📞

Hội nghị thượng đỉnh EU: Tập trung vào quốc phòng, Pháp-Đức 'va chạm nhẹ', nhân tố lãnh đạo mới có thổi 'luồng gió mới'?

Bảo Minh 12:47 | 28/06/2024
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 27/6 đã dành phần lớn thời gian để thảo luận về các vấn đề quốc phòng, đồng thời đề cử các vị trí lãnh đạo của khối cho nhiệm kỳ mới.
Các nhà lãnh đạo EU chụp ảnh kỷ niệm cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, Bỉ, ngày 27/6. (Nguồn: DPA)

Tại ngày đầu tiên của hội nghị kéo dài đến 28/6, các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận về những ưu tiên quốc phòng chung trong giai đoạn 2024-2029.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đề nghị tăng cường đầu tư phát triển và mua sắm chung các thiết bị quân sự, với mục tiêu là giảm sự phụ thuộc của EU vào vũ khí Mỹ và tạo ra một thị trường nội bộ cho ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.

Theo hãng tin AFP, bà von der Leyen cho rằng, EU cần đầu tư 500 tỷ Euro (tương đương 535 tỷ USD) trong thập kỷ tới để tăng cường khả năng phòng thủ.

Tuy nhiên, người đứng đầu EC không cung cấp thông tin chi tiết về các khoản dự kiến phải chi trả cũng như cách thức EU sẽ huy động tài chính cho khoản đầu tư này, như thông qua chi tiêu của các quốc gia thành viên hay phát hành trái phiếu quốc phòng chung của EU.

Các quốc gia thành viên EU chưa thống nhất được về cách thức tài trợ cho các dự án quốc phòng chung.

Đáng chú ý, Pháp ủng hộ ý tưởng sử dụng “trái phiếu Euro” để tài trợ cho các khoản đầu tư quốc phòng, song một số quốc gia, trong đó có Đức, phản đối ý tưởng này.

Trong khi đó, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã đề xuất kế hoạch đầu tư 100 tỷ Euro vào quốc phòng được tài trợ bằng nợ chung. Ủy viên châu Âu Thierry Breton cũng ủng hộ kế hoạch này.

Mặc dù hội nghị không đưa ra bất kỳ quyết định cụ thể nào, nhưng đã đặt nền tảng cho hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn giữa các quốc gia thành viên EU trong những năm tới.

Đây là bước quan trọng nhằm nâng cao năng lực phòng thủ của châu Âu trước các mối đe dọa an ninh ngày càng nghiêm trọng.

Ngoại trừ bà Ursula von der Leyen (giữa) tiếp tục được đề cử làm Chủ tịch EC nhiệm kỳ thứ 2, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas (phải) và cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa (trái) được lựa chọn cho các vị trí lần lượt là Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại và Chủ tịch Hội đồng châu Âu. (Nguồn: EC)

Nhân sự mới

Một điểm đáng chú ý tại ngày thứ nhất của Hội nghị thượng đỉnh EU là việc đề cử các vị trí lãnh đạo của khối. Các nhà lãnh đạo các nước thành viên đã ký thỏa thuận đề cử bà Ursula von der Leyen vào vị trí Chủ tịch EC nhiệm kỳ thứ hai.

Bên cạnh đó, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa đã được chọn làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu thay ông Charles Michel, trong khi Thủ tướng Estonia Kaja Kallas được đề cử giữ cương vị Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại thay cho ông Josep Borrell.

Trong bài đăng trên mạng xã hội, Thủ tướng Kallas cho rằng, các nhà lãnh đạo EU đã trao cho bà “trách nhiệm to lớn vào thời điểm căng thẳng địa chính trị”.

Nhà lãnh đạo Estonia viết: “Xung đột ở châu Âu, sự bất ổn gia tăng trong khu vực lân cận của chúng ta và trên toàn cầu là những thách thức chính đối với chính sách đối ngoại của châu Âu”.

Trong khi đó, ông Costa khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy khối đoàn kết của 27 quốc gia thành viên EU. Trên cương vị mới, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha - nhân vật theo đường lối trung tả - sẽ phải hàn gắn những rạn nứt giữa các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ ở một châu Âu đang chia rẽ với sự trỗi dậy của phe cực hữu.

Ông Costa bày tỏ mong muốn sẽ phối hợp chặt chẽ với bà von der Leyen và bà Kallas “trên tinh thần hợp tác chân thành giữa các thiết chế châu Âu”.

Cả bà von der Leyen và bà Kallas đều sẽ phải nhận được sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu tại một cuộc bỏ phiếu kín, trong khi đề cử của ông Costa chỉ cần sự thông qua của các nhà lãnh đạo EU. Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha sẽ đảm nhiệm cương vị mới từ ngày 1/12/2024.

Danh sách ban lãnh đạo mới thể hiện sự tiếp nối của khối khi các phe phái ủng hộ EU theo đường lối ôn hòa giữ những cương vị hàng đầu, bất chấp sự trỗi dậy của phe cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi đầu tháng 6.

Mặc dù cả 3 nhân vật nói trên đều nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ giới lãnh đạo châu Âu, song các nguồn tin ngoại giao tiết lộ, Thủ tướng theo đường lối cánh hữu của Italy - bà Giorgia Meloni - đã bỏ phiếu trắng đối với đề cử dành cho bà von der Leyen và bỏ phiếu chống đối với đề cử dành cho bà Kallas.