📞

Hội nghị thượng đỉnh NATO, chuyện không của riêng ai

TS. Vũ Đăng Minh 21:00 | 16/07/2023
Tuyên bố, kế hoạch hành động và thông điệp của NATO tại Hội nghị thượng đỉnh vừa qua ở Lithuania đã tạo ra những dư chấn, làm gia tăng bức bối trong những ngày đạt kỷ lục “đỉnh nhiệt” của tháng 7.
Toàn ảnh Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Lithuania. (Nguồn: NATO)

Tuyên bố, kế hoạch và thông điệp của người trong cuộc

Các nhà lãnh đạo NATO thảo luận, thông qua nhiều quyết định quan trọng về các vấn đề lớn và nóng. Tuyên bố về tiến trình gia nhập liên minh của Ukraine, cam kết bảo đảm an ninh mới cho Kiev và quyết định kết nạp Thụy Điển. Thông qua Kế hoạch phòng thủ toàn diện đầu tiên trong nhiều thập niên. Củng cố cam kết tăng chi phí quốc phòng lên ít nhất 2% GDP; thúc đẩy sản xuất quốc phòng ở châu Âu. Mở rộng ảnh hưởng, tăng cường quan hệ của NATO với các đối tác trên toàn cầu.

Theo các nhà lãnh đạo NATO, Hội nghị thượng đỉnh năm 2023 đưa ra những thông điệp quan trọng.

Một là, NATO đoàn kết, đồng thuận mạnh mẽ, thể hiện trong việc tuyên bố “Tương lai của Ukraine nằm trong NATO”, đề ra cơ chế tổ chức “Hội đồng NATO-Ukraine”, kết hợp Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và các hình thức hỗ trợ song phương của các thành viên…, bảo đảm an ninh toàn diện cho Ukraine.

Theo quan chức NATO, họ đã tháo gỡ vướng mắc trong một năm qua về việc kết nạp Thụy Điển và những chia rẽ kéo dài về tư cách thành viên của Ukraine, dỡ bỏ rào cản về “Kế hoạch hành động thành viên”, đưa Kiev đến gần hơn với liên minh. Đồng thời, NATO cũng thể hiện sự đồng thuận cao về nhiều vấn đề quan trọng khác.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Mỹ Joe Biden cùng lãnh đạo một số nước NATO. (Nguồn: New York Times)

Hai là, thông qua Kế hoạch phòng thủ toàn diện nhằm nâng cao sức mạnh, tạo ưu thế vượt trội, khả năng răn đe, bảo đảm an ninh cho đồng minh, khu vực trên tất cả các môi trường bộ, biển, không trung và không gian mạng. Đối tượng chủ yếu, trước hết của kế hoạch này là Nga “mối đe dọa trực tiếp và nguy hiểm nhất”.

Văn bản kế hoạch 4.400 trang của NATO đề cập nhiều nội dung quan trọng, như tăng lực lượng chiến đấu thường trực ở châu Âu lên 7 lần (từ 40.000 lên 300.000). Trên cơ sở tăng mức chi tiêu quốc phòng tối thiểu 2% GDP, bảo đảm thực hiện kế hoạch hành động sản xuất quốc phòng mới, đẩy nhanh mua sắm chung, tăng cường năng lực sản xuất vũ khí trang bị, nâng cao khả năng tương tác giữa các thành viên.

Kế hoạch mới nhằm khắc phục bất cập nảy sinh về thiếu hụt vũ khí trang bị qua việc hỗ trợ cho Ukraine. Đồng thời đáp ứng nhu cầu mới, bảo đảm cam kết đóng góp 1.400 máy bay, 250 tàu chiến, tàu ngầm và nhiều vũ khí phương tiện hiện đại khác cho lực lượng thường trực chiến đấu.

Kế hoạch phòng thủ toàn diện nhằm nâng cao sức mạnh, tạo ưu thế vượt trội, khả năng răn đe, tự do hành động của NATO ở khu vực châu Âu-Bắc Đại Tây Dương; đồng thời sẵn sàng đáp ứng yêu cầu ở các khu vực khác.

