📞

Hướng tới một Chương trình hành động quốc gia vì bình đẳng cho phụ nữ và hòa bình bền vững

Phương Trang 13:30 | 31/03/2022
Đánh giá cao việc Việt Nam nghiên cứu xây dựng Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, chỉ ra rằng đây sẽ là bước tiến lớn trong công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện Un Women, trả lời phỏng vấn bên lề Hội thảo 'Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam'. (Ảnh: Tuấn Anh)

Chia sẻ với TG&VN bên lề Hội thảo quốc tế “Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam”, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam đánh giá cao và cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực củng cố các cơ chế và khuôn khổ chính sách nhằm thực hiện Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS).

Thưa bà, xin bà hãy chỉ ra vai trò của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình và an ninh?

Phụ nữ có vai trò rất quan trọng đối với hòa bình và an ninh, đặc biệt trong việc xây dựng nền hòa bình bền vững ở các quốc gia. Vai trò đặc biệt này của phụ nữ không chỉ được công nhận ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nghị quyết 1325 năm 2000 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) là khởi nguồn cho Chương trình nghị sự WPS.

Tất cả các nội dung trên đều khẳng định rằng phụ nữ là yếu tố cần thiết để xây dựng hòa bình bền vững trên toàn thế giới.

Đơn cử, phụ nữ đóng một vai trò lãnh đạo trong việc hoà giải và đưa ra quyết định để giải quyết xung đột. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường sự tham gia của phụ nữ với vai trò bảo vệ người dân và trong việc tiếp xúc với cộng đồng.

Về vấn đề này, Việt Nam đã thực hiện rất tốt các hoạt động gìn giữ hòa bình và có tỷ lệ phụ nữ tham gia gìn giữ hòa bình là 17.4%, cao hơn mục tiêu vào năm 2028 của LHQ (15%).

Cùng với đó, phụ nữ còn có khả năng tiếp cận cộng đồng theo những cách khác nhau để hiểu được nhu cầu của cộng đồng.

Chúng ta cũng khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc xem xét các vấn đề bạo lực và ngăn chặn bạo lực ở tất cả các cấp. Tiếp đó, phụ nữ cũng là một thành phần trụ cột trong các vấn đề về cứu trợ và phục hồi sau thảm họa, xung đột.

Những vấn đề trên rất quan trọng để cộng đồng có thể hiểu về Chương trình nghị sự WPS.

Đáng lưu ý, ở đây chúng ta không chỉ nói về các vấn đề xung đột truyền thống mà còn nói về các thách thức mới như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, di cư, dịch bệnh… Do đó, phạm vi của Chương trình nghị sự WPS hiện nay đã được mở rộng hơn rất nhiều.

Bà đánh giá như thế nào về nỗ lực thúc đẩy Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Việt Nam, cụ thể là nghiên cứu về một Chương trình hành động quốc gia về vấn đề này?

Giống như bất kỳ quốc gia thành viên nào khác của LHQ, Việt Nam có cam kết với Công ước xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) số 5 và 16, cũng như Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an LHQ và các Nghị quyết khác về vấn đề này.

"Nghiên cứu về Chương trình hành động quốc gia mở ra hướng đi mới nhằm tiếp nối các sáng kiến của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, phát huy vai trò tích cực và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới nói chung và Phụ nữ, Hòa bình và An ninh nói riêng” - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt.

Việt Nam đã đi đầu trong việc soạn thảo và thông qua Nghị quyết 1889, nhấn mạnh việc đáp ứng các nhu cầu của phụ nữ trong xung đột và hậu xung đột. Việt Nam cũng là một hình mẫu trong việc nhiều phụ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Với một khung pháp lý tốt, các vấn đề bình đẳng giới đang từng bước được cải thiện ở Việt Nam.

Tuy nhiên, những bất ổn đến từ các sự kiện chưa từng có như đại dịch Covid-19, thảm họa thiên nhiên như hạn hán và lũ lụt, tội phạm mạng, hoặc thậm chí từ các cuộc xung đột và khủng hoảng xã hội hoặc biên giới, sẽ không chỉ đẩy phụ nữ và trẻ em gái vào tình trạng nghèo đói cùng cực, mà còn khiến cả đất nước trở về điểm xuất phát trong công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Đã đến lúc Việt Nam phải triển khai nhiều cách hơn nữa để xây dựng, duy trì những thành tựu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, và lập kế hoạch lường trước những bất ổn.

Hội thảo ngày hôm nay càng khẳng định sự quan tâm và cam kết của Việt Nam trong việc đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện Chương trình nghị sự WPS và hình thành một Chương trình hành động về WPS của Việt Nam.

Việc xây dựng Chương trình hành động quốc gia về WPS sẽ cho phép Chính phủ Việt Nam phản ánh những nỗ lực hiện có về bình đẳng giới, xác định các ưu tiên và cơ hội trong tương lai, đồng thời đảm bảo tính nhất quán của chính sách. Đồng thời, đồng bộ hóa các chính sách liên quan và tạo sự gắn kết giữa các chiến lược quốc gia như Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Các đại biểu thảo luận nhằm đưa ra những khuyến nghị giúp Việt Nam thúc đẩy hơn nữa Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bà có thể đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh?

Hội thảo hôm nay là sự kiện quan trọng mà Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức với sự hỗ trợ của UN Women.

Điều chúng ta đang thảo luận là làm thế nào để đẩy nhanh các nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự WPS. Và chương trình hành động quốc gia là một khuyến nghị quan trọng mà tôi muốn đề cập tới.

Về cơ bản, Chương trình hành động quốc gia về WPS sẽ xác định các ưu tiên của Việt Nam về vấn đề này, thể hiện chi tiết vai trò, trách nhiệm của các cấp và cộng đồng.

Một chương trình như vậy cũng sẽ xác định rõ ràng mục tiêu và kết quả mà Việt Nam muốn hướng đến, đồng thời vạch ra các nguồn lực cần thiết để biến các mục tiêu trên thành hiện thực.

Vì vậy, việc chúng ta cần làm là biến các chương trình nghị sự có tổ chức hơn và bảo đảm nó được triển khai một cách cụ thể và minh bạch.

Một chương trình hành động đòi hỏi sự tham gia của tất cả các thành phần trong xã hội, từ chính phủ tới các tổ chức xã hội, từ giới học thuật tới khu vực tư nhân. Đây chính là một cách tiếp cận toàn xã hội mà chúng ta cần hướng đến.

UN Women cùng với các cơ quan LHQ khác sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan trong quá trình này.

Xin cảm ơn bà!

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế 'Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam' ngày 28/3. (Ảnh: Tuấn Anh)

(thực hiện)