📞

Hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ

Nguyễn Hồng Thao 08:04 | 30/11/2021
Baoquocte.vn. Sau sáu vòng đàm phán, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định hợp tác nghề cá cùng ngày với Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, ngày 25/12/2000.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc kiểm tra tàu cá khai thác trên Vịnh Bắc Bộ. (Nguồn: biendao24h)

Vịnh Bắc Bộ là vịnh chung giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hai bên đã ký Hiệp định hợp tác nghề cá năm 1961 và 1963. Tuy nhiên do quan hệ xấu đi từ sau năm 1979 nên các tranh chấp nghề cá trong Vịnh ngày càng gay gắt.

Để giải quyết vấn đề, từ tháng 5 đến tháng 12/2000, hai bên tiến hành đàm phán về nghề cá song song và độc lập với đàm phán phân định.

Khi hiệp định phân định có hiệu lực, các tàu cá hai nước sẽ không thể đánh bắt tự do như trước. Khả năng một bộ phận lớn ngư dân Trung Quốc sẽ phải chuyển đổi nghề, tạo áp lực xã hội lớn và những khó khăn nhất định cho chính phủ Trung Quốc trong việc sắp xếp công ăn việc làm cho ngư dân.

Ngược lại, tại khu vực cửa sông Bắc Luân, tàu cá thô sơ của Việt Nam, không được trang bị thiết bị hàng hải, dễ đi lạc sang vùng nước Trung Quốc.

Ba vùng đánh bắt cá

Tính đến quan hệ hai nước, trên cơ sở phần IV và X của Công ước 1982, sau sáu vòng đàm phán, hai bên đã ký Hiệp định hợp tác nghề cá cùng ngày với Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, ngày 25/12/2000. Hai bên đồng ý thiết lập ba vùng đánh bắt cá trong Vịnh Bắc Bộ với các quy chế pháp lý khác nhau.

1. Vùng đánh cá chung nằm dưới vĩ tuyến 200 Bắc và có bề rộng 28 - 30,5 hải lý tính từ đường phân định ra hai bên.

Vùng đánh cá chung có tổng diện tích là 33.500 km2, chiếm khoảng 27,9% diện tích vịnh. Thời hạn vùng đánh cá chung có hiệu lực là 12 năm và ba năm mặc nhiên gia hạn. Hết thời hạn này, hai bên có thể tiếp tục hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ thông qua hiệp thương hữu nghị.

Để điều hành hoạt động đánh cá chung, một Uỷ ban liên hợp nghề cá được thành lập. Trong vùng đánh cá chung, hai bên cam kết hợp tác lâu dài trên cơ sở cùng có lợi, cùng nhau bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững tài nguyên sinh vật.

Nguyên tắc bình đẳng về năng lực tàu thuyền sẽ được áp dụng trên cơ sở điều tra liên hợp định kỳ về nguồn lợi thuỷ sản, đảm bảo phát triển bền vững. Mỗi bên đều có quyền liên doanh, hợp tác với nước thứ ba trong vùng nước của vùng đánh cá chung thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình trong khuôn khổ quy mô đánh bắt của mình do Uỷ ban liên hợp quy định.

Đường ranh giới phân định được lấy làm đường kiểm tra kiểm soát của lực lượng hữu quan hai bên, xử lý các vi phạm nhằm duy trì tôn trọng các quy định của Uỷ ban liên hợp nghề cá và pháp luật mỗi bên.

2. Vùng đánh bắt quá độ ở phía bắc vĩ tuyến 200 Bắc, có thời hạn 4 năm.

3. Vùng đệm cho tàu thuyền đánh cá loại nhỏ ở cửa sông Bắc Luân với bề rộng ba hải lý tính từ đường phân định ra mỗi bên và chiều dài 10 hải lý. Vùng này không quy định thời hạn.

Nghị định thư bổ sung Hiệp định hợp tác nghề cá

Từ năm 2001-2004, hai bên đã tiến hành đàm phán Nghị định thư bổ sung Hiệp định hợp tác nghề cá để xác định ranh giới các vùng biển, số lượng tàu thuyền và chế độ pháp lý của các vùng đánh cá chung và vùng dàn xếp quá độ.

Vùng dàn xếp quá độ có diện tích 9.080 km2. Ranh giới phía Tây của vùng quá độ là ranh giới 20 hải lý tính từ đường nối các điểm nhô ra nhất của các đảo ngoài cùng phía Việt Nam. Ranh giới phía Đông trong vùng biển Trung Quốc được xác định theo nguyên tắc tương đương về diện tích.

Ranh giới phía Nam là vĩ tuyến 200 Bắc và giới hạn hiệu lực 15 hải lý của đảo Bạch Long Vỹ.

Số tàu Trung Quốc vào vùng dàn xếp quá độ phía Tây đường phân định là 920 tàu; tỷ lệ tàu lưới kéo không vượt quá 35%, số tàu của các nghề khác do Trung Quốc tự điều chỉnh nhưng phải tuân thủ pháp luật hữu quan của Việt Nam; sử dụng loại tàu có công suất máy tàu từ 20-200 CV; công suất máy tàu bình quân là 85 CV.

Biên đội tàu Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 rời bến lên đường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra liên hợp nghề cá.

Như vậy, tổng công suất máy tàu của Trung Quốc được phép vào đánh bắt là 78.200 CV. Số tàu cắt giảm hàng năm là 25%, tương đương 230 tàu và sau bốn năm tàu cá Trung Quốc rút hết khỏi vùng dàn xếp quá độ, phía Tây đường phân định. Vùng này hết hiệu lực từ năm 2008.

Đối với vùng đánh cá chung, số tàu Trung Quốc vào vùng đánh cá chung phía Tây đường phân định là 1.543 tàu; tỷ lệ tàu lưới kéo không vượt quá 40%, số tàu của các nghề khác do Trung Quốc tự điều chỉnh và phải tuân thủ quy định của Quy chế bảo tồn và quản lý nguồn lợi thuỷ sản trong vùng đánh cá chung; sử dụng loại tàu có công suất máy tàu từ 60-400 CV.

Công suất máy tàu bình quân là 137 CV, theo đó tổng công suất máy tàu của Trung Quốc vào đánh bắt là 211.391 CV.

Trong vòng hai năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, sẽ căn cứ vào số liệu điều tra liên hợp nguồn lợi và theo tinh thần Điều 6 Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc, Uỷ ban liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt - Trung điều chỉnh số tàu hoạt động ở vùng đánh cá chung.

Tàu cá Việt Nam sang hoạt động tại hai vùng nước hiệp định phía Đông đường phân định tương đương về số tàu và tổng công suất của tàu cá Trung Quốc sang hoạt động ở hai vùng nước hiệp định phía Tây đường phân định.

Hiệp định nghề cá đã tạo ra một cơ chế hợp tác nghề cá mới trong khu vực, phù hợp với quy định của các Điều 61, 62, 63, 74, 83 và 123 của Công ước 1982. Đây là những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của luật biển quốc tế và khu vực, góp phần ổn định và xây dựng một trật tự pháp lý mới trên Biển Đông. Hiệp định này cũng góp phần thúc đẩy các dự án hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Sau thời hạn 12 năm, mặc nhiên gia hạn 3 năm và tiếp tục đồng ý gia hạn 1 năm, tới năm 2020, các quy định về vùng đánh cá chung hết hiệu lực. Hai bên quản lý đầy đủ vùng đặc quyền kinh tế thuộc nước mình. Hai bên sẽ xem xét đàm phán cơ chế hợp tác nghề cá mới phù hợp với Công ước 1982 và tình hình mới.