Ảnh minh họa. |
- Căn cứ Quyết định số 88-QĐ/TW, ngày 01/12/2022 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Căn cứ Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 28/02/2023 của Ban Bí thư về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí (sau đây gọi là Quy định số 101-QĐ/TW);
Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn một số điều trong Quy định về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng điều chỉnh (Điều 1)
Người được giao nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan báo chí (giao quyền cấp trưởng, giao phụ trách cơ quan báo chí): Là cấp phó người đứng đầu cơ quan báo chí hoặc cấp phó người đứng đầu cơ quan chủ quản được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan báo chí.
2. Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí và cơ quan chủ quản báo chí (Điều 4)
Cơ quan có trách nhiệm, quyền hạn thẩm định, có ý kiến đối với đề nghị của cơ quan chủ quản báo chí về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại lãnh đạo cơ quan báo chí là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông.
II. BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM
1. Tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm (Điều 5)
1.1. Hoạt động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản (khoản 5 Điều 5): Người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản là người làm việc tại cơ quan báo chí, nhà xuất bản; người thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về báo chí, xuất bản tại cơ quan chỉ đạo báo chí, xuất bản, cơ quan quản lý báo chí, xuất bản, các cấp hội nhà báo, cơ quan chủ quản báo chí, xuất bản; giảng viên chuyên ngành báo chí, xuất bản thuộc cơ sở giáo dục đại học công lập.
1.2. Điều kiện, tiêu chuẩn đối với lãnh đạo cơ quan chủ quản được giao nhiệm vụ người đứng đầu cơ quan báo chí: Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao; có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; đáp ứng khoản 2, khoản 3 Điều 5 Quy định số 101-QĐ/TW.
1.3. Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về báo chí (khoản 4 Điều 5): Là chứng chỉ được cấp bởi cơ sở đào tạo giáo dục đại học công lập được phép đào tạo chuyên ngành báo chí; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ của cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông theo quy định.
1.4. Có đầy đủ hồ sơ và được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận (khoản 6 Điều 5):
- Danh mục hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại lãnh đạo cơ quan báo chí thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý: Theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Danh mục hồ sơ bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội: Theo Phụ lục I của Hướng dẫn này. Danh mục hồ sơ bổ nhiệm lại lãnh đạo cơ quan báo chí ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội: Theo Phụ lục II của Hướng dẫn này.
- Danh mục hồ sơ bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí không thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và không thuộc cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội: Theo Phụ lục II Quy định số 101-QĐ/TW.
2. Độ tuổi bổ nhiệm (khoản 7 Điều 5)
Trường hợp đặc biệt không quá 70 tuổi chỉ áp dụng đối với người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo; tạp chí khoa học; tạp chí chuyên ngành trong đó có chuyên ngành chính phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tạp chí được tính điểm khoa học từ 0,75 điểm trở lên.
3. Quy trình, thủ tục bổ nhiệm (Điều 7)
3.1. Các bước thực hiện quy trình hiệp y bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí không thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được thực hiện như sau:
(1) Cơ quan chủ quản báo chí làm văn bản (kèm hồ sơ) gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông.
(2) Trên cơ sở thẩm định hồ sơ, Ban Tuyên giáo Trung ương có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến.
(3) Bộ Thông tin và Truyền thông:
- Trường hợp đồng thuận với ý kiến Ban Tuyên giáo Trung ương: Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng thời trả lời cơ quan chủ quản báo chí theo quy định.
- Trường hợp có ý kiến khác: Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trao đổi ý kiến với Ban Tuyên giáo Trung ương.
+ Trong trường hợp đồng thuận với ý kiến trao đổi của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương có văn bản trả lời cơ quan chủ quản.
+ Trong trường hợp chưa đồng thuận với ý kiến trao đổi của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức cuộc làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để trao đổi, thảo luận về những nội dung có ý kiến khác nhau. Trên cơ sở ý kiến thống nhất tại cuộc làm việc, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời cơ quan chủ quản.
(4) Ban Tuyên giáo Trung ương có văn bản trả lời cơ quan chủ quản báo chí.
