📞

Hội nghị Ngoại giao 29: Thay đổi tư duy để phục vụ phát triển

20:04 | 26/08/2016
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong buổi trả lời báo chí, nhân dịp kết thúc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (22-26/8).

Trong 5 ngày diễn ra Hội nghị Ngoại giao (HNNG) 29, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã chỉ rõ hai lĩnh vực mà ngành Ngoại giao phải đổi mới quyết liệt để có thể đáp ứng được nhiệm vụ của mình, đó là ngoại giao kinh tế và góp phần bảo vệ thống nhất chủ quyền lãnh thổ. Xin Thứ trưởng cho biết dự định của ngành Ngoại giao trong việc thực hiện các chỉ đạo đó trong thời gian tới?

HNNG lần thứ 29 thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội nói chung, nhưng quan trọng nhất là được sự quan tâm và chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội.

Trong quá trình diễn ra Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp đến dự và chỉ đạo phiên khai mạc. Tổng Bí thư nêu rất rõ các bài học kinh nghiệm của Ngoại giao Việt Nam trong thời gian qua, và đưa ra những nhóm nhiệm vụ mà ngành Ngoại giao phải thực hiện trong thời gian tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng tham dự và trực tiếp chỉ đạo trong phiên Ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng đưa ra những phương châm chỉ đạo cũng như triển khai những nhiệm vụ đặt ra theo Nghị quyết của Đảng, đồng thời cụ thể hoá trong lĩnh vực Ngoại giao phát triển kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Đồng thời, trong quá trình diễn ra Hội nghị, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội cũng đã có buổi tiếp và chỉ đạo các đồng chí Trưởng Cơ quan đại diện, cũng như phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Về hình thức, công tác tổ chức Hội nghị lần này có sự thay đổi. Hội nghị có sự tham dự của trên 100 Đại sứ, Trưởng các Cơ quan đại diện của Việt Nam đang công tác ở nước ngoài về nước, 22 Đại sứ và Tổng Lãnh sự mới được bổ nhiệm, cùng hơn 400 cán bộ chủ chốt của các đơn vị trong Bộ Ngoại giao.

Điều quan trọng làm cho Hội nghị lần này có sự khác biệt so với những lần trước là có sự tham gia của đông đảo các lực lượng tham gia vào công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và đối ngoại nhân dân, sự tham dự của tất cả các Bộ, ban, ngành.

Thêm một nét đặc biệt nữa là chúng tôi tổ chức Hội nghị Ngoại vụ địa phương bên cạnh HNNG và đã thu hút được sự tham gia của lãnh đạo các địa phương (với 16 đồng chí Chủ tịch và 43 Phó Chủ tịch cùng Giám đốc, phụ trách các Sở Ngoại vụ địa phương) tại 63 tỉnh thành. Mục đích chính của Hội nghị Ngoại vụ là trao đổi các biện pháp, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại tại địa phương, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao chào mừng lãnh đạo các Tỉnh, thành phố tại Hội nghị Ngoại vụ 18.

Cách thức làm việc của HNNG 29 cũng có sự thay đổi theo hướng cụ thể và sát sao hơn. Hội nghị tập trung vào tương tác, với sự tham gia trực tiếp vào các cuộc trao đổi giữa các đại biểu, các Trưởng Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các Bộ ngành, địa phương.

Với tinh thần thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng như các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước… tôi nghĩ rằng Hội nghị đã đi vào trao đổi sâu những cụm vấn đề rất cần thiết.

Hội nghị đã đánh giá, nhìn lại 5 năm qua, đặc biệt là từ HNNG lần thứ 28 (2013) đến nay với tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Hội nghị chỉ ra tình hình đã có thay đổi, chuyển biến gì và trên cơ sở đó, đề ra những giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã giao cho ngành Ngoại giao.

Tôi nghĩ rằng, kết quả lớn nhất của HNNG 29 là chương trình hành động cụ thể trên tất cả mọi lĩnh vực, từ ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, công tác bảo hộ công dân cũng như công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại nhằm phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược của ngành Ngoại giao, đó là (1) góp phần giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để tập trung sức mạnh cũng như tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài cho phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; (2) kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ cũng như lợi ích quốc gia của đất nước, dân tộc trên trường quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng trên tinh thần trao đổi như vậy, có thể nói, phương hướng thực hiện nhiệm vụ tới đây của ngành Ngoại giao là bám sát vào chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao cũng như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Với chủ đề là “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, và hội nhập quốc tế để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng”, sẽ chia làm 2 nhóm phương hướng.

