📞

Nhật Bản: Thủ tướng Suga từ chức, 'cánh cửa khác' dành cho ai?

Hồng Phúc 14:28 | 05/09/2021
Việc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tuyên bố sẽ từ chức khiến giới chính khách Nhật Bản bất ngờ, đồng thời để ngỏ cánh cửa cho cuộc đua người kế nhiệm.

Những gương mặt tiềm năng cho chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản đã lộ diện như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida, cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Konongười và không loại trừ đồn đoán về khả năng cựu Thủ tướng Abe Shinzo ra tranh cử chức thủ tướng nhiệm kỳ thứ ba...

Cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida. (Nguồn: Bloomberg)

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida

Ông Fumio Kishida, 64 tuổi từng được coi là nhân vật có khả năng kế nhiệm ông Abe Shinzo, người đã từ chức Thủ tướng hồi tháng 9 năm ngoái.

Tuy nhiên, nghị sỹ đến từ tỉnh Hiroshima này thường đứng ở vị trí khá thấp trong các cuộc thăm dò dư luận. Năm ngoái, ông chỉ đứng ở vị trí thứ 2 trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, sau Thủ tướng Suga.

Ông Kishida đến từ một trong những phái ôn hòa hơn trong LDP và được cho là không sốt sắng với việc sửa đổi Hiến pháp hiện nay của Nhật Bản.

Sau khi thông báo sẽ ra tranh cử, ông Kishida đã kêu gọi thu hẹp khoảng cách thu nhập và cam kết hỗ trợ cho những người dễ tổn thương về kinh tế như những nhân viên làm việc bán thời gian và phụ nữ, khác với đương kim Thủ tướng Suga - người nhấn mạnh vào tự hồi phục.

Tuần này, ông Kishida kêu gọi cần phải soạn thảo gói kích thích kinh tế có trị giá “hàng chục nghìn tỷ Yen” để đối phó với dịch Covid-19 và cho rằng Nhật Bản cần phải duy trì lãi suất siêu thấp để hỗ trợ cho nền kinh tế đang gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Mặt khác, ông Kishida cũng cho biết ông ra tranh cử để chứng tỏ LDP “lắng nghe người dân và có nhiều lựa chọn, và bảo vệ nền dân chủ của đất nước”. Đây được coi là một phát biểu chỉ trích cách quản lý của Thủ tướng Suga.

Cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi. (Nguồn: Reuters)

Cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi

Bà Sanae Takaichi, 60 tuổi từng được nhìn nhận là "môn đệ" của cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Cựu bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã nói rõ ràng về nguyện vọng trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản, đồng thời khẳng định bà sẽ đưa ra các chính sách nhằm chống lại mối đe dọa công nghệ của Trung Quốc và giúp vực dậy nền kinh tế.

Bà Takaichi cho biết bà muốn tập trung vào các vấn đề mà các chính quyền trước đây chưa hoàn thành như mục tiêu nâng tỷ lệ lạm phát lên 2%, ban hành dự luật “giúp ngăn chặn sự rò rỉ thông tin nhạy cảm sang Trung Quốc”.

Nữ chính trị gia này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải soạn thảo ngân sách bổ sung càng sớm càng tốt để củng cố hệ thống y tế của Nhật Bản, vốn đang trong tình trạng căng thẳng do đại dịch.

Là một thành viên của phái bảo thủ nhất trong LDP, bà Takaichi thường tới thăm đền Yasukuni - một ngôi đền gây tranh cãi giữa các nước châu Á - và phản đối việc cho phép các cặp vợ chồng kết hôn giữ nguyên tên họ.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu bà Takaichi có nhận được sự ủng hộ của tối thiểu 20 nghị sỹ cần thiết để ra tranh cử chức chủ tịch LDP hay không.

Bộ trưởng Cải cách Hành chính Nhật Bản Taro Kono. (Nguồn: Bloomberg)

Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono

Ông Taro Kono, 58 tuổi hiện là Bộ trưởng Cải cách Hành chính và đang phụ trách chương trình tiêm chủng phòng Covid-19 của Chính phủ. Chính trị gia này thường có vị trí khá cao trong danh sách các nghị sỹ mà cử tri muốn kế nhiệm Thủ tướng Suga.

Tốt nghiệp Đại học Georgetown, ông Kono có thể nói tiếng Anh thành thạo và có hiểu biết tốt về mạng xã hội. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng, ủng hộ các chính sách quan trọng của cựu Thủ tướng Abe.