(5) Cơ quan chủ quản báo chí chỉ ra quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và gửi Quyết định bổ nhiệm tới Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông để cập nhật, theo dõi quản lý.
3.2. Cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí đang trong nhiệm kỳ giữ chức vụ theo quy định, khi đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động báo chí hoặc cấp thêm loại hình báo chí, cơ quan chủ quản chỉ thực hiện báo cáo, thông báo trong công văn, hồ sơ đề nghị, không phải thực hiện lại quy trình bổ nhiệm.
3.3. Cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí ở Trung ương chỉ xem xét thẩm định hồ sơ và hiệp y trả lời khi cơ quan chủ quản gửi đầy đủ văn bản hồ sơ theo quy định.
4. Thời hạn giữ chức vụ (Điều 8)
4.1. Người đứng đầu cơ quan báo chí không đảm nhiệm chức vụ quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp (10 năm liên tiếp) tại 01 cơ quan báo chí. Nhiệm kỳ tiếp theo chỉ được thực hiện cách thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thứ hai ít nhất 05 năm.
4.2. Thời hạn giao thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan báo chí đối với cấp phó người đứng đầu cơ quan báo chí không quá 18 tháng. Lãnh đạo cơ quan chủ quản (không phải là người đứng đầu cơ quan chủ quản) được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan báo chí không quá 12 tháng.
Cơ quan chủ quản chỉ ra văn bản giao nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan báo chí sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông.
5. Bổ nhiệm lại (Điều 9)
Quy trình, thủ tục bổ nhiệm lại lãnh đạo cơ quan báo chí ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội: Thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cơ quan chủ quản. Danh mục hồ sơ bổ nhiệm lại theo Phụ lục II của Hướng dẫn này và gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông để thẩm định, cho ý kiến.
6. Kỷ luật (Điều 13)
6.1. Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan ban hành văn bản nhắc nhở cơ quan báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí sau khi trao đổi, thống nhất ý kiến với Bộ Thông tin và Truyền thông và tham khảo ý kiến của Hội Nhà báo Việt Nam (trong trường hợp cần thiết) (khoản 2 Điều 13 Quy định số 101-QĐ/TW).
6.2. Trong vòng 12 tháng, cơ quan báo chí bị Ban Tuyên giáo Trung ương nhắc nhở 2 lần bằng văn bản thì lãnh đạo cơ quan báo chí bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (điểm a khoản 3 Điều 13 Quy định số 101-QĐ/TW).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cơ quan chủ quản báo chí có trách nhiệm rà soát, lập danh sách lãnh đạo cơ quan báo chí, gồm các nội dung: (1) Họ và tên; (2) Độ tuổi; (3) Giới tính; (4) Năm bổ nhiệm lần đầu; (5) Trình độ lý luận chính trị; (6) Trình độ chuyên môn (7) Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về báo chí và gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 15 tháng 12 hằng năm hoặc khi có yêu cầu.
2. Cơ quan chủ quản báo chí quan tâm, chú trọng việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý hoạt động của cơ quan báo chí.
3. Hướng dẫn này có hiệu lực từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan liên quan có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương để nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh.
BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG
| Tăng cường điều kiện hoạt động cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan chủ quản quan tâm chỉ đạo hoạt động báo chí, bố trí tăng nguồn ... |
| Đoàn báo chí nước ngoài tìm hiểu môi trường đầu tư tại Phú Thọ Ngày 25/8, Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao phối hợp với Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ tổ chức đoàn phóng viên, tuỳ ... |
| Nâng cao vai trò của báo chí trong tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững Nhằm phát huy, nâng cao vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền, góp phần cho sự phát triển bền vững của đất ... |
| Báo chí chính thống vẫn có chỗ đứng vững chắc trong 'trận địa' thông tin mở Nhà báo Nguyễn Thành Lợi cho rằng, báo chí vẫn có chỗ đứng vững chắc trong "trận địa" thông tin mở như hiện nay. Muốn ... |
| Chuyển đổi số trong báo chí: Nắm bắt thời cơ, làm chủ công nghệ để tránh tụt hậu Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, báo chí cũng không nằm ngoài xu thế tất yếu, nếu các cơ quan ... |