Thứ nhất, Việt Nam đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia cũng như lợi ích của công dấn trên trường quốc tế. Chúng tôi đã có những họp bàn giải pháp để tăng cường hợp tác trong quá trình mở rộng hợp tác quốc tế.

Một trong những xu thế hiện nay trên thế giới là vừa hợp tác vừa đấu tranh, nhưng khía cạnh hợp tác giữa các nước ngày càng tăng. Quan điểm của chúng ta là cần phải tận dụng tối đa và huy động, tranh thủ được sự tương đồng giữa của Việt Nam với các nước và thông qua hợp tác để giảm đi những mặt khác biệt.

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí về Hội nghị Ngoại giao 29.

Thứ hai, về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, đây là một trọng tâm mà Tổng Bí Thư, Thủ tướng Chính phủ cũng như Chủ tịch Nước đã trực tiếp chỉ đạo. Trong thời gian tới, ngành Ngoại giao cũng như các Bộ, ngành, ban, các lực lượng tham gia đối ngoại phải chuyển mạnh trọng tâm sang ngoại giao phục vụ phát triển.

Trước tiên, ngành Ngoại giao cần tăng cường công tác nghiên cứu, nắm bắt thông tin, kịp thời cảnh báo cũng như kiến nghị với Chính phủ để có giải pháp điều hành kinh tế.

Chúng ta cần tranh thủ nguồn lực bên ngoài, cụ thể là đầu tư ODA hoặc công nghệ, giáo dục - đào tạo, mở rộng thị trường để xuất khẩu. Cụ thể, trong lĩnh vực xúc tiến mở rộng thị trường và thu hút đầu tư, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện phối hợp với các Bộ, ngành trong nước để phân loại, thu hút đầu tư nhằm đảm bảo chuyển giao công nghệ cao, phục vụ đúng nhu cầu của chúng ta. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vừa phải đảm bảo trình độ công nghệ cao, vừa phải đảm bảo yếu tố về môi trường.

Tại Hội nghị, cũng có nhiều ý kiến nói rằng phải tăng cường ngoại giao về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, ngoại giao giúp thị trường lao động. Chúng tôi cũng đã bàn những biện pháp cụ thể với các đồng chí lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Bên cạnh đó, ngoại giao kinh tế tiếp tục hỗ trợ quá trình tham gia các tổ chức kinh tế đa phương. Năm 2015, chúng ta đã ký 4 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, và đang tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường. Ngoài ra, còn rất nhiều cơ chế, thể chế đa phương khác mà chúng ta có thể tranh thủ để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước như là quỹ của nhóm BRICS...

Cuối cùng, trong việc hội nhập để phát triển, chúng ta cần đổi mới tư duy ngoại giao, trong đó sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành rất quan trọng. Đây cũng là vấn đề được các đại biểu trong hội nghị trao đổi rất nhiều. Bởi vì, trong quá trình hội nhập sâu rộng hiện nay, nếu muốn đạt được hiệu quả cao nhất trong việc triển khai ngoại giao phục vụ phát triển cần phải nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương.

Thưa Thứ trưởng, ông vừa nhắc đến một chi tiết là chúng ta cần đổi mới tư duy ngoại giao. Quay lại thông điệp đáng chú ý của Thủ tướng Chính phủ trong HNNG lần này là “ngoại giao kiến tạo để phục vụ cho phát triển”. Vậy thưa ông, Ngoại giao kiến tạo theo quan điểm của ông sẽ là như thế nào?

Kiến tạo ở đây tức là tạo ra một khuôn khổ, môi trường tốt nhất để cho các địa phương, các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia vào phát triển kinh tế, xã hội một cách hiệu quả nhất.

Riêng với ngành Ngoại giao, kiến tạo phát triển trước hết là tham vấn, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm phát triển của các nước thông qua các Cơ quan đại diện và nghiên cứu khả năng áp dụng kinh nghiệm đó với Việt Nam.

Thứ hai, ngành Ngoại giao hỗ trợ trực tiếp các địa phương, doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu về hàng hóa, lao động qua đó thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, Bộ Ngoại giao có thể kiến nghị với Quốc hội có những vấn đề sửa đổi về luật pháp, cơ chế đa phương để phù hợp với đường lối phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải giúp cho người dân, doanh nghiệp là chủ thể tham gia vào hoạt động này một cách hiệu quả nhất.

