Tổng thống Micronesia David Panuelo, Thủ tướng Fiji Josaia Voreqe Bainimarama, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng quần đảo Solomon Manasseh Sogavare và Thủ tướng Papua New Guinea James Marape tại Nhà Trắng ngày 29/9. (Nguồn: Getty Images) |
Cuộc họp kết thúc với tuyên bố chung gồm 11 điểm, cam kết hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai. Tuy nhiên, bà Iveta Cherneva - nhà phân tích địa chính trị, viết trên trang Foreign Policy rằng hội nghị thượng đỉnh lần này chưa thể khắc phục được các vấn đề của Mỹ ở quần đảo Thái Bình Dương.
Tuyên bố chung của cuộc gặp nêu rõ “các quốc đảo Thái Bình Dương ghi nhận cam kết của Mỹ trong việc tăng cường và làm sâu sắc hơn hợp tác an ninh của mình trong khu vực” trong “một môi trường địa chính trị ngày càng phức tạp”, ám chỉ tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Đó là một thành công về mặt ngoại giao đối với Mỹ - nhưng xét ở các góc nhìn hẹp hơn, Washington vẫn còn những thách thức lớn trong khu vực chứ không chỉ mỗi việc cạnh tranh với Trung Quốc.
Trước khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh, quần đảo Solomon từ chối ký tuyên bố và cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo khác làm theo. Thật hợp lý để nghĩ sự phản kháng này là do ảnh hưởng từ Trung Quốc dựa trên thỏa thuận an ninh mà quần đảo Solomon đã ký với Bắc Kinh trong năm nay. Nhưng nó cũng phản ánh sự phớt lờ của Mỹ với các lợi ích và ưu tiên của khu vực này.
Có một hồ sơ dài về các vụ Mỹ lạm dụng quần đảo Thái Bình Dương, có thể định hình chính trị của khu vực. Trong suốt thế kỷ XX, Mỹ đã tổ chức hàng chục cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và xả chất thải hạt nhân xuống Thái Bình Dương. Lợi ích quân sự của Mỹ nhiều lần bị lên án là đặt lên trên lợi ích của cư dân địa phương.
Một báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc vào năm 2012 đã ghi lại cách Mỹ gây ra thiệt hại vĩnh viễn cho quần đảo Marshall, thông qua các vụ thử hạt nhân được thực hiện trong hơn một thập kỷ.
Phái bộ tìm hiểu thực tế của Liên hợp quốc đã phát hiện rằng bức xạ từ 67 vụ thử hạt nhân do Mỹ tiến hành ở quần đảo này từ năm 1946 đến năm 1958 tiếp tục ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân Marshall và đã làm ô nhiễm vĩnh viễn đất đai của họ.
Nhiều người tiếp tục trải qua tình trạng di cư vô thời hạn. Một số ý kiến cho rằng ô nhiễm hạt nhân ở quần đảo Marshall tồi tệ hơn so với ở Chernobyl (Ukraine) và Fukushima (Nhật Bản).
Đây không phải là sự cố đơn lẻ mà các quốc gia trong khu vực tin rằng Mỹ cần phải thừa nhận và bồi thường, không thể đơn giản được giải quyết bằng một bữa tối thịnh soạn ở Washington.
Mối quan hệ song phương giữa Mỹ và quần đảo Marshall bao gồm cả quan hệ đối tác an ninh, được điều chỉnh bởi Hiệp định các hiệp hội tự do (COFA), hết hạn vào năm 2023 và sẽ được đàm phán lại vào cuối năm nay.
Quần đảo Marshall khẳng định rằng các khoản bồi thường cho di sản của các vụ thử hạt nhân của Mỹ phải là một phần của các cuộc đàm phán. Nhưng Washington chưa bao giờ thừa nhận đầy đủ những hành vi sai trái của mình, do đó, quần đảo Marshall đã đình chỉ các cuộc đàm phán để gia hạn quan hệ đối tác an ninh.
Hội nghị thượng đỉnh vừa qua đã không được khai thác để giải toả sự việc này. Trong tuyên bố chung được ký kết, Điểm thứ 10 đề cập "di sản của xung đột và việc không thúc đẩy phổ biến hạt nhân".
“Thế chiến II đã kết thúc cách đây gần 80 năm, nhưng những vết sẹo của nó vẫn còn ở Thái Bình Dương. Chúng tôi cũng thừa nhận di sản hạt nhân của Chiến tranh lạnh”, tuyên bố viết.
“Mỹ cam kết giải quyết các mối quan tâm về môi trường, sức khỏe cộng đồng và các mối quan tâm về phúc lợi khác của quần đảo Marshall”. Nhưng tuyên bố không có từ ngữ nào thừa nhận trách nhiệm của Mỹ đối với “các mối quan tâm” của quần đảo Marshall.
Điểm thứ 10 còn nêu “Mỹ cam kết thực hiện việc loại bỏ và xử lý an toàn vật liệu chưa nổ, đồng thời ghi nhận mối quan ngại của các quốc đảo Thái Bình Dương liên quan đến những tàn tích khác của Thế chiến II”. Nhưng tuyên bố không đề cập gì đến việc bồi thường cho di sản của quân đội Mỹ.
Thay vào đó, một “tờ thông tin” được xuất bản tại hội nghị nhắc đến các vấn đề của quần đảo Thái Bình Dương về quản trị, dân chủ và nhân quyền. Theo bà Iveta Cherneva - nhà phân tích địa chính trị, đây là một phần lý do Trung Quốc được coi là giải pháp thay thế tiềm năng, khi nói đến quan hệ đối tác chính sách đối ngoại, bao gồm cả hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon.
Tại hội nghị thượng đỉnh, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố khoản viện trợ 810 triệu USD cho khu vực. Trước đó, ba quốc đảo Thái Bình Dương - trong một lá thư gửi ông Kurt Campbell, điều phối viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - cho rằng mức “hỗ trợ kinh tế là không đủ”.
Các đảo quốc ở đây cần xử lý vấn đề biến đổi khí hậu, vì một số quốc gia trong khu vực sẽ biến mất dưới mực nước biển do trái đất ấm dần lên.
Những gì đang diễn ra cho thấy các quần đảo Thái Bình Dương nhận thức rõ tầm quan trọng địa chiến lược mới của họ và sẽ không dễ thoả thuận trước những đề nghị mang tính biểu tượng từ Mỹ.
Các nhà lãnh đạo của khu vực đã đi nước bài của họ ở Washington, nhưng đó sẽ không phải là dấu chấm hết cho các cuộc đàm phán, mà chỉ là bước đầu tiên trong cuộc chơi để các đối tác của họ (Trung Quốc và Mỹ) đối đầu nhau.
Động thái tiếp theo là chờ xem Trung Quốc phản ứng thế nào, trước tuyên bố chung của hội nghị.