Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Brazil với chủ đề “Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững”. (Nguồn: Shutterstock). |
Trước thềm Hội nghị, Giáo sư Jiang Shixue, Đại học Khoa học và Công nghệ Macau (Trung Quốc) có bài viết về sự kiện này đăng tải trên trang South China Morning Post ngày 13/11.
Cần hành động nhiều hơn
Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tiên tổ chức vào năm 2008 tại Washington, khi các nhà lãnh đạo cùng ngồi lại để ngăn sự sụp đổ của hệ thống tài chính ở các nền kinh tế phát triển do cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ. Kể từ đó, hội nghị thượng đỉnh này diễn ra thường niên, do từng quốc gia thành viên tổ chức theo cơ chế chủ tịch luân phiên.
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024 với chủ đề “Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững” và công bố ba ưu tiên: Chiến đấu với nạn đói, nghèo đói và bất bình đẳng; thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững; cải cách quản trị toàn cầu.
Theo Giáo sư Jiang Shixue, giờ đây, điều cộng đồng quốc tế hy vọng không chỉ là một tuyên bố chung mà còn là việc các quốc gia G20 cùng nhau đứng lên hành động. G20 đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 bằng cách phối hợp những chính sách vĩ mô giữa các thành viên.
Tuy nhiên, kể từ đó, tổ chức này chưa thể thực sự trở thành “người dẫn dắt” có khả năng giải quyết nhiều vấn đề quan trọng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cải cách hệ thống quản trị kinh tế thế giới và chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) |
Bên cạnh đó, Giáo sư Jiang Shixue nhấn mạnh, các quốc gia phát triển trong G20 cần làm gương trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều trở ngại, trong đó chủ nghĩa bảo hộ là một trong những rào cản lớn nhất, ảnh hướng tới cả đầu tư và thương mại.
Cả Mỹ và EU đều dựng lên các rào cản đối với xe điện Trung Quốc, làm tổn hại đến ngành công nghiệp xe điện toàn cầu và những nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu. Mặc dù G20 liên tục tuyên bố cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ, nhưng chủ nghĩa này vẫn luôn hiện diện và gia tăng, đặc biệt nhằm vào các quốc gia đang phát triển.
Bước ra khỏi lối mòn
Theo Giáo sư Jiang Shixue, hợp tác trong G20 cần được thúc đẩy theo tinh thần "ngồi chung một con thuyền", đặc biệt trong những vấn đề quan trọng như giảm thiểu biến đổi khí hậu, cải cách các tổ chức tài chính quốc tế.
Giáo sư Jiang Shixue khẳng định, các tuyên bố chung sau mỗi hội nghị thượng đỉnh cho thấy G20 có tham vọng trở thành một tổ chức toàn cầu, có thể giải quyết nhiều vấn đề, từ bảo vệ hòa bình thế giới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cải cách Tổ chức Thương mại thế giới đến hoàn thiện hệ thống tài chính quốc tế, giải quyết an ninh lương thực và năng lượng và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc 2030.
Tuy nhiên, theo tác giả, không dễ để giải quyết tất cả các vấn đề toàn cầu. Vì vậy, hợp tác cần được ưu tiên, tất cả các quốc gia cần phải nỗ lực gấp đôi trong việc thúc đẩy quản trị kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, bài viết cũng chỉ rõ, G20 cần nhận thức rõ tầm quan trọng của thể chế hóa. Hợp tác giữa các quốc gia có hai hình thức: Phi thể chế hóa và thể chế hóa. Phi thể chế hóa ám chỉ sự hợp tác không có tổ chức chính thức, không có mục tiêu hay hiến chương rõ ràng, mặc dù các cuộc họp thượng đỉnh được tổ chức định kỳ cùng các tuyên bố chung. Nếu thiếu một cơ chế thể chế hóa rõ ràng, chức năng của G20 chỉ dừng lại ở việc thảo luận, cho phép các nhà lãnh đạo phát biểu qua những văn bản không có tính ràng buộc.
Cuối cùng, Giáo sư Jiang Shixue hy vọng, bắt đầu từ hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Rio de Janeiro, G20 sẽ cùng nhau "nắm tay" tiến tới những hành động thiết thực.
Tựu trung, dù các Hội nghị thượng đỉnh G20 đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng, nhưng để thực sự phát huy vai trò và đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng quốc tế cần phải hành động nhiều hơn nữa. Các nước G20 cũng cần tập trung vào những ưu tiên thực sự, củng cố hợp tác và tiến tới thể chế hóa để trở thành một lực lượng có thể thực thi các cam kết toàn cầu.