Nhận định vừa được đưa ra trong Báo cáo Tổng hợp kinh tế châu Á 2018 (AEIR) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Theo đó, Báo cáo cho rằng, hành động tập thể nhằm xây dựng hàng hóa công khu vực sẽ mang tới những lợi ích lớn hơn so với khi các quốc gia hành động một mình để giải quyết những vấn đề có tác động tới cả các nước láng giềng.
Hàng hóa công khu vực là những hàng hóa, dịch vụ và hệ thống chính sách hoặc quy định giúp mang lại lợi ích chung giữa các quốc gia, như cơ sở hạ tầng xuyên biên giới, kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, và quản lý rủi ro thiên tai.
Trưởng Ban Kinh tế của ADB, ông Yasuyuki Sawada chia sẻ: “Tăng cường hợp tác và phối hợp hành động trong khu vực có thể giúp các quốc gia xử lý các vấn đề khu vực, nhất là khi chúng bổ sung cho các hành động ở phạm vi quốc gia và toàn cầu. Các ngân hàng phát triển đa phương có thể giúp gia tăng hàng hóa công khu vực bằng cách thu hẹp khoảng cách về tri thức và tài trợ, cũng như thúc đẩy đối thoại chính sách thường xuyên phục vụ cho hợp tác lâu dài giữa các quốc gia”.
Báo cáo đã chỉ ra một số nỗ lực ở châu Á nhằm thiết lập và tăng cường hàng hóa công khu vực. Ví dụ, cam kết năm 2014 của 18 nhà lãnh đạo châu Á về xóa sổ bệnh sốt rét vào năm 2030 đã thúc đẩy các nước phối hợp với nhau để đạt được mục tiêu này vì lợi ích của toàn khu vực; dự án Bảo vệ sức khỏe Tiểu vùng Mekong mở rộng nhằm giúp kiểm soát các bệnh lây truyền trong những vùng biên giới tại khu vực Mekong; một số chương trình tạo thuận lợi thương mại giữa các quốc gia thuộc khu vực Hợp tác Kinh tế vùng Trung Á giúp đẩy mạnh thương mại trong khu vực, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thương mại nội khối của châu Á, tính theo giá trị, đã tăng từ 57,2% tổng giá trị thương mại toàn cầu vào năm 2016 lên 57,8% trong năm 2017. (Nguồn: Bloomberg) |
Theo ADB, thương mại nội khối của châu Á, tính theo giá trị, đã tăng từ 57,2% tổng giá trị thương mại toàn cầu vào năm 2016 lên 57,8% trong năm 2017. Sự phục hồi của thương mại khu vực có thể là do sự mở rộng của chuỗi giá trị toàn cầu sau đợt sụt giảm kể từ năm 2012. Đầu tư trực tiếp nước ngoài nội khối cũng tăng nhẹ, từ 254,7 tỉ USD vào năm 2016 lên 260 tỉ USD năm 2017.
Báo cáo cho rằng, mối quan hệ gắn kết về thương mại và đầu tư đang gia tăng ở châu Á và Thái Bình Dương có thể là tầng đệm giúp khu vực chống đỡ trước những sự bấp bênh trong nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng cảnh báo, sự bấp bênh về chính sách thương mại trong tương lai có thể ảnh hưởng tới sự phục hồi thương mại khu vực và toàn cầu, cũng như tác động tới tâm lý của người tiêu dùng và lòng tin của doanh nghiệp đối với chi tiêu và đầu tư vốn.
Bên cạnh đó, đại diện của ADB cũng lưu ý, quá trình hội nhập khu vực ở châu Á và Thái Bình Dương, được đo lường bằng “Chỉ số hợp tác và hội nhập khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ARCII” đã tăng nhẹ từ 0,525 (năm 2015) lên 0,530 (năm 2016) với những tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Chính xác hơn, chỉ số này là sự kết hợp của 6 chỉ số phụ đo lường thương mại và đầu tư, tiền tệ và tài chính, chuỗi giá trị khu vực, cơ sở hạ tầng và kết nối, chuyển dịch nhân khẩu, và hội nhập thể chế và xã hội.