Ba là, vươn ra toàn cầu, tăng cường quan hệ giữa NATO với các đối tác, nhằm vào Nga, Trung Quốc và các đối thủ khác. Liên minh sẽ đẩy mạnh chính sách Tầm nhìn hướng Đông, mở rộng hiện diện, gia tăng ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương, khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng. Định hướng chiến lược đó trước hết nhằm kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc, đối thủ mà NATO xác định là “thách thức mang tính hệ thống” đang vươn lên mạnh mẽ.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh, lãnh đạo NATO có các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, nhằm củng cố, nâng cấp quan hệ đối tác. Dự kiến triển khai Văn phòng đại diện NATO tại Nhật Bản vào năm 2024.

Các nhà lãnh đạo Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh NATO. (Nguồn: NATO)

Đồng thời, NATO khai thác, phát huy tác dụng của các cơ cấu sẵn có như Bộ tứ (Quad) gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ; Hiệp ước đối tác an ninh AUKUS gồm Australia, Anh, Mỹ; Liên minh tình báo Ngũ nhãn gồm Mỹ, Anh, Australia, New Zealand, Canada.

Bốn là, khẳng định NATO không những tiếp tục duy trì mà còn mở rộng, phát triển, có sức thu hút nhiều quốc gia khác. Đây là kết quả của việc phát triển thành viên mới, phê duyệt Kế hoạch phòng thủ toàn diện, điều chỉnh cơ chế hoạt động; mở rộng địa bàn hoạt động của NATO.

Chiến dịch truyền thông nhiều năm qua, xung đột ở Ukraine và khủng hoảng năng lượng, giúp NATO thành công trong việc khuếch trương “mối đe dọa trực tiếp, nguy hiểm từ Moscow”.

Lãnh đạo các nước NATO cho rằng việc Phần Lan, Thụy Điển từ bỏ chính sách đối ngoại trung lập, gia nhập “ô an ninh” NATO chứng tỏ sức thu hút của liên minh trước các thách thức an ninh đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.

Cùng với đó là những tuyên bố về thách thức đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đó là những “căn cứ” để NATO biện minh cho việc tiếp tục duy trì, phát triển và những hành động vươn ra toàn cầu của họ.

Với những quyết định, kế hoạch, thông điệp đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lạc quan tuyên bố, Hội nghị thượng đỉnh năm 2023 mang “tính lịch sử”!

Những góc nhìn khác

Không phải ai cũng đồng tình với quan điểm, tuyên bố, kế hoạch của các nhà lãnh đạo NATO. Theo các chuyên gia, nổi lên hai vấn đề chính.

Thứ nhất, các tuyên bố mạnh mẽ về sự đồng thuận của NATO không che lấp được khác biệt, mâu thuẫn, tồn tại của liên minh.

Tuyên bố Ukraine gia nhập NATO khi đáp ứng đủ các điều kiện, chỉ tạm thời khỏa lấp sự chia rẽ giữa các thành viên của liên minh. Vẫn còn đó sự khác biệt giữa hai quan điểm chủ đạo của hai nhóm nước là sớm kết nạp Ukraine và “đây chưa phải lúc để Kiev là thành viên của NATO”. Tuyên bố tương tự về tương lai của Ukraine đã được đưa ra từ năm 2008, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Hungari. Sau 15 năm, bế tắc vẫn chưa được giải quyết.

Dư luận cho rằng tuyên bố của NATO vẫn mập mờ, không có mốc thời gian cụ thể và chi tiết về các điều kiện cần và đủ để Ukraine được kết nạp. Thực chất là NATO lo ngại việc kết nạp Ukraine sẽ phải kích hoạt điều 5 Hiệp ước phòng thủ chung, dẫn đến nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga. Nếu không viện trợ vũ khí thì Ukraine sẽ thất bại, NATO mất “con bài” chống Nga. Tiếp tục viện trợ vũ khí thì xung đột có khả năng kéo dài và ngày kết nạp Ukraine vẫn còn xa.

