Sông Mekong là một phần trong chiến lược chung Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. (Nguồn: US mission to ASEAN) |
Một hội nghị trực tuyến giữa các chuyên gia Hoa Kỳ và các quốc gia liên quan đến khu vực sông Mekong vừa được tổ chức vào ngày 10/5, ngay trước thềm Hội nghị cấp cao đặc biệt Hoa Kỳ-ASEAN nhằm thúc đẩy mối quan tâm và sự tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa của các quốc gia khi các vấn đề về Mekong đang ngày càng ảnh hưởng đến an ninh và thịnh vượng trong khu vực.
Hội nghị trực tuyến này mang tên “Chủ nghĩa đa phương Mekong và Hội nghị Cấp cao đặc biệt Hoa Kỳ-ASEAN” do Trung tâm Stimson, có trụ sở tại Washington, tổ chức với sự tham dự của Đại biện phái bộ Hoa Kỳ tại ASEAN Kate Rebholz, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan và các chuyên gia nghiên cứu cấp cao về châu Á của Thái Lan, Việt Nam, Lào và Trung tâm Stimson.
Theo Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, nội dung của hội nghị không chỉ bàn thảo các vấn đề trên sông Mekong, mà quan trọng hơn là đưa ra cái nhìn toàn cảnh thu hút sự chú ý và đề xuất các cách thức mà ASEAN, với tư cách là một thể chế, có thể tương tác tốt hơn với khu vực, và cách thức mà Hoa Kỳ có thể tham gia hiệu quả hơn thông qua ASEAN nhằm cải thiện kết quả hợp tác trong khu vực giữa các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong.
Đại diện Mỹ tại ASEAN, bà Kate Rebholtz khẳng định sông Mekong là một phần trong chiến lược chung Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hiện nay, Hoa Kỳ rất chú trọng tới Biển Đông trước những tuyên bố phi pháp và những hành vi hung hăng từ Trung Quốc. Mỹ có một chiến lược về lâu dài, trong đó nước sông Mekong là nguồn tài nguyên chiến lược.
Bà Kate Rebholtz cho biết thêm rằng qua hợp tác trực tiếp với ASEAN, bà nhận thấy tác động trực tiếp của sông Mekong đối với khu vực rộng lớn, cũng như cách mà ASEAN đóng góp vào an ninh thịnh vượng thống nhất ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cũng vì vai trò rất quan trọng của tiểu vùng sông Mekong đối với hòa bình và ổn định của ASEAN, nên Mỹ đã cam kết tăng cường khả năng phục hồi bền bỉ của khu vực này thông qua sông Mekong, để từ đó tăng cường năng lực và khả năng phục hồi bền bỉ của ASEAN.
Thời gian qua, Mỹ đã có các chương trình hành động thể hiện cam kết này thông qua Chương trình Đối tác Mekong-Hoa Kỳ (MUSP) để giải quyết những thách thức chính ở Đông Nam Á, trong đó bao gồm cứu trợ thiên tai, quản lý và điều hành nguồn nước, các vấn đề về sức khỏe và ứng phó đại dịch, vận chuyển năng lượng, vấn đề khí hậu, môi trường, bình đẳng giới…
Đến nay, đã có hơn 1.700 nhân viên chính phủ của ASEAN được đào tạo về các nghiệp vụ từ quản lý nước cho đến kinh tế kỹ thuật số. Ngoài ra, Mỹ còn có Chương trình Mekong Connections cung cấp các khoản tài trợ nhỏ cho các tổ chức cộng đồng ở Campuchia, Thái Lan và Việt Nam nhằm khám phá các giải pháp sáng tạo cho những thách thức xuyên quốc gia.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan nhận định, các vấn đề sông Mekong trước nay thường chỉ được thảo luận ở cấp tiểu vùng. Ông Bilahari Kausikan cho rằng: "Tôi nghĩ khó có thể đạt tiến bộ trong việc xem xét chiến lược của Hoa Kỳ hoặc bất kỳ nước đối thoại nào cho đến khi cả khối ASEAN cùng hành động chung với nhau. ASEAN cần đặt mình vào vị trí chiến lược thích hợp để luôn có sự quan tâm đặc biệt của thế giới”.
Ông Satu Lamaye thuộc Trung tâm Đông-Tây (Mỹ) nhận định rằng, sông Mekong có bản chất của một vấn đề đa phương: nguồn nước suy giảm, sự xâm nhập mặn tại đồng bằng đòi hỏi nhiều giải pháp tức thời và cần có sự hợp tác giữa các nước.