Ngày 20/11, 202 du khách Hàn Quốc là đoàn du khách quốc tế đầu tiên hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, theo chương trình Hộ chiếu Vaccine. (Nguồn: TTXVN) |
Hơn 3/4 thời gian của năm 2021 đã trôi qua, dịch bệnh Covid-19 đã phủ bức tranh ảm đạm lên phần lớn hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều ngành nghề kinh tế.
Dù đã kiểm soát khá thành công 3 làn sóng bùng phát dịch trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, nhưng mọi rắc rối đều không thể kết thúc sớm như chúng ta mong muốn ở đợt dịch thứ 4.
Sự nguy hiểm khó lường của biến chủng Delta, khiến các biện pháp chống dịch trở nên cứng nhắc, trong khi nòng cốt của nền kinh tế với hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tác động nặng nề.
Cho đến nay, không ít phương án đã được đưa ra, sửa đổi để vừa đạt được mục tiêu chống dịch, vừa bảo đảm duy trì sản xuất ở mức tối thiểu nhằm cung cấp đủ hàng hóa cho nhu cầu thiết yếu của xã hội. Tuy vậy, vẫn cần những giải pháp phù hợp hơn nữa dựa trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những bất cập, tồn tại phát sinh trong thực tế.
Những ngày gần đây, Quảng Ninh không chỉ nổi lên như một điểm sáng chống dịch hiệu quả, thông tin khởi động 4 đại dự án có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD gồm: Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh; sân golf Đông Triều; nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh và bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) như những tín hiệu “đánh thức” sự trở lại của các ngành quan trọng của nền kinh tế từ du lịch, đô thị, hạ tầng và năng lượng, trong giai đoạn kinh tế cả vĩ mô và vi mô đều đang rất khó khăn.
Như Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn chia sẻ, việc đẩy mạnh xây dựng, đầu tư là nhiệm vụ quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế, bù đắp cho những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng do Covid-19. Tận dụng tốt cơ hội là “vùng xanh”, Quảng Ninh vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số. Do vậy, việc khởi công đồng loạt 4 dự án lớn trong tháng 10 mang ý nghĩa quan trọng không chỉ trong việc thực hiện "mục tiêu kép" mà còn giúp duy trì động lực tăng trưởng.
Ngày 20/11, sau gần 2 năm đóng cửa dừng đón khách du lịch, một số địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, như Hội An, Phú Quốc… đã thử nghiệm mở cửa trở lại đón các vị khách quốc tế đầu tiên. Không ít ý kiến cho rằng, Việt Nam hiện chỉ mới "hé cửa" đón khách và đón một cách quá thận trọng.
Tất nhiên, những bước đi đầu tiên với các quy định chặt chẽ về hộ chiếu vaccine và kiểm dịch Covid-19 có thể sẽ chưa đủ thuyết phục hoàn toàn các du khích khó tính. Và dù còn là quá trình vận hành thử nghiệm, để đánh giá và rút kinh nghiệm, thì đây vẫn là những bước đi cần thiết không chỉ vực dậy những lĩnh vực có tiềm năng, mà còn là sự cổ vũ để tạo ra những động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế sau thời gian dài “ngủ Đông”, hoặc từ đó, khơi dậy các ý tưởng đầu tư mới trong giai đoạn hiện nay như đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, sức khỏe…
Tất nhiên, khó khăn thách thức còn nhiều, nhưng động lực tăng trưởng cần phải mạnh mẽ và được lan tỏa. Việc tận dụng tốt các cơ hội từ địa bàn an toàn không những đóng góp tăng tốc phát triển kinh tế hậu đại dịch, mà còn không làm đứt gãy các chuỗi cung ứng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, giúp các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được duy trì ổn định.
Thật khó để có được một kịch bản thật sự khả thi cho mục tiêu phục hồi kinh tế trong lúc này, bởi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường cả ở trong nước và thế giới. Thực tế cũng cho thấy không thể đợi dịch bệnh đi qua, rồi mới bàn đến phục hồi phát triển và vực dậy kinh tế. Do vậy, lúc này chính là thời điểm vàng để “các vùng xanh an toàn Covid-19” và cả “vùng xanh doanh nghiệp” cần giữ vững được hoạt động, duy trì sản xuất - kinh doanh, tạo động lực cho cả nền kinh tế trong giai đoạn hậu dịch.
Thời gian còn lại của năm không còn nhiều để sớm tăng tốc phục hồi kinh tế theo chính sách phát triển chuyển từ “Zero Covid” sang “sống chung với Covid”. Tuy nhiên, những tia sáng mở đường hồi phục hậu Covid-19, những bước đi phù hợp là vô cùng cần thiết để sớm đưa nền kinh tế trở lại với quỹ đạo phát triển, duy trì niềm tin, sự đồng thuận và sự ủng hộ của doanh nghiệp, người dân.