Có thể nói, các tỉnh miền Trung có ưu thế là vùng kinh tế trọng điểm, cầu nối giữa hai miền Nam Bắc có vị trí chiến lược tại khu vực các nước Đông Nam Á lục địa, nơi hành lang kinh tế Đông Tây đi qua nên tiềm năng phát triển rất lớn. Hoa Kỳ lại là đối tác lớn của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Làm thế nào để kết nối được nhu cầu và lợi ích của cả hai bên. Làm sao để giải bài toán dựa vào đối ngoại để đem lại hiệu quả phát triển bền vững cho Vùng, hướng đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Các đại biểu tại "Gặp gỡ Hoa Kỳ". (Ảnh: Nguyên Hồng) |
“Bám đuổi” cho đến thành công
Tại Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, mỗi địa phương trong Vùng đều có “đặc sản” riêng. Thêm vào đó, với lợi thế của nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới, đây là khu vực sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư và khách du lịch.
Hầu hết các tỉnh đều đang bước vào quá trình công nghiệp hóa, đặc biệt là phát triển cơ cấu nông lâm ngư nghiệp và thủy sản, khai thác thế mạnh giáp biển, có cảng và đất đai phì nhiêu. Có địa phương nơi đây phát triển được cây công nghiệp có giá trị như cà phê, hồ tiêu dược liệu quý hiếm… Phần lớn các tỉnh miền Trung vừa có tiềm năng cảng nước sâu, vừa có cảng hàng không quốc tế có thể chú trọng phát triển ngành công nghiệp logistic, hoặc xây dựng cảng kết nối toàn bộ miền Trung Việt Nam với các nước láng giềng xung quanh. Đặc biệt, Các tỉnh miền Trung mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển cơ sở hạ tầng nhưng đây cũng lại là cơ hội lớn để thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế địa phương.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao đổi với đại biểu (Ảnh Nguyễn Hồng) |
Theo Thứ trưởng, tại Hội nghị “Gặp gỡ Hoa Kỳ 2018”, những buổi tiếp xúc gặp gỡ bên lề giữa địa phương và doanh nghiệp sẽ tạo ra nền tảng cơ sở, mở ra những cơ hội cho doanh nghiệp làm việc trực tiếp với tỉnh, từ đó triển khai hoạt động kinh doanh đầu tư, hiệu quả.
Với tư cách hỗ trợ, giúp đỡ địa phương kết nối với đối tác các nước ngoài, lần này, Bộ Ngoại giao đã nỗ lực làm việc với các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán, cơ quan phát triển của Mỹ, đặc biệt là với doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam. Đó là lý do tại sao có hơn 70 doanh nghiệp Hoa Kỳ đã ở đây, với kỳ vọng tìm thấy sự phù hợp giữa nhu cầu của mình với thế mạnh của một địa phương thuộc khu vực miền Trung Việt Nam. Đồng thời, đây là cơ hội giúp các tỉnh miền Trung giới thiệu, quảng bá, đồng thời kết nối với các đối tác là cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp Hoa Kỳ.
“Địa phương phải thể hiện được quyết tâm của mình, giới thiệu tiềm năng, quyết tâm cải cách hành chính tạo môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nói chung, cả Việt Nam, quốc tế trong đó có Hoa Kỳ có môi trường thuận lợi để hoạt động”, Thứ trưởng khẳng định. Ông cũng cho rằng, song song với những việc đó là phải tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi. Khi hiểu được mong muốn của doanh nghiệp đầu tư, địa phương cần bám đuổi, theo sát để kết nối doanh nghiệp nhằm đi đến những dự án hợp tác cụ thể. Trong thời gian tới, để làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Ngoại giao vẫn sẽ là cơ quan tổ chức những hội nghị để doanh nghiệp, địa phương gắn kết, tiếp xúc được với nhau. Tuy nhiên, địa phương cần chủ động theo sát để thúc đẩy thì mới có thể thành công, Thứ trưởng chia sẻ với TG&VN.
Tìm ra mẫu số chung về lợi ích
Với kinh nghiệm tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ hợp tác với các đối tác nước ngoài, Cục trưởng Cục Ngoại vụ địa phương Nguyễn Hoàng Long cho hay công tác chuẩn bị cho hội nghị được triển khai từ cuối năm ngoái. Đây là mô hình gặp gỡ và tọa đàm với các đối tác nước ngoài (giống như Gặp gỡ Hàn Quốc, Nhật Bản năm 2017) nhưng dành cho các khu vực liên kết kinh tế, trong khuôn khổ những sự kiện trong ngoại giao hai nước nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác trong lĩnh vực kinh tế đầu tư, giáo dục văn hóa du lịch
Ông cho rằng đối tác Hoa Kỳ khác với một số doanh nghiệp nước ngoài khác bởi họ khá khó tính, những lĩnh vực đầu tư của Hoa Kỳ cũng là những lĩnh vực đầu tư hiện đại, tiên tiến và theo xu thế của hiện đại. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang ở mức độ phát triển trung bình thấp. Do đó, để có thể kết nối các doanh nghiệp Hoa Kỳ với các địa phương Việt Nam cũng là cả một quá trình để hai bên tìm hiểu kỹ có sự kết nối hợp lý. Các hoạt động xúc tiến, kết nối như thế này sẽ luôn cần thiết. Hơn thế nữa, sau khi có sự kết nối, ông Long khẳng định sự chủ động, sáng tạo của địa phương mới là vai trò quyết định sự thành công của các dự án thuộc địa phương ấy.
Trên hết, tìm ra mẫu số chung vừa đáp ứng được nhu cầu, lợi ích của nhóm doanh nghiệp Hoa Kỳ lại phù hợp với tiềm năng phát triển địa phương sẽ rất khó nhưng là cơ hội vô cùng “mở” và có khả năng tạo ra nhiều kết quả tích cực.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hiện có các di sản được UNESCO công nhận như sau: - 04 di sản văn hóa và thiên nhiên: Quần thể di tích Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Di tích Mỹ Sơn; Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. - 02 di sản văn hóa phi vật thể: Nhã nhạc cung đình Huế, Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam. - 03 di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế. - 01 Khu dự trữ sinh quyển thế giới: Cù Lao Chàm. |