Tham dự buổi lễ có bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Israel tại Việt Nam; bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam; Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược – Học viện Ngoại giao; đại diện các Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội cùng đông đảo sinh viên Học viện Ngoại giao.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn cho biết đây là lần thứ hai Lễ tưởng niệm nạn nhân diệt chủng Do Thái (Holocaust) được tổ chức tại Hà Nội, đồng thời là dấu mốc tròn 10 năm chương trình tưởng niệm nạn nhân diệt chủng Do Thái được LHQ triển khai trên toàn thế giới.
Ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, lễ tưởng niệm không chỉ là sự kiện quan trọng đối với riêng người Do Thái mà cho tất cả mọi người trên thế giới. Ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế chứng kiến hàng loạt vụ tấn công khủng bố gần đây, tiêu biểu là vụ xả súng tại tòa báo Charlie Hebdo (Pháp), những bài học về xung đột văn hóa, sắc tộc vẫn còn nguyên giá trị.
Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc buổi lễ tưởng niệm. |
Đại diện của LHQ tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta đã ôn lại những ký ức đau buồn cách đây 70 năm, khi hàng triệu người Do Thái bị sát hại trong những trại tập trung của Đức Quốc Xã. Bà Pratibha Mehta nhấn mạnh, thông qua việc tưởng niệm các nạn nhân diệt chủng Do Thái (Holocaust), LHQ muốn chuyển tải một thông điệp về sự tôn trọng các quyền cơ bản của con người.
Bên cạnh đó, bà Pratibha Mehta cho rằng, trong bối cảnh bạo lực, xung đột sắc tộc đang diễn ra tại nhiều khu vực, người dân các nước cần nuôi dưỡng lòng khoan dung và tôn trọng lẫn nhau.
Bà Pratibha Metha phát biểu tại lễ tưởng niệm. |
Về phần mình, Đại sứ Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar nhắc lại sự kiện lịch sử diễn ra cách đây đúng 70 năm, khi trại tập trung Auschwitz được giải phóng vào ngày 27/1/1945. Auschwitz là trại tập trung lớn nhất, biểu tượng của “Giải pháp cuối cùng” – kế hoạch diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc Xã.
“Hôm nay là một ngày đầy cảm xúc. Chúng tôi khóc thương từng thành phố, từng làng xã, từng gia đình, từng cá nhân. Chúng tôi tiếc thương cho sự mất mát lớn lao của thế giới này: 6 triệu người đã bị sát hại bởi thế lực tội ác và thù hận”, bà Shahar nói.
Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, từ “đáy sâu của tội ác” trong lịch sử, thế hệ hôm nay và mai sau phải nhận thức được sự nguy hiểm của hận thù, đồng thời tôn trọng lẫn nhau, chúng tay bảo vệ quyền tự do, quyền được sống trong hòa bình.
Năm 1935, luật Nuremberg được Đức Quốc Xã ban hành đã tước bỏ quyền công dân và tất cả các quyền dân sự cơ bản của người Do Thái, mở đầu cho các cuộc thảm sát từ năm 1938 kéo dài đến đầu năm 1945, khiến khoảng 6 triệu người Do Thái thiệt mạng ở nhiều nước châu Âu. Năm 2005, LHQ đã ra Nghị quyết số 60/7 lấy ngày 27/1 hằng năm là Ngày quốc tế tưởng niệm về nạn diệt chủng Do Thái (Holocaust). Lễ tưởng niệm đã trở thành một sự kiện thường niên, có tính chất tiếp nối và lâu dài của Đại sứ quán Israel tại Việt Nam. Trước đó, vào sáng ngày 23/1, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam đã tổ chức buổi đối thoại trực tuyến trên Facebook về chủ đề Holocaust với sự tham gia của Đại sứ Meirav Eilon Shahar. Ngày 26/1, tại trường quốc tế Anh – Việt (Hà Nội), Đại sứ Meirav Eilon Shahar cũng có buổi nói chuyện về Holocaust trước toàn thể giáo viên và học sinh từ lớp 6 tới lớp 10 của trường. |
Quang Chinh