Hơn 7 triệu liều vaccine cho trẻ em sẽ về Việt Nam trong tháng 4. (Nguồn: TTXVN) |
Lô sớm nhất gồm gần 1 triệu liều, dự kiến về Việt Nam vào ngày 9/4. Lô thứ hai khoảng hơn 2 triệu liều, được cung ứng vào ngày 13/4. Lô thứ ba hơn 4 triệu liều, dự kiến về trước ngày 18/4. Các lô vaccine này đều do Chính phủ Australia viện trợ Việt Nam.
Thứ trưởng Tuyên thông tin, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước hiện đã có nhiều thay đổi. Việt Nam đã phát hiện biến chủng Omicron và chuyển đổi chiến lược từ phòng chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả Covid-19. Nguồn lây nhiễm trong cộng đồng luôn tồn tại, tỷ lệ mắc Covid-19, số ca nhiễm trong nhóm trẻ đi học tăng cao dẫn đến số lượng người có miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng liên tục tăng.
Vì vậy, Bộ Y tế cân đối số lượng vaccine viện trợ và mua để đảm bảo nhu cầu tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Sau khi vaccine này về tới Việt Nam và hoàn thành kiểm định, Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay cho các địa phương để triển khai việc tiêm chủng.
Theo kế hoạch của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng, trong chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi triển khai tới đây, các địa phương tổ chức tiêm cuốn chiếu theo trường, địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng.
Trẻ được tiêm miễn phí, tại các cơ sở cố định, điểm tiêm lưu động và trường học. Cha mẹ, người giám hộ ký phiếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ. Trẻ từ 11 tuổi sẽ tiêm trước, sau đó hạ thấp dần độ tuổi.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, Việt Nam sử dụng 2 loại vaccine Covid-19 trong chiến dịch tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, bao gồm vaccine của Pfizer và Moderna. Cụ thể, Bộ Y tế sẽ cho phép sử dụng vaccine Covid-19 của Moderna cho trẻ em từ 6-11 tuổi. Vaccine do Pfizer sản xuất sẽ được tiêm cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi.
Khi tiêm vaccine Moderna, trẻ có thể gặp một số phản ứng, trong đó phản ứng rất thường gặp bao gồm triệu chứng sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác ở cổ, ở trên xương đòn; đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp,đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm.
Phản ứng thường gặp như tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm. Phản ứng ít gặp như chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm. Phản ứng hiếm gặp như giảm cảm giác, sưng mặt ở người có tiền sử tiêm chất làm đầy da.
Phản ứng rất hiếm gặp gồm viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Phản ứng phản vệ, quá mẫn, đau bụng ghi nhận tần xuất không xác định. Các chuyên gia cũng cảnh báo, một số biểu hiện bất thường như như kích thích vật vã, khó thở, đau ngực, mệt mỏi, vã mồ hôi, tay chân lạnh có thể là các chỉ điểm rất sớm cho tình trạng viêm cơ tim ở trẻ.
Với vaccine Pfizer, trẻ có thể gặp các phản ứng rất thường gặp sau tiêm (có tần suất cao hơn khi tiêm liều thứ 2) như đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt.
Các phản ứng thường gặp khác như buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm. Phản ứng ít gặp hơn gồm nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm. Riêng phản ứng gây viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim rất hiếm gặp (thấp hơn 1/10.000).
PGS Hồng khuyến cáo, tuyệt đối không tiêm trộn vaccine mRNA Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mà chỉ dùng 1 loại vắc xin cho cả 2 mũi (có nghĩa trẻ đã tiêm mũi 1 Pfizer sẽ chỉ tiêm mũi 2 của Pfizer).