Đông đảo kiều bào, sinh viên Việt Nam tại Nga đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: VGP)

Thưa Thứ trưởng, kết quả của Hội nghị vừa qua có những nội dung gì cần lưu ý liên quan đến công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài?

Trong Hội nghị, chúng ta đã trao đổi rất nhiều về vấn đề này trong một phiên riêng. Tôi xin nói ngắn gọn ba ý mà chúng tôi sẽ quán triệt mạnh mẽ để triển khai trong thời gian tới.

Một là, Bộ Ngoại giao cũng như các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải bám sát cộng đồng người Việt, có tư tưởng sâu sát với quần chúng trong nước cũng như ở nước ngoài, tức là các Cơ quan đại diện phải gắn chặt với cuộc sống bà con ta ở nước ngoài để hiểu tâm tư nguyện vọng của họ.

Thứ hai, động viên khuyến khích bà con ta, thậm chí là có những hướng dẫn, để bà con làm ăn phát triển. Chúng tôi cho rằng, sự thành công của cộng đồng là làm ăn, hội nhập thành công và phát triển.

Thứ ba, trên cơ sở quan hệ gắn bó thân thiết, các Cơ quan đại diện phải hợp tác, cùng với bà con tập hợp những nhóm cụ thể để hướng về quê hương đất nước. Ví dụ, hiện nay Việt Nam có khoảng 600.000 trí thức kiều bào trong cộng đồng gần 5 triệu người ở nước ngoài. Chúng tôi giao nhiệm vụ cho các Cơ quan đại diện ở các nước là phải tập hợp được số trí thức kiều bào tại từng nước, và chúng tôi đã làm trong nhiều năm qua.

Lần này, chúng tôi giao nhiệm vụ cho các Cơ quan đại diện là tập hợp cộng đồng doanh nhân bà con kiều bào. Sắp tới, hội nghị doanh nhân kiều bào trên toàn châu Âu sẽ tổ chức trong tháng 9. Chính sự tập hợp như vậy là cơ sở để bà con ta gặp gỡ, trao đổi nhằm hiểu thêm nguyện vọng, nhu cầu, góp phần giúp cho việc làm ăn hiệu quả hơn.

Công tác bảo hộ công dân và những lợi ích của cộng đồng bà con ở nước ngoài cần phải tăng cường hơn nữa, bởi tình hình cũng đang thay đổi nhiều. Ngoài số lượng bà con ta đã sinh sống lâu dài ở nước ngoài, số người đi lao động, học tập cũng ngày càng tăng.

Hội nghị đã thảo luận những biện pháp gì nhằm đảm bảo chủ quyền lãnh thổ, thưa Thứ trưởng?

Công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như lợi ích của Việt Nam là việc thường xuyên và lâu dài, vì đây là một trong hai nhiệm vụ chiến lược. Hiện nay, điều quan trọng là Việt Nam phải tạo được thế đứng vững chắc trong cộng đồng quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về những vấn đề trùng hợp lợi ích.

Bên cạnh đó, Việt Nam cùng với các nước ASEAN xây dựng cộng đồng dựa trên ba trụ cột chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội. Mặc dù kinh tế là rất quan trọng, nhưng những trụ cột khác về chính trị, văn hóa – xã hội cũng mang tính nền tảng. Nếu như ASEAN đoàn kết, thống nhất, vai trò và tiếng nói của từng thành viên cũng tăng lên.

Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan. (Nguồn: Qz)

Chúng ta tôn trọng phương châm kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đối với vấn đề Biển Đông, Việt Nam cần thêm cơ sở pháp lý rất quan trọng là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Về biên giới trên bộ, năm 2015, chúng ta đã hoàn thành tăng dày, tôn tạo mốc giới với Lào; rà soát lại Hiệp định biên giới và ký những hiệp định quản lý biên giới với Trung Quốc. Đáng chú ý, sau khi hoàn chỉnh phân giới cắm mốc với Trung Quốc, trao đổi thương mại, giao lưu qua biên giới trên bộ rất phát triển, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội vùng biên nói riêng, hai nước nói chung.

Đối với Campuchia, đến nay chúng ta đã hoàn thành phân giới cắm mốc được 80%. Việt Nam tuân thủ phương châm phối hợp tối đa với phía Campuchia để cùng tiến hành công tác phân giới cắm mốc này, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng nhau phát triển.