📞

Hơn 40 doanh nghiệp Việt tham dự Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam-Trung Quốc

Chu An 18:52 | 28/08/2020
TGVN. Đây là một trong những hoạt động ngoại giao kinh tế, xúc tiến thương mại mà Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải chủ động thúc đẩy nhằm thực hiện chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ.
Các đại biểu tham dự Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam-Trung Quốc

Trong các ngày 24, 25 và 28/8, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải, Trung Quốc đã phối hợp với Ủy ban Thương hiệu tư nhân Thượng Hải thuộc Hiệp hội Cấp phép thương hiệu Thượng Hải (PLSC), Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam (VIETTRADE), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến cho các doanh nghiệp Việt-Trung và giao lưu trực tuyến giữa các cơ quan chức năng hai bên.

Đây là một trong những hoạt động ngoại giao kinh tế, xúc tiến thương mại mà Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải chủ động thúc đẩy nhằm thực hiện chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, cũng như Kế hoạch hành động Ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao giai đoạn 2020-2022, trong đó coi trọng các giải pháp thực chất, khả thi, mang lại hiệu quả tức thì và trực tiếp cho quá trình phục hồi kinh tế hậu dịch.

Về phía sở tại, PLSC cho biết họ lựa chọn các đối tác Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Sri Lanka để tổ chức giao thương trực tuyến lần này với mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ, nhập khẩu Trung Quốc tìm được nguồn cung chất lượng trong khi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp; giúp các công ty nước ngoài mở rộng kênh xuất khẩu hàng hóa.

Hoạt động giao thương trực tuyến trong hai ngày 24 và 25/8 thu hút 15 tập đoàn, doanh nghiệp thương mại ngành bán lẻ quy mô lớn, có uy tín của Trung Quốc và gần 400 nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài, trong đó có hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam. Hoạt động này là nền tảng hữu hiệu để các doanh nghiệp Việt Nam đàm phán, hướng tới ký hợp đồng hợp tác mua bán cụ thể, giới thiệu những sản phẩm chất lượng cao, có ưu thế của mình tới thị trường bán lẻ hấp dẫn của Trung Quốc. Các mặt hàng được chú trọng phân phối đợt này tương đối phong phú, từ thực phẩm, hàng tiêu dùng hàng ngày tới sản phẩm cho bà mẹ và trẻ em, thực phẩm tươi sống, thủy hải sản...

Để tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác, sáng 28/8, Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam-Trung Quốc (Thượng Hải) được tổ chức với sự tham gia của PLSC, VIETTRADE, VASEP, đại diện Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải và các doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam.

Tại Hội nghị, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại nhấn mạnh, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại vẫn còn nhiều dư địa còn bỏ ngỏ, cần tiếp tục khai thác; trong tình hình mới, việc tổ chức giao thương trực tuyến là sáng kiến tốt, mang lại cơ hội tiêu thụ nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng… của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Ông bày tỏ hy vọng các cơ quan, hiệp hội hai bên tiếp tục phát huy vai trò, nghiên cứu cộng tác tổ chức các hội thảo trực tuyến chuyên sâu, hữu ích, giúp doanh nghiệp hai bên vững vàng vượt qua khó khăn.

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Thượng Hải khẳng định, thị trường hàng tiêu dùng, nông sản, thực phẩm của khu vực Hoa Đông Trung Quốc có tiềm năng rất lớn, là đầu ra ổn định cho các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt là cà phê, chế phẩm sữa, hoa quả, thủy sản như cá basa, tôm sú… Tổng Lãnh sự quán luôn chủ động thúc đẩy các cơ hội hợp tác và sẵn sàng hỗ trợ các ban ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại địa bàn, ký kết các thỏa thuận hợp tác, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, Trung Quốc vẫn là một trong 4 thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam, từ năm 2017, chủ lực là tôm và cá tra; lượng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc 6 tháng đầu năm giảm nhẹ hơn so với các thị trường hàng đầu khác do từ quý II, Trung Quốc đã khống chế được dịch bệnh đi trước các nước khác. Do Trung Quốc là một thị trường tiềm năng với lợi thế như văn hóa, khoảng cách địa lý, thói quen ẩm thực,… việc mở rộng thị trường Trung Quốc được VASEP đặt ưu tiên với mục tiêu giảm bớt mua bán qua biên mậu, xuất khẩu chính ngạch, cung ứng cho các kênh phân phối bán lẻ uy tín của Trung Quốc để từng bước xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam tại thị trường này.

Ông La Cương, Phó Tổng Thư ký Ủy ban Thương hiệu tư nhân Thượng Hải cho biết, nhiều năm qua, Ủy ban với hơn 500 doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ thành viên trên toàn quốc đã kiên trì thúc đẩy việc đưa các sản phẩm, hàng hóa chất lượng của nước ngoài vào thị trường Trung Quốc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thay vì mời các doanh nghiệp nước ngoài đến Trung Quốc, Ủy ban chủ trương tổ chức các hoạt động giao thương trực tuyến, trong đó chú trọng khai thác nguồn hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Đại diện Ủy ban Thương hiệu tư nhân Thượng Hả bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng và các hiệp hội ngành nghề Việt Nam tiếp tục hợp tác, tìm kiếm thêm nhiều giải pháp tăng cường thương mại song phương, ứng dụng công nghệ trong giao lưu kết nối.

Tại Hội nghị, các công ty Việt Nam và nhà nhập khẩu Trung Quốc đã có cơ hội đi sâu trao đổi các vấn đề cụ thể, tìm hiểu nhu cầu xuất nhập khẩu của nhau và kết nối trực tiếp, hướng tới hoạt động hợp tác thiết thực trong thời gian tới.

(theo Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải)