Chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021. (Nguồn: Tổ quốc) |
Hội thảo Văn hóa 2022 sẽ diễn ra vào ngày 17/12 tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, kết nối với một số điểm cầu trong cả nước và phát trực tuyến trên nền tảng Internet.
Đây là hội thảo quan trọng nhằm tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tháng 11/2021.
Với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Bắc Ninh tổ chức dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và khoảng hơn 800 đại biểu tham dự.
Những nội dung quan trọng
Hội thảo là diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan và các nhà quản lý, nhà khoa học trong, ngoài nước làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn; trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa.
Với hai phiên thảo luận, hội thảo nhấn mạnh vào ba nhóm nội dung chính gồm: thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa.
Trong phiên chuyên đề, các đại biểu sẽ nghe phát biểu khai mạc của lãnh đạo Quốc hội, phát biểu đề dẫn của lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, ý kiến tham luận và thảo luận của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật, các chuyên gia về quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, về thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và những vấn đề đặt ra qua các góc nhìn khác nhau.
Trong phiên toàn thể, các đại biểu tiếp tục được nghe phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các báo cáo đánh giá về chính sách, pháp luật và nguồn lực cho phát triển văn hóa; kinh nghiệm quốc tế của một số nước và ý kiến tham luận của lãnh đạo một số địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Bàn luận các vấn đề lớn về thể chế và chính sách, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Trưởng Ban tổ chức nhấn mạnh, hội thảo kỳ vọng sẽ có những kiến nghị, đề xuất giải quyết được các vướng mắc trong thực tiễn, từ đó giúp khơi thông nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Giải quyết những “điểm nghẽn”
Khẳng định ngân sách Nhà nước đã đầu tư cho văn hóa là không nhỏ, nhưng theo ông Nguyễn Đắc Vinh, cần phải được tăng cường hơn.
Về nguồn lực tài chính, một số tham luận chuẩn bị cho hội thảo chỉ ra rằng, mặc dù nguồn lực đầu tư cho văn hóa nói chung đã tăng lên so với giai đoạn trước, song vẫn còn rất thấp so với yêu cầu thực tiễn.
Tổng hợp báo cáo của 55/63 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ chi cho các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch chỉ đạt 1,72% tổng chi ngân sách nhà nước cấp về các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn ngân sách Trung ương (bao gồm cả vốn trong nước và vốn nước ngoài) cho lĩnh vực văn hóa - thông tin chỉ chiếm 0,95% tổng kế hoạch vốn đầu tư công của cả nước.
Công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác còn hạn chế. Đáng chú ý, trong năm năm từ 2016 - 2020, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cho ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí chỉ đạt 1,26% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.
Bởi vậy, mục tiêu của hội thảo là đưa ra được những kiến nghị đối với cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế chính sách, để phát triển văn hóa đúng mục tiêu.
Về nguồn nhân lực cho văn hóa, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, đây sẽ là một trong các vấn đề lớn được thảo luận tại Hội thảo, từ đó đề xuất chính sách phù hợp.
Theo bà Trịnh Thị Thủy, việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ đang có những bất cập nhất định. Thực tế, có địa phương chưa bố trí đúng năng lực, sở trường nên chưa phát huy được vị trí, vai trò cán bộ. Đây là một trong những nội dung mà Hội thảo sẽ trao đổi, thảo luận, tìm ra giải pháp và cụ thể hóa thành chính sách lớn về công tác cán bộ làm văn hóa nhằm khắc phục các tồn tại này.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang xây dựng dự thảo nghị định về chịnh sách đặc thù cho lực lượng văn nghệ sĩ, như múa, xiếc... những lĩnh vực có tuổi nghề rất ngắn.
Thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã tích cực triển khai Kết luận của Tổng Bí thư trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, tại cuộc họp Ban chỉ đạo tổ chức hội thảo mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, một trong những điểm nghẽn lớn nhất trong triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về văn hóa mà Tổng Bí thư đã chỉ ra là “việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả”.
Vì vậy, hội thảo lần này với mong muốn tìm ra được giải pháp để thể chế hóa kịp thời đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa; đưa ra các chính sách cụ thể, khả thi, phù hợp với đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong bối cảnh mới; phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa.