chỉ ra và giải quyết”, GS.Mai Ngọc Chừ nói.
Đề cập vấn đề Hội đồng có đưa vấn đề thực nghiệm SGK tiếng Việt lớp 1 trước khi thẩm định hay không, ông Mai Ngọc Chừ cho biết, bộ SGK tiếng Việt 1 Cánh diều, nhóm tác giả có cho biết đã thực nghiệm mấy tháng, ở trường nào, làm ra sao và đã được Hội đồng thẩm định kiểm tra cặn kẽ. Tuy nhiên, tất cả những thực nghiệm này đều do nhóm thực nghiệm chứ không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo.
GS.TS Mai Ngọc Chừ. (Nguồn: Dân trí) |
Về việc vì sao Hội đồng đã khuyến cáo chỉnh sửa những chi tiết trên với nhóm tác giả nhưng cuốn sách vẫn được lọt qua vòng thẩm định và phát hành, GS Chừ cho rằng, theo quy định, đánh giá SGK có các mức độ “phù hợp”, “phù hợp cao” và “phù hợp trung bình”. Nếu chi tiết nào không phù hợp thì phải thay.
Ở đây, các chi tiết như báo chí và dư luận nêu mấy hôm nay, chẳng hạn chuyện “Cua cò và đàn cá”, “Hai con ngựa”…Hội đồng đã yêu cầu nhóm tác giả thay ngữ liệu này bằng ngữ liệu khác. Điều này được khuyến cáo, có biên bản.
Tuy nhiên, nhóm tác giả đã bảo vệ được quan điểm, cho rằng các bài học trên không phải dạy thói khôn lỏi mà lừa lọc sẽ bị trả giá. Từ đó, khi dạy trên lớp, cô giáo sẽ rút ra bài học, các em phải sống chân thật.
“Theo quy định, những gì được cho là sai thì phải sửa. Nhưng những chi tiết trên, nằm ở mức độ khuyến cáo (chưa đến mức sai - PV) và nhóm tác giả đã bảo vệ được quan điểm của mình trước Hội đồng.
Chẳng hạn từ 'nhá', chúng tôi đã đưa ý kiến phải thay nhưng nhóm tác giả cho biết, bài học đó học sinh chưa học đến vần 'ai', chỉ học đến 'a' nên phải dùng từ 'nhá'", GS Chừ cho biết.
Đồng thời, nhóm tác giả cũng thuyết phục được hội đồng thẩm định khi cho rằng, SGK tiếng Việt chủ yếu dạy âm và vần nên rất khó chọn từ ngữ đảm bảo các yếu tố, phải chọn từ ngữ phù hợp với âm của từng bài.
Ai sẽ chịu trách nhiệm?
Về ý kiến đưa ra, nếu SGK sai thì Hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm, không phải tác giả, ông Mai Ngọc Chừ cho rằng, khi thẩm định bộ SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh diều, Hội đồng không có gì sai bởi những gì sai, đã được bắt sửa và chịu trách nhiệm.
Những điều dư luận phản ứng đều nằm trong phần “phù hợp”, “phù hợp cao” hoặc “phù hợp trung bình”, Hội đồng đã khuyến cáo nhưng nhóm tác giả bảo vệ được quan điểm thì không thể gọi là “sai”.
Ông Mai Ngọc Chừ cho biết thêm, tới đây Hội đồng thẩm định sẽ họp nghiêm túc và đưa tất cả các vấn đề được dư luận đặt ra với nhóm tác giả cũng như với nhà xuất bản.
“Với sự điều phối của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi nghĩ vấn đề cũng dễ giải quyết thôi, bởi cuốn sách chỉ có các hạt 'sạn', không nên bỏ đi hoàn toàn như một số đề xuất. Bộ SGK vừa dạy mới hơn một tháng, tôi cho rằng phải có thời gian. Ít nhất sau một năm học, mới có tổng kết đánh giá, đặc biệt phải lắng nghe ý kiến giáo viên, phụ huynh học sinh, những người đang sử dụng bộ sách này bởi vai trò của họ rất quan trọng”, GS Mai Ngọc Chừ khẳng định.
Trước mắt, một số ý kiến cho rằng, nhóm tác giả nên bình tĩnh lắng nghe và sửa sai. Đặc biệt, trong năm học này, cần rà soát và có tài liệu hướng dẫn gấp để không tiếp tục gây phản ứng trong dư luận.
Chiều 12/10, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về vấn đề SGK lớp 1 mới, trong đó có phản ảnh của phụ huynh về ngữ liệu trong sách Tiếng Việt của nhóm Cánh diều. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học này có 5 bộ SGK lớp 1 mới được đưa vào dạy học trên toàn quốc, bao gồm 4 bộ do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn và 1 bộ mang tên Cánh diều của Công ty VEPIC phối hợp với Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. HCM biên soạn. Hội đồng thẩm định quốc gia với 1/3 số thành viên hội đồng là các giáo viên đang dạy học trực tiếp đã thẩm định 5 bộ sách này, sau đó chuyển lên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Trải qua quy trình này, nhiều lỗi trong bản thảo SGK đã được yêu cầu chỉnh sửa, hoàn thiện. Tuy nhiên, một bộ phận phụ huynh học sinh đã có ý kiến về ngữ liệu được sử dụng trong sách Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh diều. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đang giao cho các đơn vị chuyên môn tiếp thu ý kiến, đồng thời chỉ đạo Hội đồng thẩm định quốc gia tiếp tục rà soát lại toàn bộ cuốn sách này. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị các đơn vị đẩy mạnh biên soạn các bài giảng điện tử để từng bước đa dạng hóa nguồn học liệu cho giáo viên, hướng tới việc sách giáo khoa chỉ là một trong những nguồn học liệu tham khảo để dạy học. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong khâu chỉ đạo biên soạn, thẩm định và phát hành sách giáo khoa mới và khẳng định đây là công việc khó khăn, phức tạp. Với ý kiến đa chiều, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ coi trọng mọi ý kiến đóng góp của nhân dân và có hướng giải quyết những vấn đề còn tồn tại. |