Kế hoạch Phòng thủ toàn diện cũng như tăng mức chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 2% GDP được thông qua. Thực tế những năm qua cho thấy việc triển khai thực hiện không giản đơn và sẽ nảy sinh không ít vướng mắc cụ thể. Mức chi tiêu 2% GDP từng được đưa ra từ năm 2014, nhưng nhiều thành viên không thực hiện. Trước nguy cơ suy thoái kinh tế và những phản ứng mạnh mẽ từ Nga, Trung Quốc, một số thành viên sẽ tìm cách “lách luật”.

Dự kiến đặt văn phòng đại diện của NATO tại Nhật Bản năm 2024 bị Pháp phản đối và có nguy cơ gác lại. Sẽ nảy sinh những vấn đề tương tự khi đẩy mạnh chính sách tầm nhìn hướng Đông ở châu Á-Thái Bình Dương.

Rõ ràng, có lý do để nghi ngại về sự đồng thuận mạnh mẽ như tuyên bố của NATO. Giữa các thành viên vẫn có toan tính vì lợi ích riêng của quốc gia. Các phản ứng mạnh mẽ của Nga, Trung Quốc, cũng như lo ngại của cộng đồng quốc tế sẽ làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn, khác biệt trong liên minh. Chuyên gia cho rằng thực trạng đó là vấn đề lâu dài, khó giải quyết của NATO.

Thứ hai, cộng đồng quốc tế lo ngại về tác động tiêu cực từ các tuyên bố, cam kết và kế hoạch hành động của NATO. Việc NATO tăng cường lực lượng thường trực lên 300.000 người và đề xuất triển khai bố trí quân, có thể cả vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ các thành viên mới, xóa bỏ thỏa thuận năm 1997 giữa liên minh và Nga, vô hiệu hóa các “van an toàn” cuối cùng. Điều đó thúc đẩy chạy đua vũ trang và việc triển khai vũ khí hạt nhân ở khu vực và trên toàn cầu.

Động thái của NATO gia tăng căng thẳng, đẩy đối đầu lên mức vô cùng nguy hiểm. Xung đột ở Ukraine và bất ổn an ninh châu Âu càng khó kiểm soát, khó tháo gỡ. Có chuyên gia nhận xét, NATO không quan tâm đến tác động nhiều mặt từ các quyết định của họ đối với khu vực và toàn cầu; buộc người dân phương Tây nói chung, Ukraine nói riêng phải trả giá cho hành động của liên minh.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lạc quan tuyên bố, Hội nghị thượng đỉnh năm 2023 mang “tính lịch sử”. (Nguồn: AP)

Các nhà ngoại giao Trung Quốc phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng của NATO sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, làm gia tăng căng thẳng ở khu vực. Trung Quốc tuyên bố bất kỳ hành động nào gây nguy hiểm cho các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của họ sẽ bị đáp trả quyết liệt. Sức mạnh quân sự, kinh tế và khả năng đáp trả của Trung Quốc là điều mà NATO không thể xem thường.

Bộ Ngoại giao Nga đánh giá các quyết định ở Hội nghị thượng đỉnh đã chứng tỏ NATO quay trở lại các kế hoạch thời Chiến tranh Lạnh. Nga sẽ đánh giá các thách thức, mối đe dọa để đưa ra phản ứng kịp thời và phù hợp, bằng mọi phương tiện, khả năng và biện pháp hiện có. Nga sẽ tiếp tục sản xuất, trang bị các loại vũ khí hiện đại, củng cố quân đội, nâng cao khả năng phòng thủ; tăng cường hợp tác với các đối tác trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).

Bối cảnh hiện nay đã thay đổi, tương quan lực lượng buộc các bên phải cân nhắc thận trọng trước các quyết định, nhất là sử dụng vũ khí hạt nhân. Việc đẩy căng thẳng lên mức nguy hiểm, quan điểm đánh đòn hạt nhân phủ đầu đối phương có thể dẫn đến những tính toán sai lầm chiến lược, hành động gây hậu quả khó lường cho khu vực và thế giới.