📞

Hội nghị An ninh Munich 2023: Hé lộ các chủ đề 'nóng', Mỹ cử phái đoàn 'khủng', bất ngờ có thể đến ở phút cuối

Vy Vy 17:44 | 17/02/2023
Hội nghị An ninh Munich 2023 đang là tâm điểm quốc tế, khi các nhà ngoại giao hàng đầu thế giới tụ họp và bàn về những câu chuyện nóng của quốc tế hiện nay, trong đó nổi bật là xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng Mỹ-Trung Quốc. Rất có thể sẽ diễn ra một cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung ở phút chót.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Đức tham dự Hội nghị An ninh Munich 2023. (Nguồn: AP)

Xung đột Nga-Ukraine và nỗi ám ảnh

Các chính trị gia, sĩ quan quân đội và các nhà ngoại giao hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới tụ họp tại Munich, miền Nam nước Đức trong ngày 17/2 để đánh giá bối cảnh an ninh của châu Âu vốn đã thay đổi từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nằm trong số nhiều quan chức hàng đầu tham dự Hội nghị An ninh Munich lần này (dự kiến kéo dài từ ngày 17-19/2). Hội nghị an ninh Munich là nghị toàn cầu lớn hàng năm, tập trung vào vấn đề quốc phòng và ngoại giao. Các quan chức cấp cao của Ukraine dự kiến cũng sẽ phát biểu tại hội nghị này.

Hội nghị năm ngoái diễn ra chỉ vài ngày trước khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu. Năm nay, các nhà lãnh đạo sẽ phải bàn về những hậu quả nghiêm trọng của cuộc xung đột đã diễn ra gần một năm qua.

Phát biểu trước cuộc họp bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO - những người đã cam kết tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev ngay cả khi họ thừa nhận kho dự trữ vũ khí của chính họ đã bị cạn kiệt do cuộc xung đột, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, nếu Nga giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Ukraine thì "vũ lực sẽ phát huy hiệu quả" và "điều đó sẽ khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn, tất cả chúng ta sẽ dễ bị tổn thương hơn".

Cuộc xung đột sẽ khơi lại các cuộc tranh luận kéo dài tại Munich về các câu hỏi như châu Âu nên tăng cường năng lực quân sự của mình đến mức nào, châu Âu nên dựa vào Mỹ tới mức nào để đảm bảo an ninh cho mình và các chính phủ nên chi bao nhiêu cho quốc phòng.

Các đại biểu cũng sẽ thảo luận về tác động toàn cầu sâu rộng của cuộc xung đột về các vấn đề từ cung cấp năng lượng đến giá lương thực.

Một "vị khách" không được mời

Hội nghị An ninh Munich đôi khi được coi như thước đo quan hệ giữa Nga và phương Tây, đáng chú ý nhất là vào năm 2007, khi Tổng thống Nga Putin chỉ trích Mỹ trong một bài phát biểu.

Năm nay, việc các nhà lãnh đạo Nga vắng mặt tại Hội nghị sẽ thu hút nhiều sự chú ý. Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich Christoph Heusgen, nhà ngoại giao kỳ cựu của Đức, cho biết các nhà tổ chức đã không mời bất kỳ quan chức nào của Nga. Ngược lại, một phái đoàn của Mỹ với quy mô chưa từng có dự kiến sẽ có mặt tại hội nghị, bao gồm Phó Tổng thống Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken và 1/3 Thượng viện Mỹ.

Về phía Nga, Moscow có cách nhìn nhận khác về sự việc. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, năm nay, cũng như những năm trước, phái đoàn Nga không thấy có lý do gì để tham gia Hội nghị Munich, vì sự kiện này không còn thu hút sự quan tâm của Moscow nữa và diễn đàn này đã trở thành một “sự kiện xuyên Đại Tây Dương thuần túy”.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Sputnik, nhà khoa học chính trị Nga Dmitry Zhuravlev lưu ý rằng quyết định không mời các đại biểu từ Nga sẽ phá hủy nền tảng của chính Hội nghị.

Ông Zhuravlev nói: “Nếu chỉ mời những người ủng hộ, ý nghĩa của hội nghị sẽ biến mất. Mục tiêu của hội nghị là tổ chức cuộc thảo luận để đem đến một thỏa thuận chung". Ông cho rằng cách làm như vậy không giúp giải quyết các vấn đề với thế giới bên ngoài.

Tạo một mặt trận thống nhất

Chủ tịch Hội nghị Munich Heusgen không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng hội nghị này là một diễn đàn đối thoại toàn cầu. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Đức Arnd Festerling, ông nhấn mạnh sẽ không có đại diện chính thức nào của Nga tại Hội nghị.

Dầu vậy, ông vẫn cho rằng mục tiêu chính của diễn đàn là “tạo ra một mặt trận thống nhất" để đối phó với Nga, vì cho đến nay mặt trận này chỉ có Liên minh châu Âu (EU), NATO và Nhóm Các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cùng với Ukraine.

Các vấn đề quốc tế lớn khác cũng sẽ được nêu ra tại hội nghị, đặc biệt là quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc. Có thông tin cho rằng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có thể gặp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị An ninh Munich. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà ngoại giao sau vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc.

Được tổ chức thường niên từ năm 1963, Hội nghị An ninh Munich tuy không phải là nơi đề ra chính sách, chiến lược, không thể giải quyết tất cả vấn đề an ninh đang đặt ra, nhưng là diễn đàn được coi trọng, để các nhà lãnh đạo, các bên đối thoại cấp cao, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, thảo luận các biện pháp giảm đối đầu, căng thẳng, đối phó với các thách thức, nguy cơ, nhằm bảo vệ môi trường an ninh quốc tế.

(theo Reuters)