Từ ngày 15-16/12, tại Hà Nội, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội và Hiệp hội Giáo viên tiếng Nga và văn học Nga quốc tế (MAPRYAL) đã tổ chức sự kiện Hội nghị “Tiếng Nga ở các nước Đông Nam Á”.
Sự kiện có sự tham dự của các nhà ngữ văn, Nga ngữ học đầu ngành, các giảng viên tiếng Nga của các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Liên bang Nga.
Toàn cảnh lễ khai mạc Hội nghị. (Ảnh: PH) |
Hội nghị nhằm hỗ trợ việc thiết lập quan hệ chuyên môn của các chuyên gia dạy tiếng Nga tại các nước trong khu vực trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đây cũng là khuôn khổ cho các chuyên gia trao đổi những kết quả nghiên cứu khoa học, phổ biến những kinh nghiệm giảng dạy tiên tiến, thảo luận những vấn đề cấp thiết trong việc giảng dạy tiếng Nga ngoài môi trường nước Nga.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị chiều ngày 15/12, Đại sứ Nga Konstantin Vasilievich Vnukov khẳng định tiếng Nga đã và sẽ không chỉ là phương tiện giao tiếp đối với các công dân Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, mà còn là công cụ hữu hiệu trong sự phát triển các mối quan hệ quốc tế về chính trị, kinh tế, văn hóa, nhân văn và quân sự.
“Tôi tin tưởng rằng, sự phát triển mạnh mẽ và vai trò ổn định của Nga trong hệ thống quốc tế đa cực sẽ khuyến khích các nước quan tâm nhiều hơn đến nước Nga cũng như nghiên cứu tiếng Nga”, Đại sứ chia sẻ.
Về phía Việt Nam, bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng khẳng định tiếng Nga là một trong những ngoại ngữ quan trọng và có nhiều triển vọng phát triển hơn nữa tại các nước khu vực Đông Nam Á. Nga là đối tác chiến lược toàn diện lâu năm của Việt Nam. Theo bà Hoa, Việt Nam luôn ủng hộ và hoan nghênh các dự án, hoạt động hướng tới phát triển phổ biến tiếng Nga, nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên tiếng Nga tại Việt Nam.
Một trong số các cuộc họp tiểu ban theo chủ đề trong khuôn khổ Hội nghị. (Ảnh: PH) |
Sáng nay (16/12), trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra các cuộc họp tiểu ban theo các chủ đề sau: Quan niệm về sách giáo khoa định hướng dân tộc thế hệ mới; Đào tạo cán bộ giảng viên, hệ thống đào tạo tiền đại học, đại học và sau đại học, công tác nghiên cứu khoa học và phương pháp giảng dạy của các bộ môn tiếng Nga; Xuất khẩu các chương trình giáo dục của các trường đại học Nga sang các nước Đông Nam Á.
Các chuyên gia tiếng Nga đã nỗ lực tìm ra những phương hướng hiệu quả để tiếng Nga ngày càng trở nên phổ biến hơn tại khu vực, qua đó hiểu rõ hơn về văn hóa lâu đời của Nga.