📞

Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 7 Tiến trình Bali

08:00 | 08/08/2018
Ngày 07/8/2018, tại Bali, Indonesia đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 7 Tiến trình Bali về phòng chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và các tội phạm liên quan khác (Tiến trình Bali). Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng do ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm trưởng đoàn.

Tham dự Hội nghị có đại diện của 42 nước, 4 tổ chức quốc tế là thành viên của Tiến trình, cũng như đại diện 7 nước và 6 tổ chức quốc tế tham gia với tư cách quan sát viên. Trước đó, ngày 06/8/2018 đã diễn ra cuộc họp quan chức cấp cao (SOM).

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng do ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm trưởng đoàn.

Kể từ khi được thành lập vào năm 2002, Tiến trình Bali là diễn đàn khu vực quan trọng giúp tăng cường hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình dương về phòng chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và các tội phạm liên quan khác. Các hoạt động trong khuôn khổ tiến trình Bali góp phần tăng cường năng lực và chia sẻ thông tin giữa các nước trong khu vực và được triển khai dựa trên 4 trụ cột chính là ngăn chặn, phát hiện sớm, bảo vệ và thi hành pháp luật.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Vũ đánh giá cao vai trò của Tiến trình Bali đã thể hiện nỗ lực tập thể của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của di cư trái phép, nâng cao năng lực của các cơ quan chức năng trong quản lý di cư.

Ông Nguyễn Minh Vũ khẳng định chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam là thúc đẩy di cư hợp pháp, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng, chống di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia liên quan, đã đạt đươc những kết quả quan trọng thời gian qua. Trong giai đoạn 2016-2018, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện 868 vụ mua bán người, bắt 1.140 đối tượng, giải cứu 2.355 nạn nhân. Việt Nam đã lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân Việt Nam phòng, chống mua bán người”.

Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố khẳng định vai trò của Tiến trình Bali là diễn đàn hiệu quả, toàn diện để các nước chia sẻ thông tin, tăng cường năng lực và đưa ra các sáng kiến về hợp tác khu vực và quốc tế về các vấn đề liên quan đến di cư. Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thông qua Thỏa thuận Di cư toàn cầu (GCM) nhằm xây dựng cách tiếp cận toàn diện về di cư quốc tế và tăng cường hợp tác ở cấp độ toàn cầu trong quản lý di cư hợp pháp, an toàn và trật tự vì mục tiêu phát triển bền vững.

Chiều 7/8/2018 cũng đã diễn ra Diễn đàn Chính phủ và doanh nghiệp của Tiến trình Bali. Các đại biểu đã chia sẻ các biện pháp tăng cường hơp tác giữa các chính phủ với khối doanh nghiệp nhằm giảm thiểu tình trạng lao động cưỡng bức, coi đây là hình thức của nô lệ thời hiện đại. Các doanh nghiệp tham gia Diễn dàn, trong đó có các công ty đa quốc gia như Adidas, Walmart … bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan Chính phủ trong các nỗ lực đấu tranh phòng, chống mua bán người, cưỡng bức lao động.