Tham dự hội thảo có Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Umit Yardim; Nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN (nhiệm kỳ 2003-2006) Giáo sư Wilfrido Villacorta; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược kiêm quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Mesut Ozcan; các Đại sứ và đại biểu Đại sứ quán 7 nước thành viên AAC (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), cùng các chuyên gia, học giả, cán bộ Bộ Ngoại giao, đại diện một số tổ chức chính trị xã hội và sinh viên các trường đại học lớn ở Ankara.
Đại sứ Phạm Anh Tuấn (thứ 3 từ phải sang), Nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN Wilfrido Villacorta (thứ 2 từ phải sang) cùng các diễn giả và đại biểu tại Hội thảo. |
Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN nhằm trao đổi về phương hướng và các lĩnh vực hợp tác cụ thể giữa Thổ Nhĩ Kỳ và ASEAN trong giai đoạn tiếp theo sau khi Thổ Nhĩ Kỳ trở thành Đối tác đối thoại lĩnh vực của ASEAN; đồng thời góp phần tăng cường hiểu biết của sở tại về ASEAN và quan hệ ASEAN - Thổ Nhĩ Kỳ. Sau phần khai mạc, Hội thảo tiến hành hai phiên thảo luận chuyên đề về tăng cường quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - ASEAN và phương thức thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại.
Phát biểu tại hội thảo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Umit Yardim nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong các ưu tiên chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.
Ông cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã quan hệ chính thức với ASEAN từ hơn 18 năm nay, và quan hệ đó đã phát triển nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2017 đánh một dấu mốc trong quan hệ hai bên khi Thổ Nhĩ Kỳ chính thức trở thành Đối tác đối thoại lĩnh vực của ASEAN vào ngày 5/8/2017 tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 50 tại Manila, Philippines.
Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã có đại sứ quán tại 9/10 nước ASEAN (và đang xúc tiến mở đại sứ quán tại Lào); hy vọng 3 nước ASEAN còn lại (Campuchia, Lào và Myanmar) cũng sẽ sớm mở đại sứ quán tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan hệ thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và 10 nước thành viên ASEAN cũng phát triển nhanh chóng, tăng gấp 7 lần trong 40 năm qua, đạt gần 9 tỷ USD vào năm 2016. Hãng Hàng không Thổ Nhĩ Kỳ đã mở đường bay thẳng tới 6/10 nước ASEAN giúp các bên xích lại gần nhau hơn.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, Đại sứ Singapore tại Thổ Nhĩ Kỳ Selverajah A cho biết từ khi ASEAN được thành lập năm 1967 đến nay, quan hệ ASEAN-Thổ Nhĩ Kỳ và quan hệ giữa các nước thành viên ASEAN với Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển một cách nhanh chóng, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của các bên. Ông mong muốn có sự trao đổi nhiều hơn nữa về đoàn cấp cao, tăng cường hợp tác giao thương giữa các doanh nghiệp và đẩy mạnh giao lưu văn hóa, giáo dục giữa ASEAN và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đại sứ Selverajah cũng cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đến Singapore và Việt Nam tháng 8/2017 vừa qua là một minh chứng cụ thể nhất cho sự thay đổi chính sách đối ngoại đa phương hóa hướng sang châu Á - Thái Bình Dương của Thổ Nhĩ Kỳ.
Kế hoạch hành động toàn diện do Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra trong khuôn khổ Đối tác đối thoại lĩnh vực tập trung vào các lĩnh vực hợp tác công tư, thuận lợi hóa hải quan, thương mại điện tử, du lịch, dịch vụ, kỹ thuật, doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng, R&D, nông nghiệp và thú y, khai khoáng và đào tạo cán bộ ngoại giao. Nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN Wilfrido Villacorta cho rằng các nước ASEAN sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ những chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi kỹ thuật công nghệ của Thổ Nhĩ Kỳ trong các lĩnh vực nêu trên với ASEAN.
Các đại biểu tại hội thảo đều nhất trí rằng hai bên còn rất nhiều dư địa cho tăng cường hợp tác và phát triển quan hệ. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Malaysia và Singapore, đang hoàn tất đàm phán FTA với Thái Lan và đề xuất khởi động đàm phán với Việt Nam.
Đại sứ Singapore cho rằng việc đàm phán một FTA Thổ Nhĩ Kỳ - ASEAN có khả năng diễn ra trong tương lai không xa. Một học giả Nhật Bản đề cập đến tiềm năng hợp tác thiết thực giữa hai bên trong lĩnh vực doanh nghiệp khởi nghiệp. Các đại biểu cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng chia sẻ các nguyên tắc cốt lõi của ASEAN về sự đồng thuận, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào nội bộ của nhau; khẳng định ASEAN là cửa ngõ để Thổ Nhĩ Kỳ vươn xa tới châu Á - Thái Bình Dương.