Phát biểu trên trang tin tức Al-Borsa, Giám đốc Cơ quan Hồi hương cổ vật thuộc Bộ Khảo cổ Ai Cập Shaaban Abdel Gawad cho biết, 340 hiện vật vừa được đưa trở lại Cairo từ Jordan, thông qua Đại sứ quán Ai Cập tại Amman. Trong khi đó, các cơ quan hữu quan Ai Cập cũng đã đưa về nước 40 hiện vật từ Thụy Sỹ, 17 từ Australia, 44 từ Anh và 70 từ Pháp, Bỉ và Israel.
Nắp quan tài được Israel trả lại cho Ai Cập. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Israel) |
Theo ông Gawad, Bộ Cổ vật Ai Cập đã lên kế hoạch ký kết các thỏa thuận hồi hương các hiện vật cổ quý hiếm với các nước thuộc Liên minh châu Âu, cũng như với các quốc gia có chung biên giới với Ai Cập như Libya, Sudan, Jordan và Saudi Arabia.
Các thỏa thuận song phương trực tiếp giữa các nước sẽ có tính ràng buộc pháp lý cao hơn so với thỏa thuận của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) được ký vào năm 1970, liên quan tới việc cấm nhập khẩu trái phép và xuất khẩu các di sản khảo cổ học và văn hóa. Thỏa thuận này của UNESCO không quy định rõ quyền của các quốc gia được phép yêu cầu thu hồi hiện vật cổ vốn đã bị đưa ra khỏi lãnh thổ từ trước năm 1970.
Trong tuần trước, Ai Cập và Mỹ đã ký kết một thỏa thuận song phương về bảo vệ tài sản văn hóa và hạn chế việc buôn lậu cổ vật của Ai Cập. Đây là thỏa thuận đầu tiên giữa hai nước liên quan tới lĩnh vực bảo tồn di sản khảo cổ học và văn hóa.
Theo thỏa thuận này, Mỹ sẽ cấm nhập khẩu các đồ tạo tác của Ai Cập có niên đại từ thời kỳ giữa năm 5.200 trước Công nguyên tới năm 1.571 sau Công nguyên. Tháng Tư năm ngoái, Ai Cập đã chào đón sự trở về của 123 đồ vật từ thời cổ đại được hồi hương từ Mỹ. Trước đó, Cơ quan thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) đã trả lại cho Ai Cập hơn 80 hiện vật trong 4 lần bàn giao kể từ năm 2007.