📞

Hướng tới các thành phố phát triển bền vững ở Đông Nam Á

09:24 | 20/02/2017
Đối với khu vực Đông Nam Á, đô thị hóa là một trong những xu hướng lớn đang hình thành ở các quốc gia của khu vực.

Sự phát triển kinh tế chóng mặt trong nhiều năm liền đã kéo theo việc các thành phố lớn ở các quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh như ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông, tỷ lệ tội phạm tăng… Tình trạng này đặt ra bài toán buộc các quốc gia trong khu vực phải phối hợp để cùng nhau giải quyết. Xung quanh vấn đề này, tờ Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết của tác giả Jamal M. Gawi với tựa đề “Hướng tới các thành phố phát triển bền vững ở Đông Nam Á”. Báo TG&VN xin trân trọng được đăng tải nội dung bài viết này.

Nhiều thành phố ở các quốc gia ASEAN đã phát triển rất lộn xộn, không theo quy hoạch, dẫn đến những tác động về kinh tế. (Nguồn: AsiaTravel)

Áp lực từ tốc độ đô thị hóa và biến đổi khí hậu

Các chuyên gia dự báo rằng với tốc độ tăng trưởng dân số và đô thị hóa hiện nay, tới năm 2050 dân số thế giới sẽ tăng thêm 2,5 tỷ người và trong số này châu Á và châu Phi chiếm tới 90%.

Dân số các quốc gia Đông Nam Á đạt hơn 630 triệu người vào năm 2015, trong đó hơn 40% số người dân sống trong các thành phố, thị xã. ASEAN hiện có những thành phố phát triển nhanh nhất trên thế giới, trong đó có những thành phố được đánh giá là đô thị đông dân nhất trên thế giới. Tốc độ đô thị hóa hàng năm ở một số quốc gia như Lào là 5,6%, Campuchia 4,6%, Myanmar 3,9% và Indonesia là 3,3%.

Nếu các quốc gia ASEAN không có sự nhìn nhận, xem xét một cách kỹ lưỡng, sự gia tăng liên tục dân số đô thị sẽ tạo ra những áp lực về sự phát triển bền vững.

Sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu cộng với những áp lực về sự phát triển nóng của nhiều thành phố ở khu vực sẽ làm ảnh hưởng đến tương lai bền vững của các thành phố các quốc gia ASEAN. Mặt khác, do quy hoạch và nguồn nhân lực yếu kém, thiếu nguồn lực tài chính mà trình độ quản trị chưa cao, việc quản lý rủi ro và ứng phó với biến đổi khí hậu chưa được quan tâm đúng mức, sẽ dẫn đến tương lai phát triển không bền vững của các thành phố trong khu vực. Vấn đề là ngay từ lúc này, các quốc gia Đông Nam Á cần phải có những hành động gì để kịp thời ứng phó với những nguy cơ nói trên.

Bài học của Jakarta

Các nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đối với các quốc gia ASEAN đã chỉ ra rằng Philippines, toàn bộ đất nước Campuchia, Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, vùng Đông và Bắc Lào, thành phố Bangkok, Thái Lan và toàn bộ khu vực các đảo Sumatra và Java của Indonesia sẽ là những nơi chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Hiện tại, thành phố Jakarta của Indonesia và một số thành phố khác đang phải đối mặt với tình trạng sụt lún, gây thiệt hại cho hệ thống cơ sở hạ tầng, tình trạng ngập lụt gia tăng, đặc  biệt là nước biển sẽ xâm nhập và làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm của thành phố.

Nguồn nhân lực yếu, trình độ quy hoạch chưa cao, đã dẫn đến sự phát triển nóng, khó kiểm soát ở nhiều thành phố và gây ra nhiều vấn đề phức tạp về xã hội, kinh tế và môi trường. Nhiều thành phố ở các quốc gia ASEAN phát triển rất lộn xộn, không theo quy hoạch, dẫn đến những tác động về kinh tế, trong đó có việc phải dành một khoản ngân sách đáng kể để quy hoạch lại sự phát triển cho các thành phố này.

Jakarta là một trong những thành phố trong khu vực đã phải trả những khoản tiền lớn cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển các công trình công cộng. Thủ đô Jakarta của Indonesia và một số thành phố khác trong khu vực đang bắt đầu đầu tư vào việc phát triển giao thông công cộng để phục vụ cho người dân thủ đô cũng như các vùng phụ cận bằng nguồn tài chính của nhà nước, các nhà đầu tư quốc tế và trong nước. Sau một thời gian chờ đợi, hệ thống Metro Manila đã bắt đầu được thực hiện vào năm 2014 nhằm giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn giao thông, giảm thiểu tình trạng người dân phải sống trong môi trường độc hại do khói bụi xe hơi gây ra, giảm thiểu ô nhiễm không khí. Các kế hoạch tương tự hiện cũng đang được đẩy mạnh ở các thành phố khác như Kuala Lumpur và Bandar Seri Begawan.

Tuy nhiên, việc thiếu nguồn lực tài chính là một trong những vấn đề lớn cản trở sự phát triển bền vững cho các thành phố của ASEAN. Dự án Metro Manila dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 52 tỷ USD cho đến năm 2030. Giai đoạn đầu tiên của hệ thống tầu điện ngầm của Jakarta với mức chi phí là 75 triệu USD/1 km. Do đó, việc huy động được các nguồn tài chính trong và ngoài nước để thực hiện các dự án này là rất quan trọng để có thể thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững cho các thành phố.

Cần chiến lược phù hợp

Do thiếu kinh phí và năng lực, nhiều thành phố của các quốc gia ASEAN không thể phát triển bền vững và thực hiện các giải pháp toàn diện, thay vào đó họ có thể tiếp tục phát triển lộn xộn, không theo quy hoạch. Bất kỳ phương pháp tiếp cận toàn diện để đạt được mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi phải có sự quan tâm, nhìn nhận đúng mực của chính phủ cũng như người dân từng nước, đồng thời cần có kế hoạch phù hợp để huy động các nguồn lực tài chính phục vụ cho sự phát triển này. Đây là một việc quan trọng bởi nếu không làm ngay từ đầu, các thành phố sẽ lại phải mất thêm rất nhiều thời gian và tiền bạc để quy hoạch lại trong tương lai.

Khi các thành phố đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững về môi trường (ESC) được thông qua bởi ASEAN theo tinh thần phát triển các đô thị trong tương lai, nó phải đảm bảo rằng việc đạt được ESC phải thông qua kiểm tra, đánh giá một cách khách quan, khoa học, dựa trên các tiêu chí được đề ra.

Các thành phố là động cơ của tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Do những thách thức xã hội và môi trường, các thành phố của các quốc gia ASEAN sẽ có thể tự tìm ra phương pháp riêng để đối phó hiệu quả với những rủi ro, phức tạp, từ đó có thể đảm bảo mục tiêu chiến lược phát triển bền vững của mình. Những kinh nghiệm quý báu của các thành phố đã có thời gian phát triển trước sẽ rất hữu ích đối với các thành phố đang bước vào giai đoạn đô thị hóa nhanh chóng hiện nay. Trong tương lai, với chiến lược phát triển của mình đã được nêu trong mục tiêu hình thành cộng đồng Văn hóa - Xã hội của ASEAN, chúng ta có quyền hy vọng về những đô thị hiện đại, phát triển bền vững và là nơi đáng sống cho nhiểu người dân trên thế giới.

(theo Jakarta Post)