Nguyễn Minh Vũ - Vụ trưởng, Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017
Yếu tố then chốt ghi dấu ấn cho Năm APEC
Có thể nói, chủ đề và các ưu tiên là yếu tố then chốt để ghi dấu ấn một năm APEC. Chủ đề là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, kết nối toàn bộ gần 200 hoạt động APEC, bao gồm các cuộc gặp của Lãnh đạo các nền kinh tế, các Bộ trưởng, các cuộc họp của khoảng 50 cơ chế hợp tác. Chủ đề của năm cũng tạo sự cộng hưởng giữa các cơ chế hợp tác APEC của học giả, doanh nghiệp và chính phủ cùng hướng tới một mục tiêu chung. Thông qua chủ đề và các ưu tiên, nền kinh tế chủ nhà có thể đóng góp chủ động, tham gia định hình hướng hợp tác APEC trong năm, phát huy vai trò dẫn dắt, điều phối của cơ chế hợp tác quan trọng này.
Nguyễn Minh Vũ - Vụ trưởng, Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 ( đầu tiên từ phải sang) |
Ngay từ khi Ủy ban Quốc gia APEC 2017 được thành lập tháng 7/2015, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban, đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan tập trung xây dựng chủ đề và các ưu tiên, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Công tác nghiên cứu được triển khai từng bước với sự tham gia của đông đảo các viện nghiên cứu, các học giả có uy tín của Việt Nam về hội nhập quốc tế và châu Á - Thái Bình Dương. Công tác tham vấn các thành viên, Ban Thư ký APEC quốc tế và các tổ chức quốc tế cũng được xúc tiến tích cực để bảo đảm chủ đề và các ưu tiên sẽ phù hợp với quan tâm của khu vực, đồng thời phản ánh được các quan tâm và lợi ích của Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị không chính thức quan chức cấp cao (ISOM) APEC 2017, ngày 9/12/2016 tại Hà Nội. |
Thể hiện sinh động mẫu số chung
Trước hết, có thể khẳng định, chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” là phù hợp với tình hình mới và quan tâm chung của các nền kinh tế thành viên APEC và chủ nhà Việt Nam.
Chủ đề được đề xuất trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng thấp trong thời gian dài kể từ sau khủng hoảng tài chính, kinh tế 2008-2009. Các động lực tăng trưởng truyền thống từ cách mạng công nghiệp, nền sản xuất lớn và thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu tới hạn và giảm tốc. Lần đầu tiên kể từ khi APEC thành lập năm 1989, tăng trưởng thương mại khu vực không còn cao hơn tăng trưởng GDP trong bốn năm liên tiếp từ 2012-2015. Mặt khác, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những thỏa thuận toàn cầu về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu đã tạo nền tảng cho hợp tác, thúc đẩy mô hình phát triển bền vững, bao trùm và công bằng hơn. Trong tình hình đó, tìm kiếm “động lực mới” cho hội nhập, liên kết và tăng trưởng kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương là yêu cầu then chốt để bảo đảm vị thế diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực của APEC. Chủ đề cũng bổ trợ cho nỗ lực của các nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam, trong nỗ lực tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển cao hơn.
Bên cạnh những vấn đề trước mắt, chúng ta cũng không quên yếu tố “tương lai” trong xây dựng chủ đề của Năm APEC 2017. Đây là tiền đề để duy trì sự phù hợp và vai trò của APEC, đặc biệt khi thời hạn thực hiện các Mục tiêu Bogor của APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực vào năm 2020 đang đến gần. Năm APEC 2017 cần đặt nền móng cho sự khởi đầu mới của APEC, hướng tới một tương lai chung của châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, liên kết và tăng trưởng kinh tế không còn là mục tiêu tự thân, mà cần là tiền đề góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của các nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân khu vực.
Hướng tới sự phát triển bền vững và bao trùm
Cùng với chủ đề, bốn hướng ưu tiên lớn Việt Nam lựa chọn trên cơ sở tham vấn các nền kinh tế thành viên đều góp phần cụ thể hóa các định hướng lớn nêu trên.
“Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm” là ưu tiên gắn trực tiếp nhất với chủ đề của năm. Các nhân tố “bền vững” và “bao trùm” nhằm tăng cường đóng góp của APEC đối với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ đến 2030 cũng như triển khai các chiến lược của APEC về tăng trưởng. Cùng với đó, để khai thác thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng chiều sâu, nhân tố “sáng tạo” cũng được đề cao. Đây cũng là xu thế chung của hợp tác quốc tế và là quan tâm của nhiều thành viên APEC, trong đó có Việt Nam.
“Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng” là mục tiêu hàng đầu của APEC ngay từ khi thành lập, song năm nay sẽ được tiếp tục thúc đẩy trên một bình diện sâu rộng hơn. Trong bối cảnh tâm lý phản toàn cầu hóa nổi lên tại nhiều nơi, APEC hơn lúc nào hết có trách nhiệm làm sống động hợp tác thương mại và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng khu vực và củng cố niềm tin đối với toàn cầu hóa. Là một nền kinh tế đi đầu hội nhập kinh tế của khu vực, Việt Nam cùng các nền kinh tế thành viên sẽ nỗ lực đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu Bogor vào năm 2020, củng cố hệ thống thương mại đa phương, tăng cường kết nối, kết nối các chuỗi cung ứng, tiếp tục thực hiện lộ trình hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP)...
“Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số” được lựa chọn là một ưu tiên nữa của Năm APEC 2017, để khai thác tiềm năng của khoảng 97% lực lượng các doanh nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương. Nền tảng số đang mở ra những cơ hội chưa từng có cho các MSMEs tham gia và hưởng lợi từ tự do hóa thương mại và đầu tư. Đây là lúc các thành viên APEC cần cùng nhau nỗ lực hơn nữa để tháo gỡ những nút thắt thể chế, nguồn lực, cơ sở hạ tầng..., tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng khởi nghiệp, tận dụng hiệu quả nền tảng công nghệ để tạo những đột phá trong sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường.
Cuối cùng là ưu tiên “Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”. An ninh lương thực là mục tiêu phát triển bền vững thứ hai của LHQ, vừa là quan tâm chung của châu Á - Thái Bình Dương cũng như của các thành viên ASEAN. Gắn “an ninh lương thực” với “nông nghiệp bền vững” và “biến đổi khí hậu” cũng nhằm góp phần thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đối với nước ta, đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng chiến lược khi hơn 70% dân số sống phụ thuộc vào ngành nông nghiệp và là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Trong năm 2017, Việt Nam sẽ cùng các nền kinh tế thành viên APEC cụ thể hóa chủ đề và bốn hướng ưu tiên nêu trên. Các Bộ, cơ quan, doanh nghiệp và giới học giả của nước ta đang chủ động vào cuộc, đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất các ý tưởng, sáng kiến để triển khai các ưu tiên, mở ra giai đoạn hợp tác mới thực chất, hiệu quả và thiết thực hơn cho APEC vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng cho mọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp và từng nền kinh tế.