Toàn cảnh Hội thảo quốc tế 'Động lực mới cho Pháp ngữ ở châu Á - Thái Bình Dương'. (Ảnh: HA) |
Hội thảo được phối hợp tổ chức bởi Học viện Ngoại giao, cùng Viện quốc tế Pháp ngữ (Đại học Lyon 3), Văn phòng khu vực của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (REPAP) và Cơ quan đại học Pháp ngữ (DRAP) cũng như một số đối tác khác.
Hội thảo đã thu hút sự chú ý quan tâm và tham dự đông đảo của hàng trăm đại biểu và diễn giả thuộc cộng đồng Pháp ngữ trong và ngoài nước, bao gồm cả các quốc gia Đông Á, châu Âu, châu Phi, thông qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Là một sự kiện có tính học thuật, nhưng Hội thảo cũng nhằm kỷ niệm 25 năm ngày diễn ra Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tổ chức tại Hà Nội (1997). Kể từ sau sự kiện này, cộng đồng các quốc gia sử dụng tiếng Pháp đã đạt nhiều bước tiến quan trọng về thể chế và hợp tác quốc tế, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị.
Số người sử dụng tiếng Pháp gia tăng đều đặn, giúp tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ quốc tế đứng thứ 2 sau tiếng Anh.
Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) đã có những bước hoàn thiện thể chế và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực như bảo vệ đa dạng văn hóa, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột… Trong đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với vị trí và vai trò địa chính trị ngày càng gia tăng trên thế giới, cũng trở thành một nhân tố cần được tính đến trong chiến lược phát triển của tổ chức Pháp ngữ.
Mặc dù đây là khu vực vốn có số người sử dụng tiếng Pháp ít nhất trên thế giới, song hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI đã chứng kiến số lượng người học tiếng Pháp tại đây không ngừng gia tăng, cũng như những tiềm năng có thể tạo thành động lực cho sự phát triển của tổ chức này.
Việt Nam vẫn được xem là lá cờ đầu của Pháp ngữ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Việt Nam cũng chính là nơi đặt văn phòng khu vực của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ OIF và Cơ quan đại học Pháp ngữ AUF.
Đầu năm 2022, Việt Nam đã đón chuyến thăm của Tổng thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo. Đây cũng là đoàn công tác xúc tiến kinh tế thứ hai trong nhiệm kỳ của Tổng thư ký Mushikiwabo. Đó là những cơ hội thuận lợi để Việt Nam có thể phát huy vai trò trong việc thúc đẩy vị thế và đóng góp của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong cộng đồng Pháp ngữ trên thế giới, qua đó tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế trên trường quốc tế.