Ông có các quan điểm bảo thủ khác biệt với cha là cựu Chánh Văn phòng Nội các Yohei Kono, người là tác giả của lời xin lỗi mang tính lịch sử của Nhật Bản vào năm 1993 đối với “các phụ nữ mua vui” - một thuật ngữ ám chỉ những phụ nữ từng làm ở các nhà thổ của quân đội Nhật Bản trong chiến tranh.

Là một thành viên của phái Shikokai do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso lãnh đạo, ông Kono vừa mới bày tỏ ý định sẽ ra tranh cử chức chủ tịch LDP.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba. (Nguồn: Reuters)

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba

Ông Shigeru Ishiba, 64 tuổi thường có vị trí khá cao trong các cuộc thăm dò dư luận về những nhân vật có khả năng trở thành thủ tướng, nhưng không được các nghị sỹ của LDP ưa thích.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng là một chuyên gia về an ninh và là một trong những nhân vật hiếm hoi trong LDP thường xuyên chỉ trích ông Abe trên cương vị Thủ tướng. Chính trị gia này cũng từng giữ chức Bộ trưởng Nông nghiệp và phục hồi kinh tế vùng.

Ông Ishiba đã đánh bại ông Abe trong vòng đầu tiên của cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch LDP hồi năm 2012 nhờ có sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đảng viên thường, nhưng lại để thua ở vòng 2, vốn chỉ có sự tham gia bỏ phiếu của các nghị sỹ thuộc LDP.

Kể từ đó đến nay, ông đã có hai lần khác thất bại trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế chủ tịch LDP, trong đó có thất bại trước Thủ tướng Suga vào năm ngoái.

Ông Ishiba cũng chỉ trích chính sách lãi suất siêu thấp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và kêu gọi tăng chi tiêu cho các công trình công cộng nhằm giải quyết vấn đề bất bình đẳng đang gia tăng.

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. (Nguồn: AP)

Giáo sư chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo nhận định mọi người đều hiểu rằng chính trị gia kỳ cựu Abe Shinzo đang chuẩn bị trở lại. Vị giáo sư giải thích: "Đúng là thật khó tin và hoàn toàn chưa từng có tiền lệ, song đa phần hiểu rằng giờ đây ông ấy đã bình phục, Abe đang sẵn sàng cho một cuộc đua mới".

Giáo sư Nakano lưu ý đến một vài chỉ dấu rõ ràng như việc cựu Thủ tướng đang gia tăng sự hiện diện của mình trên mạng xã hội.

Ông Abe là Thủ tướng Nhật Bản trong đúng 1 năm, từ năm 2006-2007, sau đó trở lại chính trường vào năm 2012, trở thành thủ tướng lâu đời nhất ở Nhật Bản trước khi từ chức hồi tháng 9/2020.

Giáo sư Nakano thừa nhận rằng cuộc bầu cử chủ tịch đảng LDP diễn ra quá sớm đối với ông Abe và ông trước đó chỉ từ chức vì vấn đề sức khỏe cũng như những "âm hưởng" về những vụ việc lùm xum vẫn bủa vây Abe.

Thế nhưng, Abe là một nhân vật đặc biệt trong chính trường Nhật Bản, được coi là "con nhà nòi về chính trị" và chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng phái bảo thủ. Vì vậy, Abe vẫn là một đại diện tiêu chuẩn cho LDP.

Theo Asia Times, cuộc bầu cử LDP để tìm ra chủ tịch mới của đảng này sẽ là cuộc đua đầu tiên trong vòng 3 năm qua có sự tham gia đầy đủ của những thành viên đảng ở cả trong và ngoài quốc hội. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử này sẽ thay thế Suga, trở thành thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản.

Nhiệm vụ đầu tiên của người chiến thắng sẽ là lãnh đạo và dẫn dắt LDP bước vào một cuộc tổng tuyển cử vốn có thể diễn ra muộn nhất vào ngày 28/11 song đa phần dự đoán sẽ diễn ra vào tháng 10/2021. Mặc dù đa phần dự đoán LDP sẽ giành chiến thắng, song tình trạng không chắc chắn về chính trị trong vài tuần tới khó có thể làm gia tăng cơ hội chiến thắng cho LDP.

(theo Kyodo, Asahi)