📞

Hồi sinh TPP, nhiều khó khăn lộ diện

07:48 | 02/09/2017
Không đơn giản là TPP 12 – 1, khi Mỹ bỏ đi chỉ còn 11 thành viên ngồi lại, nhiều vấn đề của TPP tưởng đã cũ, lại trở nên không đơn giản nữa.  

Phiên họp kéo dài 3 ngày (28 – 30/8) bàn về tương lai TPP vừa kết thúc tại Sydney, Australia đã thắp lên hy vọng hồi sinh cho một cuộc hợp tác lịch sử - Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), khi trưởng đoàn đàm phán của 11 nước thành viên còn lại đồng ý tiếp tục ngồi lại vào tháng 9 tới, để có thể đưa ra một quyết định cuối cùng trước khi Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại Đà Năng (Việt Nam).

Hy vọng cuối cùng

Nếu cuộc gặp sắp tới diễn ra đúng như dự định, thì đây sẽ là lần thứ hai các thành viên TPP còn lại chọn Nhật Bản là nơi đàm phán, tại đây, Trưởng đoàn đàm phán của nền kinh tế lớn nhất trong TPP-1 Kazuyoshi Umemoto hy vọng có được một quyết định cuối cùng cho số phận của TPP. Khi đó các thành viên có thể đồng ý thông qua khung thỏa thuận mới sau sự rút lui của Mỹ.   

Nhật Bản cam kết sẽ đóng vai trò đầu tàu trong việc đưa ra đường hướng rõ ràng cho TPP. (Nguồn: Reuters)

Giới quan sát cho rằng, với quyết tâm của các nước thành viên còn lại, TPP – 1 vẫn có triển vọng hồi sinh. Ðể giải bài toán TPP-1 ra một kết quả khả quan cho các thành viên còn lại, Nhật Bản và các nền kinh tế lớn trong TPP như Australia, Mexico, New Zealand... đã nỗ lực không ngừng trong gần một năm qua hy vọng đẩy nhanh quá trình. Các thành viên này đều bày tỏ quyết tâm phối hợp chặt chẽ để sớm đạt được một thỏa hiệp phù hợp lợi ích chung của tất cả các nước.

Thay thế vị trí của Mỹ, Nhật Bản đã cam kết sẽ đóng vai trò đầu tàu trong việc đưa ra đường hướng rõ ràng cho TPP bởi Tokyo cho rằng, TPP không những mang lại lợi ích về kinh tế mà còn có tầm quan trọng chiến lược. Trong cuộc họp hồi tháng 7 tại Nhật Bản, các nước đã nhất chí phương án đưa TPP vào hiệu lực theo một khuôn khổ mới theo kiểu “bình cũ rượu mới”.

Còn vị trưởng đoàn của Nhật Bản thì khẳng định rằng, sau cuộc gặp vừa qua, nhận thức chung giữa các nước thành viên đã có sự tiến triển. Nhiều phiên thảo luận đã được thực hiện nhằm tìm cách sửa đổi văn bản gốc của TPP phù hợp với bối cảnh mới. Cũng có những tiến bộ đáng kể trong các cuộc thảo luận về việc sửa đổi hay đình chỉ các điều khoản nhất định, như dự định đóng băng yêu cầu mở rộng thời hạn bằng sáng chế, nếu ứng dụng phải đối mặt với sự trì hoãn không hợp lý, quy tắc đầu tư, bảo vệ tác quyền…

Tất nhiên sẽ còn rất nhiều việc phải làm, nhưng điều quan trọng mà các bên đã đạt được cần được nhắc đến, như Thứ trưởng Thương mại Peru  - Edgar Vasquez khẳng định, “tất cả các nước thành viên đều sẵn sàng đánh giá những lựa chọn thay thế để TPP có thể tồn tại.

Khó khăn đang chờ đợi

Hiện tại, với hy vọng hồi sinh Hiệp định TPP, văn bản gốc của TPP cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, khi ngồi lại cùng nhau tái đàm phán về các quy định, hiệp ước “đã cũ” thì không chỉ là một phép trừ đơn giản, không có Mỹ tức là TPP – 1. Một loạt vấn đề khó khăn mới lúc này dần lộ diện.

