Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trên đà giảm tốc, lãnh đạo các quốc gia BRICS được kỳ vọng sẽ tập trung vào các điểm đồng thuận, thay vì đề cập đến những bất đồng.
Nhiều chương trình kinh tế được triển khai
Theo thông tin Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đưa ra hồi tuần trước, nhằm đẩy mạnh quan hệ đối tác kinh tế trong BRICS, Chính phủ Ấn Độ đã và đang triển khai nhiều chương trình, trong đó có một hội chợ thương mại tại New Delhi, một diễn đàn thương mại và một cuộc họp hội đồng thương mại…
Báo cáo của bộ này cho biết giá trị hàng hóa nhập khẩu từ thị trường thế giới vào các quốc gia BRICS đã gia tăng từ 2,95 nghìn tỷ USD năm 2012 lên 3,03 nghìn tỷ USD trong năm 2014. Trong khi đó, hàng hóa mà nhóm này xuất khẩu ra bên ngoài đạt giá trị 3,47 tỷ USD vào năm 2014, so với 3,2 tỷ USD trong năm 2012. Bên cạnh đó, giá trị thương mại trong nội bộ BRICS cũng gia tăng. Năm 2012, con số này vào khoảng 281,4 tỷ USD và đã tăng lên 297 tỷ USD vào năm 2014.
Tuy nhiên, “xu hướng tích cực này cần được đẩy mạnh khi kim ngạch thương mại giữa các nước trong BRICS chỉ chiếm chưa đầy 5% trong tổng kim ngạch thương mại của nhóm với toàn cầu", báo cáo viết.
Lãnh đạo các nước thuộc Nhóm BRICS tại Hội nghị thượng đỉnh của nhóm được tổ chức tại Brazil năm 2014. (Nguồn: AP) |
Gao Liankui, Giám đốc chương trình nghiên cứu Quản trị Kinh tế Trung Quốc và Thế giới thuộc Khoa Kinh tế của trường Đại học Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh cũng cho biết nhóm này không nên bỏ lỡ việc tập trung vào xây dựng các mối quan hệ kinh tế vì đây là phương tiện để tăng cường ảnh hưởng của nhóm trong các vấn đề toàn cầu. Theo ông Gao, những sáng kiến được lập ra dưới cơ chế BRICS như Ngân hàng Phát triển mới (NDB) là những bước đi tích cực nhằm cạnh tranh với cấu trúc quản trị toàn cầu hiện nay, vốn “không phản ánh được vai trò của các nền kinh tế đang nổi”.
Được thành lập vào tháng 7/2014 và đi vào hoạt động từ tháng 2/2016, mục tiêu của NDB là trở thành một nguồn tài chính phục vụ cho các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi nhằm hỗ trợ cho các nhu cầu phát triển của những nước này. Ngân hàng đã thông qua gói cho vay đầu tiên với tổng trị giá 811 triệu USD để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo ở tất cả 5 nước trong nhóm.
Thống nhất lập trường về chính trị, an ninh
Ngoài ra theo truyền thông Ấn Độ, hội nghị cấp cao lần này còn có sự tham dự của lãnh đạo 7 nước thuộc Sáng kiến Vịnh Bengal vì Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa lĩnh vực. Dự kiến hội nghị cũng sẽ ưu tiên thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố. Nhật báo “The Hindustan Times” ngày 8/10 vừa qua dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Amar Sinha phát biểu hồi tuần trước rằng: “Chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh lần này được soạn thảo theo một đường lối toàn diện. Chúng tôi sẽ quan sát tình hình chính trị và kinh tế toàn cầu và vấn đề khủng bố chắc chắn là một phần quan trọng trong đó”.
Zhu Jiejin, một nghiên cứu sinh kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu BRICS tại trường Đại học Phục Đán, Thượng Hải, Trung Quốc, nói với tờ “Global Times” rằng thường thì các thỏa thuận trong lĩnh vực kinh tế sẽ dễ dàng đạt được hơn là các thỏa thuận về vấn đề chính trị và an ninh, vì vậy “nếu Ấn Độ muốn tăng cường hợp tác kinh tế, họ không nên nhắc tới các chủ đề gây tranh cãi trong hội nghị lần này”.
Hiện tại, một số nước thành viên BRICS như Brazil và Nga đang chứng kiến nền kinh tế tăng trưởng chậm, và tình hình chính trị trong nước của Brazil còn bất ổn, song chuyên gia Zhu nhận định những vấn đề này chỉ là ngắn hạn.
“Mặc dù các vấn đề kinh tế rất nghiêm trọng, song nguyên nhân chủ yếu chỉ là sự suy giảm giá của một số mặt hàng thiết yếu như dầu và thép, là những mặt hàng mà các nước như Nga và Brazil phụ thuộc nặng nề. Tuy nhiên, những điều này chỉ là tạm thời bởi BRICS có các thị trường, tài nguyên, lực lượng lao động và đất đai…, tất cả đều là những thành tố tạo nên sự phát triển kinh tế. Vì vậy tiềm năng cho BRICS là rất vững chắc”, chuyên gia này kết luận.