Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết 29 năm thi hành Pháp lệnh về quyền ưu đãi miễn trừ dành cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam. (Ảnh Quang Hoà) |
Phát biểu khai mạc Hội nghị với sự tham dự của đại diện hơn 20 bộ, ngành và địa phương và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh: Pháp lệnh 1993 là một bước tiến rất quan trọng trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, lãnh sự và thực hiện các nội dung cam kết của Việt Nam khi tham gia các Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961, Công ước về quyền ưu đãi miễn trừ của Liên hợp quốc năm 1946 và Công ước Vienna về quan hệ lãnh sự năm 1963.
Sau gần 30 năm, việc thực hiện Pháp lệnh 1993 đã đạt được những kết quả quan trọng với sự đóng góp tích cực của tất cả các bộ, ban, ngành và địa phương, góp phần phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Đây là Hội nghị tổng kết đầu tiên trong gần 30 năm kể từ khi Pháp lệnh 1993 ra đời, được tổ chức có quy mô rộng rãi nhằm phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, vướng mắc trong việc thực thi Pháp lệnh 1993. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để làm cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, lãnh sự tại Việt Nam một cách đồng bộ, thống nhất, phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm công tác đối ngoại thời gian tới là triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Trình bày báo cáo tổng kết thi hành Pháp lệnh (1993-2022), Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước Nguyễn Việt Dũng cho biết: Để triển khai Pháp lệnh 1993, các bộ, ngành đã ban hành gần 30 văn bản quy phạm pháp luật căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, tạo nên hệ thống thể chế quản lý chặt chẽ và đảm bảo quyền ưu đãi miễn trừ dành cho các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện tổ chức quốc tế.
Hiện nay, tại Hà Nội có 98 cơ quan đại diện (gồm 79 cơ quan đại diện ngoại giao, 19 cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế), tại TP. Hồ Chí Minh có 73 cơ quan lãnh sự và văn phòng đại diện các tổ chức quốc tế; tại Đà Nẵng có 5 cơ quan lãnh sự và 64 nước Đại sứ nước ngoài kiêm nhiệm Việt Nam.
Nhờ có hệ thống quy định nêu trên, các cơ quan và thành viên cơ quan đại diện đã được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện chức năng của mình tại Việt Nam trên nguyên tắc công bằng, không phân biệt đối xử. Cơ quan và thành viên cơ quan đại diện được đảm bảo lưu trú, ưu đãi thuế quan, an ninh, tự do đi lại, thông tin liên lạc, nghi lễ, lễ tiết và các hoạt động khác tại Việt Nam.
Cục trưởng Cục Lễ tân cho biết, các đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ cơ bản tôn trọng pháp luật và phong tục, tập quán của Việt Nam, không có hành vi vi phạm nghiêm trọng về pháp luật hình sự, hành chính hoặc bị điều tra, truy tố, xét xử, xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi Pháp lệnh 1993 cũng còn một số vướng mắc, bất cập như tình hình thế giới có nhiều biến đổi, nhiều vấn đề phát sinh chưa từng có tiền lệ, chưa được quy định cụ thể trong Pháp lệnh, chưa áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý dẫn đến một vài khó khăn trong công tác phối hợp giữa các cơ quan...
Tham dự Hội nghị có đại diện của hơn 20 bộ, ngành và địa phương và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Dương Bằng) |
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu nhất trí với đánh giá của Cục Lễ tân Nhà nước về kết quả triển khai thi hành Pháp lệnh 1993 cũng như một số hạn chế, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương trong thực tiễn. Hội nghị cũng nhất trí đánh giá Pháp lệnh 1993 mang tính khái quát và có giá trị áp dụng lâu dài.
Tuy nhiên, trước tình hình thế giới có nhiều biến đổi, nhiều vấn đề phát sinh chưa từng có tiền lệ, chưa được quy định cụ thể trong Pháp lệnh, việc nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống pháp luật là cần thiết để phù hợp với sự phát triển của luật pháp quốc tế, thực tiễn đời sống quốc tế và Việt Nam.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định: Pháp lệnh 1993 có sức sống trong suốt 30 năm qua cho thấy Việt Nam đã thực hiện tốt các cam kết quốc tế của mình, đồng thời đảm bảo các nguyên tắc, chủ trương của Đảng và Nhà nước và quy định của pháp luật Việt Nam.
Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương để nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Ưu đãi miễn trừ, bao gồm cả xem xét những đối tượng không thuộc diện điều chỉnh trong Pháp lệnh 1993 phù hợp với quan hệ đối ngoại của ta và thực tiễn quốc tế.