Hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (Dow Việt Nam), Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam tổ chức, nhằm đánh giá các kết quả hợp tác đã đạt được sau hai năm kể từ khi ký kết Biên bản ghi nhớ về Hợp tác công - tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.
Ô nhiễm nhựa là một thách thức lớn với thế giới nói chung và từng quốc gia nói riêng. Lượng rác thải nhựa quá cao gây ra gánh nặng với môi trường, đặc biệt với các quốc gia đang phát triển và có hệ thống quản lý chất thải rắn chưa hoàn thiện như Việt Nam. Trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới.
Hội thảo “Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam” ngày 28/2. (Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường) |
Ngày 19/2, Bộ Tài nguyên và Môi trường và 3 doanh nghiệp Dow Việt Nam, Tập đoàn SCG và Unilever Việt Nam đã tiên phong đề xuất sáng kiến Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa (Hợp tác công tư quản lý rác thải nhựa) nhằm mục tiêu đưa rác thải nhựa vào kinh tế tuần hoàn và quản lý vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, thông qua chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên quy mô toàn quốc.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng trong suốt 2 năm qua, Hợp tác công tư quản lý rác thải nhựa đã triển khai các hoạt động thiết thực bám sát 4 nhiệm vụ trọng tâm và đạt được những thành quả tích cực.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết: “Việc thành lập và phát triển nhóm Hợp tác công - tư tạo ra sức mạnh tổng hợp, thiết lập một mô hình hợp tác cùng nhau giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay tại Việt Nam. Đây là một diễn đàn thiết thực giúp Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các sáng kiến, thảo luận mang tính thực tiễn cao, đồng thời nắm bắt được các vướng mắc, khó khăn mà khối tư nhân đang gặp phải để hỗ trợ và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật”.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam, hợp tác công tư quản lý rác thải nhựa là giải pháp cấp thiết và mang tính thực tiễn cao trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam, hướng đến một Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường, từ đó góp phần hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng về ‘0’ vào giữa thế kỷ của Chính phủ tại Hội nghị Khí hậu COP26 tại Glasgow.
"Chúng tôi mong muốn khối hợp tác sẽ không chỉ dừng lại ở những đơn vị sáng lập, mà sẽ ngày càng mở rộng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa với sự tham gia của thêm nhiều tổ chức, doanh nghiệp có cùng tầm nhìn trên toàn quốc để cùng tạo nên sức mạnh tổng hòa công – tư và đạt được những kết quả có sức ảnh hưởng sâu và rộng trên toàn xã hội", bà Vân khẳng định.
Ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng Giám đốc Dow Việt Nam chia sẻ, Dow rất vui mừng khi thấy ngày càng nhiều các bên liên quan cùng chung tay thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Là công ty khoa học vật liệu và cung cấp giải pháp, Dow sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức liên quan để loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi môi trường và phát minh các giải pháp khoa học và công nghệ để trực tiếp giải quyết cả vấn đề biến đổi khí hậu và rác thải nhựa”.
Còn theo ông Thanapat Kaweetraiphop - Giám đốc Thương mại - Công ty TNHH Hoá dầu Long Sơn trực thuộc SCG, hợp tác công tư quản lý rác thải nhựa đã làm việc để tìm ra các giải pháp cho các dự án thí điểm liên quan đến quản lý rác thải nhựa tại Hà Nội, Cần Thơ và Bà Rịa Vũng Tàu, phù hợp với bối cảnh từng địa phương và có thể duy trì lâu dài.
"Để mở rộng khuôn khổ và quy mô sang các lĩnh vực khác, chúng ta cần sự hỗ trợ và hợp tác liên tục từ các cấp chính phủ và các đối tác trong chuỗi quản lý rác thải nhựa để xây dựng Kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững”, ông Thanapat Kaweetraiphop khuyến nghị.
| Indonesia tuyên chiến với rác thải nhựa Bộ phim tài liệu Pulau Plastik, do Visinema Pictures, Kopernik, Akarumput và Watchdoc thực hiện, đã phơi bày tình trạng ô nhiễm ở quần đảo ... |
| 5 dòng sông đổ nhiều rác thải nhựa ra đại dương nhất thế giới Theo nghiên cứu của tổ chức The Ocean Cleanup, các con sông ở châu Á đổ nhiều rác thải nhựa ra đại dương nhất so ... |