Tại cuộc họp lần này, một vài thành viên đã đề nghị sửa đổi hoặc đóng băng một số điều khoản của hiệp định, chẳng hạn như các vấn đề liên quan tới hoạt động thu mua của nhà nước hay bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dược phẩm. Việt Nam đã đề xuất khả năng điều chỉnh một số điều khoản trong vấn đề quyền của người lao động và các quy định về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực dược phẩm của bản hiệp ước ban đầu, doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi đó, Canada và Mexico đã tham gia cuộc họp lần này với danh sách các điều khoản mà họ muốn đình chỉ. Với yêu cầu của Mỹ, một số điều khoản của TPP có thể sẽ được kết hợp vào phiên bản sửa đổi của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), nên hai nước này có mong muốn đình chỉ nhanh chóng một số điều khoản nhất định. Họ cũng mong muốn nhanh chóng đi đến kết luận tại các cuộc đàm phán TPP, để họ có thể tập trung vào tái đàm phán NAFTA.

Một số quốc gia thì mới chỉ đưa ra các yêu cầu bằng lời, thay vì nộp một danh sách chính thức, với lý do chậm trễ về thủ tục trong nước. Theo dự đoán của giới bình luận, một số thành viên có khả năng sẽ ít nhiệt tình hơn với TPP-1, vì lý do ban đầu họ tham gia thỏa thuận với hy vọng đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ.

Nếu TPP được hồi sinh, sẽ gắn kết 11 quốc gia, bao gồm 4/20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, với GDP khoảng 9.800 tỷ USD. (Nguồn: Sourcingjournalonline)

Trong khi đó, theo Trưởng đoàn Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto, cần tiếp tục có những cuộc thảo luận tinh tế hơn về các điều khoản trước khi đi đến thống nhất, vì sẽ có những điều khoản nhất định cần phải sửa đổi, thay vì chỉ dừng lại. Trước cuộc họp tiếp theo, ông Umemoto cũng yêu cầu mỗi nước cần đưa ra một danh sách chi tiết các yêu cầu để đưa ra bàn bạc và quyết định.

Mỹ có quay trở lại?

Nếu TPP được hồi sinh, sẽ gắn kết 11 quốc gia, bao gồm 4/20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, với GDP khoảng 9.800 tỷ USD và kéo theo đó là 19 hiệp định thương mại tự do mới có hiệu lực. Ðây cũng là lý do mà gần đây một số chuyên gia kinh tế nhận định rằng, rất có thể một lúc nào đó, nước Mỹ sẽ phải nghĩ lại.

Tuy nhiên, Chuyên gia nghiên cứu của Trường Kinh tế Crawford (Canberra, Australia) Shiro Armstrong cho rằng, một khi những thay đổi được chấp nhận, Hiệp định TPP - 1 càng có nhiều thay đổi so với văn bản ban đầu - với những điều khoản  mà Washington đã chấp thuận, thì càng có ít khả năng Mỹ sẽ quay lại tham gia Hiệp định. Tuy nhiên, được biết trong TPP – 1, bất kỳ điều khoản nào cũng có thể bị đình chỉ với sự nhất trí của 11 quốc gia, nhưng nó sẽ được phục hồi khi Mỹ trở lại TPP. Họ hy vọng rằng, việc phong tỏa các điều khoản nhất định sẽ khuyến khích Mỹ trở lại.

Là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, TPP mang lại cơ hội tiếp cận những thị trường mới cho các nhà xuất khẩu, cung cấp dịch vụ, nông nghiệp; định hướng cho thương mại và đầu tư trong khu vực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, cũng như tạo thêm việc làm mới cho người dân... Trưởng đoàn đàm phán TPP Australia Justin Brown hy vọng, 11 quốc gia thành viên sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng để TPP có hiệu lực trong thời gian tới.

Hiệp định TPP được 12 nước ký kết vào tháng 2/2016, (gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam) chiếm tới 40% sản lượng kinh tế thế giới.
(theo Kyodo, Nikkei)