📞

Hội nghị Ngoại giao 30: Doanh nghiệp gọi - Đại sứ trả lời

09:46 | 17/08/2018
Cùng với mạng lưới gần 100 cơ quan đại diện ở nước ngoài, ngành Ngoại giao đã đồng hành, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. 

Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới, mức độ liên kết kinh tế và đan xen lợi ích ngày càng sâu rộng, trong khi phải triển khai nhiều cam kết FTA tiêu chuẩn cao, mở ra nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng nhiều thách thức. Xu hướng này đặt ra những yêu cầu mới về phương thức hỗ trợ doanh nghiệp từ phía ngành Ngoại giao nói chung và các cơ quan đại diện Việt Nam nói riêng. 

Tìm mô hình hợp tác hiệu quả

Nhằm tạo nên một cơ hội trao đổi thực chất, để nắm bắt tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó xác định phương thức và xây dựng mô hình hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển tốt hơn trong giai đoạn mới, trong lần đầu tiên tổ chức Toạ đàm giữa những người đứng đầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với cộng đồng doanh nghiệp trong nước, Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao đã chính thức công bố kết quả cuộc khảo sát nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. 

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường quảng bá xoài Cát Chu tại Nhật Bản.

Với đường link khảo sát trực tuyến, tại địa chỉ http://ngkt.mofa.gov.vn/phieu-khao-sat-doanh-nghiep/, tất cả các doanh nghiệp nếu có nhu cầu trong các hoạt động kinh tế đối ngoại đều có thể tham gia khảo sát và kết nối. Kết quả khảo sát sẽ là một tài liệu quan trọng để các cơ quan đại diện Việt Nam tham khảo, nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất, qua sự góp ý của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Vụ Tổng hợp kinh tế Bộ Ngoại giao – đơn vị thực hiện cuộc khảo sát, Bản điều tra doanh nghiệp được chia thành 5 cụm nhu cầu chính. Các cụm nhu cầu bao gồm: Nhu cầu hỗ trợ thông tin; Hỗ trợ quảng bá; Nhu cầu giới thiệu; Tìm đối tác; Hỗ trợ giải quyết vướng mắc.

9 đặt hàng đáng chú ý

Kết quả điều tra nổi lên 9 nội dung đáng chú ý. Trong đó, nội dung đầu tiên được giới doanh nghiệp quan tâm là hai nhóm nhu cầu về thông tin và nhu cầu hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc. Hơn ¾ đối tượng được hỏi lựa chọn 2 nhóm nội dung này, về các nội dung khác cũng có 53% đối tượng quan tâm.

Một điều đặc biệt là, trong thời đại bùng nổ thông tin, nhưng nhu cầu lớn về thông tin của doanh nghiệp vẫn rất lớn. Tuy nhiên, lựa chọn của doanh nghiệp tập trung vào thông tin mang tính cảnh báo về các biến động chính trị - an ninh, các xu hướng hay các chính sách mới về thương mại và đầu tư, đặc biệt liên quan đến bảo hộ thương mại và phòng vệ thị trường; Thông tin về tiềm năng hợp tác, thế mạnh của các địa bàn; và cuối cùng là thông tin về tập quán kinh doanh hay thị hiếu tiêu dùng.

Trong khi các thông tin cơ bản như danh sách các mặt hàng xuất, nhập khẩu chính thường được cập nhật thường xuyên, thì nhu cầu của doanh nghiệp hiện nay lại là các thông tin cụ thể hơn về thị trường. Các doanh nghiệp cho biết đặc biệt quan tâm đến hạn ngạch của địa bàn, các tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ,… cũng như các tiêu chuẩn khác mà thị trường yêu cầu.

Đối với các thông tin về hội nhập, trên 3/4 doanh nghiệp được hỏi quan tâm đến thông tin về quá trình hội nhập và các FTA. Trong đó, ngoài việc muốn biết về các cam kết của Việt Nam trong từng ngành hàng và lộ trình thực hiện các cam kết, các doanh nghiệp còn có nhu cầu được thông tin về tác động của các cam kết đến Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp theo từng ngành/lĩnh vực.

Về thông tin liên quan đến cơ hội xuất nhập khẩu, đầu tư và kinh doanh tại địa bàn, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến các cơ hội xuất nhập khẩu, cung ứng dịch vụ hơn là các dự án đầu tư. Điều này cho thấy, nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam vẫn tập trung vào lĩnh vực thương mại, chưa quan tâm nhiều tới đầu tư. Trong đó, chỉ có 59% doanh nghiệp được hỏi quan tâm đến các thông tin liên quan đến công nghệ. Tỷ lệ này còn thấp hơn với các câu hỏi về nhu cầu thông tin lao động hay đào tạo tại địa bàn.

Về nhu cầu quảng bá thương hiệu và sản phẩm, kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm và mong CQĐD hỗ trợ quảng bá tại địa bàn. Các doanh nghiệp quan tâm tới các hình thức trưng bày sản phẩm, giới thiệu sản phẩm tại CQĐD ở nước ngoài, cũng như trang web, danh bạ của CQĐD. Họ mong muốn được CQĐD hỗ trợ tổ chức các sự kiện xúc tiến, quảng bá tại địa bàn, cũng như tư vấn về sự hiện diện của doanh nghiệp tại các sự kiện lớn, quan trọng ở địa bàn.

Về nhu cầu hỗ trợ kết nối với các đối tác, kết quả điều tra cho thấy, nhóm đối tác đầu tiên mà các doanh nghiệp, hiệp hội quan tâm là đối tác mua hàng (64%), tìm đối tác cung cấp nguyên vật liệu và bán thành phẩm (59%). Nhóm đối tác được doanh nghiệp tìm kiếm tiếp theo là các nhà cung cấp công nghệ (56%) và các nhà đầu tư tiềm năng (54%). Trong khi đó, nhu cầu tìm kiếm các đối tác cung cấp dịch vụ tư vấn, pháp lý, tài chính, bảo hiểm, đào tạo… chưa cấp bách.

Công tác hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được xác định là một trong những trọng tâm của NGKT. Trên thực tế, các CQĐD đang có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải và bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam tại địa bàn. Kết quả cuộc thăm dò cho thấy, doanh nghiệp có nhu cầu về các nội dung như cảnh báo rủi ro, hỗ trợ giải quyết tranh chấp thương mại nhiều hơn so với việc vận động chính quyền sở tại. Cụ thể, 76% doanh nghiệp được hỏi mong được cảnh báo và cảnh báo sớm về các rủi ro tại thị trường. Doanh nghiệp cũng có nhu cầu rất lớn cần được hỗ trợ tư vấn pháp lý để giải quyết tranh chấp hoặc thẩm tra năng lực (70%). Việc này có thể do CQĐD trực tiếp hỗ trợ, hoặc giới thiệu các công ty, tổ chức tư vấn tại sở tại.

Một câu hỏi mở cuối cùng của cuộc điều tra về một nhu cầu nào khác của doanh nghiệp. Câu trả lời là “nhu cầu được kết nối với cộng đồng người Việt và doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động ở sở tại.