Lớp học trực tuyến (KF Global e-School) do Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: Korea Foundation) |
Đây là sự kiện mở đầu cho khóa học trực tuyến về “Chính sách công Hàn Quốc” bằng tiếng Anh do Trường Đại học Sookmyung Hàn Quốc cung cấp trong học kỳ II năm học 2014-2015 dành cho 26 sinh viên chuyên ngành Quan hệ Quốc tế đã trải qua 2 vòng xét tuyển của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Nhận thấy nhiều trường Đại học tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc giảng dạy do thiếu chuyên gia về ngành Hàn Quốc học nên Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc đã hỗ trợ tổ chức đào tạo trực tuyến (KF Global e-School) tại 4 trường đại học từ năm 2014 và con số này tăng lên là 7 trường trong năm 2015.
Các khóa đào tạo trực tuyến về lịch sử, văn hóa xã hội, kinh tế chính trị Hàn Quốc do các trường Đại học Seoul, Đại học Chung Ang, Đại học Sookmyung của Hàn Quốc lần này dành cho 7 trường đại học tại Việt Nam là sự trợ giúp to lớn dành cho các trường đại học Việt Nam còn thiếu giảng viên trình độ cao trong lĩnh vực Hàn Quốc học.
Các khóa học trực tuyến mới được bổ sung trong năm 2015 là: “Chính sách công Hàn Quốc” (Học viện Báo chí và Tuyên truyền liên kết với Đại học Sookmyung), “Xã hội Hàn Quốc” (Trường Đại học KHXH&NV-ĐHQG TP Hồ Chí Minh thực hiện cùng Đại học Chung Ang), “Xã hội và Văn hóa Hàn Quốc hiện đại” (Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học Chung Ang cùng tổ chức).
Lớp học được thực hiện theo hình thức trực tuyến (online) thông qua mạng lưới kết nối và có sự tương tác giữa giảng viên Hàn Quốc và sinh viên Việt Nam với phần thảo luận, hỏi đáp. Giảng viên sẽ đến thăm và trực tiếp giảng bài trong thời gian nhất định để bổ sung cho những mặt còn hạn chế của lớp học trực tuyến (online). Cùng với sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại Việt Nam, hình thức đào tạo sử dụng mạng lưới trực tuyến cung cấp bài giảng Hàn Quốc học hứa hẹn sẽ được nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới.
Thu Cúc