Nếu bạn tự hỏi vì sao những bộ phim bom tấn của Hollywood trong những năm gần đây lại có sự tham gia của các diễn viên quốc tế với những cảnh quay tràn ngập hiệu ứng, kỹ xảo, những pha mạo hiểm và bối cảnh phim diễn ra ở nước ngoài, câu trả lời là nhằm đáp ứng thị hiếu của khán giả Trung Quốc.
Doanh thu phòng vé tại Mỹ cho những phim bom tấn kiểu này có xu hướng chững lại, nhưng tại Trung Quốc tiếp tục tăng nhanh chóng, đơn giản vì khán giả Trung Quốc thích phim Mỹ.
Thành công lớn
Theo một thỏa thuận được ký từ năm 2012, Trung Quốc chỉ cho phép tối đa 34 bộ phim nước ngoài/năm và hạn chế tỷ trọng doanh thu của phim Mỹ không vượt quá 25% tổng doanh thu phim ảnh của Trung Quốc. Tính đến tháng 11/2016, Trung Quốc sở hữu nhiều rạp chiếu phim nhất trên thế giới, vượt qua Mỹ. Tuy nhiên, thị trường màu mỡ này không được tha hồ tiếp cận khi số lượng phim Mỹ sản xuất dành cho khán giả Trung Quốc bị hạn chế và phải qua kiểm duyệt. Thoả thuận nói trên đạt được sau khi WTO lên tiếng về những hành vi thiếu công bằng của Trung Quốc trong kinh doanh phim ảnh.
Khán giả Trung Quốc yêu thích những bộ phim hành động Mỹ. (Nguồn: Los Angeles Times) |
Bất chấp những hạn chế này, các bộ phim của Mỹ vẫn liên tục gặt hái nhiều thành công ở thị trường Trung Quốc, mặc dù một vài phim trong số này không được đón nhận nồng nhiệt tại thị trường Mỹ như Warcraft (2015), Resident Evil: The Final Chapter and xXx: The Return of Xander Cage (2017). Câu chuyện thành công nhất mới đây là phim The Fate of the Furious (2017) khi đã chinh phục được khán giả ở cả Mỹ và Trung Quốc. Là phần thứ 8 trong loạt phim nhượng quyền The Fast and the Furious, The Fate of the Furious đã lập kỷ lục mới về doanh thu phòng vé sau một tuần công chiếu ở Trung Quốc với 192 triệu USD, so với 100,2 triệu USD tại thị trường Bắc Mỹ.
Điều mà Hollywood nhận ra là khán giả Trung Quốc yêu thích những bộ phim hành động, có kỹ xảo, hiệu ứng đặc biệt hơn là những bộ phim tuyên truyền văn hóa dân tộc tẻ nhạt. Có thể kể đến là phim Vạn Lý Trường Thành (2016), một sản phẩm hợp tác điện ảnh của hai nước với sự tham gia của ngôi sao Matt Damon, đã thất bại thảm hại ở cả thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Lợi ích cho khán giả
Nhu cầu xem phim Mỹ tại Trung Quốc ngày một tăng là lý do tại sao Mỹ đang muốn thương thảo lại hạn ngạch phim tại quốc gia châu Á này. Mỹ đang có cơ hội tốt để yêu cầu nới lỏng quy định kiểm duyệt của Trung Quốc với các nhà làm phim Mỹ. Theo giới làm phim, Mỹ cần nhấn mạnh việc loại bỏ hoặc ít nhất là mở rộng hạn ngạch phim Mỹ tại Trung Quốc hiện nay, đồng thời lưu ý đàm phán lại các trường hợp phim được sản xuất bởi các công ty ở Mỹ nhưng thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Quốc có thể bị tính vào hạn ngạch.
Đổi lại, Mỹ cũng nên hoan nghênh việc Trung Quốc tham gia vào hoạt động sản xuất phim cho thị trường Mỹ. Dựa vào khả năng của mình, các nhà làm phim Trung Quốc có thể sản xuất nhiều bộ phim có chất lượng và tự do đưa vào thị trường Mỹ mà không bị kiểm duyệt từ chính quyền hoặc bất cứ ai khác.
Thung lũng Silicon và cộng đồng công nghệ Mỹ đã từng rút ra bài học từ việc đàm phán tiếp cận thị trường Trung Quốc, trong khi vẫn phải đáp ứng các yêu cầu kiểm duyệt từ Chính phủ nước này. Theo đó, giới chuyên gia cho rằng Mỹ nên cẩn trọng trước khi đồng ý với bất cứ thỏa thuận nào có thể làm giảm các giá trị Mỹ trong phim. Đồng thời, Mỹ nên đa dạng hơn nữa nội dung của các bộ phim dành cho khán giả Trung Quốc.
Ông Chris Dodd - Thượng nghị sĩ bang Connecticut, Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Mỹ - từng đề cập đến điều này tại Liên hoan phim Quốc tế Bắc Kinh hồi tháng 4 vừa qua: "Khán giả Trung Quốc rất tinh tế, họ đánh giá cao sự đa dạng trong phim. Họ chào đón nhiều sản phẩm điện ảnh đến với đất nước họ, thách thức suy nghĩ của họ, truyền cảm hứng cho họ”.
Giờ đây, khi khán giả Trung Quốc ngày càng thích xem những bộ phim do Mỹ sản xuất, nền điện ảnh Mỹ cũng nên đảm bảo rằng khán giả ở đất nước Vạn Lý Trường Thành cũng có thể được xem những tác phẩm chất lượng ngày càng tốt hơn, giới chuyên gia nhận định.